Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và những vần thơ lẩy Kiều thú vị của Bác Hồ

Lê Thành Văn| 05/05/2017 10:08

Hồ Chí Minh đi xa đất nước suốt ba mươi năm vì công cuộc trường chinh vĩ đại, song trong tâm hồn Bác vẫn luôn tha thiết với văn học nước nhà. Với truyện Kiều, Bác đặc biệt để tâm và thường lẩy Kiều hoặc để làm vui khi mỏi mệt hoặc để chọc cười người khác, có khi Người dự báo một điều sắp xảy ra theo khả năng kinh nghiệm tài tình của mình. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ lịch sử, Hồ Chí Minh chí ít là đã hai lần mượn truyện Kiều để lẩy ra những câu thơ đầy sống động.

ADQuảng cáo

Trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ một năm, vào một ngày đầu tháng 3/1953, Hồ Chủ tịch chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo tình hình thế giới, quân sự và việc cử cán bộ đi công tác Tây Bắc, thảo luận về Sắc lệnh ruộng đất và Sắc lệnh tổ chức tòa án nhân dân đặc biệt ở những nơi phát động quần chúng. Trong không khí vui vẻ, phấn khởi của phiên bế mạc, đồng chí Phan Anh, lúc này là Bộ trưởng Bộ Công thương, cao hứng đọc mấy câu thơ tặng Bác phảng phất hơi hướng truyện Kiều:

Mấy lời Bác dạy sắt son

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua

Diệt thù giải phóng quê ta

Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu.

Hội nghị nghe đọc thơ ứng khẩu xuất thần của vị Bộ trưởng này, lời thơ lại có ý khơi mào trúng sở trường lẩy Kiều của Bác thì ai nấy vỗ tay nồng nhiệt, nhưng Bác ra hiệu cho mọi người yên lặng và Người đọc thêm hai câu:

Đành lòng chờ đó ít lâu

ADQuảng cáo

Chầy ra thì một năm sau vội gì.

Hai câu này nếu đúng nguyên văn trong truyện Kiều là lời của Từ Hải nói với Thúy Kiều khi quyết dứt áo ra đi sau "nửa năm hương lửa đương nồng". Từ Hải vốn là một bậc anh hùng, không chấp nhận cuộc sống "cá chậu chim lồng" thường tình như người khác nên khuyên Kiều ở lại quê nhà, còn mình quyết chí ra đi. Ở hai câu thơ lẩy Kiều của Bác chỉ sai so với văn bản truyện Kiều hai từ thôi, đúng văn bản truyện Kiều  phải viết: "Chầy chăng là một năm sau vội gì". Đoạn nói xong, Bác lấy cái áo ngoài vắt ở thành ghế cạnh bàn, đọc tiếp một câu cuối cùng nữa: "Nói rồi xách áo ra đi" và Bác bước đi ra thật. Cả hội nghị hò reo không dứt. Nhưng có ai ngờ đâu, câu lẩy Kiều vui hôm nào của Bác, tròn một năm sau, vào đúng thời điểm tháng 3/1954, chúng ta bắt đầu đánh trận mở màn ở Điện Biên Phủ để sau "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" đã đưa cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại đến thắng lợi cuối cùng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong một bài báo ký bút danh T.L có tên "Điện Biên Phủ", Hồ Chí Minh điểm lại nguyên nhân, ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này, Người ngợi ca: "Ngày nay, Điện Biên Phủ, chiến trường oanh liệt, đã trở nên một nơi xây dựng hòa bình", đồng thời khẳng định vẫn là nơi ám ảnh của giai cấp thống trị Pháp nhân khi Bác đọc được cuốn sách của tướng già Catru điều tra trách nhiệm thuộc về ai sau cuộc đại bại của Pháp tại Việt Nam. Qua những lời phê phán đanh thép về một cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Pháp gây ra trên đất nước ta, Bác khẳng định ở phần kết bài báo bằng bốn câu thơ lẩy Kiều rất hay, hóm hỉnh mà cũng không kém phần sâu sắc:

Cũng trong một cuộc Điện Biên

Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa

Trăm năm trong cõi người ta

Bên chính ắt thắng, bên tà  ắt thua.

Vậy đó, tâm hồn Hồ Chí Minh vĩ đại mà gần gũi, bác học song lại rất nôm na, bình dị. Tài năng lẩy Kiều của Bác đã được một số người viết thành sách, trích dẫn nhiều trên phương tiện đại chúng. Nhân dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nhận thấy hai lần lẩy Kiều độc đáo, ứng biến tài tình, qua đó giúp chúng ta hiểu thêm tầm vóc dự đoán thiên tài, bút lực chiến đấu sắc sảo qua các bài báo của Người, chép ra mấy câu để cùng thưởng thức. Thiết nghĩ, đó cũng là tấm lòng vui mừng hướng đến ngày Điện Biên Phủ toàn thắng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và những vần thơ lẩy Kiều thú vị của Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO