Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Chú trọng các mặt hàng phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán

Lê Dung| 30/12/2015 09:48

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau.

ADQuảng cáo

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng tươi sống tại các cơ sở kinh doanh ở huyện Đắk R’lấp

Theo Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389/ĐP) thì trong năm 2015, các đơn vị thành viên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, bắt giữ, xử lý được hơn 3.000 vụ việc vi phạm, tăng gần 50% so với cùng kỳ, với tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước là hơn 26,3 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2014.

Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng cho thấy, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động để dễ dàng thực hiện hành vi gian lận. Cụ thể như trên các tuyến đường của quốc lộ 14 và quốc lộ 28, hàng hóa thường được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào hoặc các tỉnh phía Nam lên. Vì vậy, để qua mặt được các cơ quan chức năng, các đối tượng thường vận chuyển vào ban đêm và thay đổi biển số xe hoặc cho người theo dõi thời gian làm việc của lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Một số đối tượng còn xé nhỏ, cất giấu hàng lậu trên các phương tiện xe tải, xe khách, xe ô tô riêng hoặc bỏ lẫn với những hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khác. Nhiều đối tượng lại sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để mua qua, bán lại giữa các doanh nghiệp nhằm hợp thức hóa hàng lậu hoặc viết hóa đơn bán hàng có giá trị thấp hơn so với hàng hóa thực tế đang lưu thông trên thị trường để gian lận trốn thuế…

ADQuảng cáo

Theo ông Huỳnh Văn Đại, Phó Phòng Nghiệp vụ (Chi cục Quản lý thị trường) thì ngoài những khó khăn trên, hiện nay, lực lượng thực thi công vụ của tỉnh còn mỏng, trong khi đó, công cụ hỗ trợ công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại lại rất thiếu như công cụ kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng dầu, kiểm tra phân bón…

Kinh phí hoạt động trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quá thấp. Cụ thể, trong năm 2015, ngân sách cấp để Ban chỉ đạo 389/ĐP hoạt động về cả công tác hành chính và kiểm tra chỉ có 45 triệu đồng. Mặt khác, một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính cũng chưa được rõ thẩm quyền của từng lực lượng theo đúng quy định nên rất khó khăn trong tổ chức, thực hiện.

Cũng theo Ban chỉ đạo 389/ĐP thì trong năm 2016, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục khởi sắc, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đây cũng là điều kiện để các đối tượng đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn để tiêu thụ. Vì vậy, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra tại các địa bàn thị xã, huyện, khu kinh tế cửa khẩu, các thành viên Ban chỉ đạo 389/ĐP cũng sẽ linh hoạt hơn nữa trong việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện đối tượng vi phạm.

Theo đó, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát theo định kỳ, đơn vị còn tổ chức kiểm tra đột xuất, mai phục, bám nắm địa bàn và nhất là trưng dụng tối đa nguồn tin từ quần chúng nhân dân để kịp thời có phương án xử lý. Chi cục Quản lý thị trường cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra thị trường tại 1.700 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các đơn vị sẽ chú trọng tới các mặt hàng phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân như thực phẩm tươi sống và chế biến rau, củ, quả, gia súc, gia cầm, pháo các loại…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Chú trọng các mặt hàng phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO