Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông trước và sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh| 11/03/2016 10:26

Kiến nghị cử tri: “Công trình nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 hiện nay đã thi công xong, nhưng một số vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của một số hộ gia đình chưa được quan tâm giải quyết như: Cống thoát nước bên lề đường chảy vào đất thổ cư và nhà ở của người dân; việc đo đạc giải tỏa nhà ở, cây trồng đền bù chưa cụ thể, rõ ràng, bên cạnh đó có đoạn nắn tuyến khi di dời đường điện vắt ngang qua nhà ở chưa được đền bù di chuyển; không có hành lang an toàn giao thông gây nguy hiểm cho người đi bộ. Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo đơn vị thi công kịp thời khắc phục những thiếu sót nêu trên và có phương án đền bù bổ sung cho các hộ gia đình ở khu vực trên theo quy định của pháp luật”.

Bộ Giao thông – Vận tải trả lời như sau:

Về nội dung: "Cống thoát nước bên lề đường chảy vào đất thổ cư và nhà ở của người dân": Theo kiến nghị của địa phương, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với chính quyền địa phương, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát và các nhà thầu rà soát, kiểm tra để trình Bộ cho phép bổ sung cho phù hợp với hiện trường. Tại các văn bản số 3303/BGTVT – CQLXD ngày 7/8/2015 Bộ GTVT đã chấp thuận bổ sung 15 vị trí cửa xả dẫn dòng (đã thi công xong 9/15 vị trí cửa xả và mương dẫn dòng, các vị trí còn lại sẽ thi công xong trong tháng 1/2016). Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Đắk Song đã xảy ra hiện tượng người dân liên tục tự ý đào đắp đất hai bên hành lang đường bộ làm thay đổi địa hình, dòng chảy. Bộ GTVT đã có Công điện và văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông để chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của địa phương xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để (Công điện số 59/CĐ-BGTVT ngày 27/5/2015 và số 99/CĐ-BGTVT ngày 23/10/2015 của Bộ GTVT).

Về nội dung: “Việc đo đạc giải tỏa nhà ở, cây trồng đền bù chưa cụ thể, rõ ràng”: Công tác đo đạc, kiểm đếm lên phương án đền bù do địa phương, trực tiếp là Ban GPMB huyện Đắk Song chủ trì thực hiện. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đắk Song đến nay việc kiểm đếm, chi trả đền bù đã thực hiện xong với người dân.

Về nội dung: “đoạn nắn tuyến khi di dời đường điện vắt ngang qua nhà ở chưa được đền bù di chuyển; không có hành lang an toàn giao thông gây nguy hiểm cho người đi bộ”: Đến nay công tác di dời đường điện đã được Ban GPMB huyện Đắk Song thực hiện việc đền bù toàn bộ, còn các vị trí nắn tuyến, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện cắm mốc theo đúng quy định và phù hợp với quy hoạch của đường Hồ Chí Minh.

Về nội dung: “Cử tri đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư kịp thời kiểm tra xử lý một số đoạn đường thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 (khu vực km 838) đoạn qua địa bàn xã Trường Xuân không có hệ thống thoát nước, đơn vị thi công cống thoát nước vào mùa mưa nước chảy thẳng vào một số ao, hồ, vườn cây mang theo đất, đá tràn lấp vào một số hộ gia đình trên địa bàn”: Địa bàn qua xã Trường Xuân (Đắk Song) thuộc dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn km 817 – km 887 theo hình thức BOT do UBND tỉnh Đắk Nông làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT xin chuyển nội dung kiến nghị này của cử tri tỉnh Đắk Nông tới UBND tỉnh Đắk Nông để giải quyết và thông tin đến cử tri.

Kiến nghị của cử tri: “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa đến chính sách giáo dục đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Hiện nay, sinh viên người dân tộc thiểu số (DTTS) đang học tại các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ), trung cấp chuyên nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi sau:

Học bổng: Học sinh trường dự bị ĐH, sinh viên cử tuyển được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung/ học sinh/ tháng và được hưởng 12 tháng/năm theo Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người DTTS học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị ĐH, Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trợ cấp xã hội: Học sinh, sinh viên người DTTS học tại các trường đào tạo công lập được hưởng trợ cấp xã hội 140.000 đồng/người/tháng và cấp 12 tháng/năm theo Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường công lập;

Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người DTTS học tại các trường công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ chi phí học tập:

Sinh viên là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào ĐH,CĐ hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục ĐH, bao gồm: ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ được hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm/học sinh, sinh viên theo Quyết định 66/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Học sinh, sinh viên các dân tộc Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao thuộc hộ nghèo học tại các trường, khoa dự bị ĐH, các trường ĐH,CĐ, trung cấp chuyên nghiệp được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/người/tháng theo Quyết định số 2123/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc ít người giai đoạn 2010-2015.

Miễn, giảm học phí: Sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị ĐH, khoa dự bị ĐH; học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, sinh viên người DTTS rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn; giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Sinh viên là người DTTS (không phải DTTS ít người)  ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được miễn giảm học phí 70% theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Như vậy, có thể nói, chính sách giáo dục đối với con em đồng bào DTTS đang theo học tại các ĐH,CĐ, trung cấp đã được quan tâm ở nhiều nội dung (miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập, trợ cấp xã hội, học bổng). Trong thời gian gới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung những điểm còn bất cập, những chính sách cần thiết phải ban hành nhằm đẩy mạnh đào tạo nguồn lực có chất lượng cho vùng DTTS, miền núi.

Cử tri phản ánh và kiến nghị: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách đối với người có công với cách mạng cho phù hợp hơn. Ví dụ như:

Đối với một số trường hợp như người có công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học hay hành quân ngang qua nhưng không mắc các bệnh trên mà biến chứng sang các bệnh khác hoặc không mắc bệnh nhưng ủ bệnh, di truyền sang thế hệ thứ ba thì không được hưởng chính sách này. Điều này dẫn đến một nhóm người có cống hiến, bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên xem xét, bổ sung thêm điều kiện xác nhận nhằm bảo đảm quyền lợi cho người có công với cách mạng.

Nâng mức trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng…”.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

* Về kiến nghị có chính sách đối với nạn nhân da cam thế hệ thứ 3:

Hiện nay, Pháp lệnh ưu đãi người có công  quy định việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với con đẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất chế độ cho cháu (thế hệ thứ 3) của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng thuộc ngành Y tế.

Trường hợp cháu của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật nếu đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp theo chính sách bảo trợ xã hội hiện hành.

* Về kiến nghị xét hưởng chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ:

Hiện nay, việc lập hồ sơ xem xét xác nhận và giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được triển khai thực hiện theo quy định tại các văn bản: Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013, định điều kiện, căn cứ xác nhận, thủ tục hồ sơ để giải quyết chế độ  người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của Liên bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn khám giám định bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với  người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, không có quy định hạn chế đối với những người đủ điều kiện.

* Về kiến nghị nâng mức trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng:

Trong những năm qua, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã được điều chỉnh hàng năm, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, cân đối với việc nâng lương tối thiểu (lương cơ sở) và trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời phải bảo đảm công bằng giữa các đối tượng chính sách.

Gần đây nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị định  số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công, theo đó mức chuẩn đã được điều chỉnh tăng lên 1.318.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của nhà nước là 1.150.000 đồng).

Thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và đang tích cực triển khai kế hoạch thực hiện các nội dung theo Kết luận số 63-KL/TW, trong đó có việc xây dựng và ban hành Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Kiến nghị của cử tri: “Theo quy định của Bộ Tài chính, từ năm 2005 đến nay các Công ty xổ số khu vực miền Trung – Tây Nguyên thực hiện phát hành vé xổ số theo cơ chế cạnh tranh trên thị trường chung khu vực; với lịch quay số mở thưởng do Bộ Tài chính sắp xếp trong một tuần (7 ngày) cho 14 Công ty. Mỗi Công ty xổ số kiến thiết trong khu vực được quay số mở thưởng vé xổ số truyền thống (hoạt động chính) 1 lần/tuần; chỉ riêng Công ty xổ số kiến thiết Đà Nẵng và Khánh Hòa được quay số mở thưởng 2 lần/tuần. Dẫn đến các ngày trong tuần đều có 2 Công ty quay số/ngày, riêng ngày thứ 5 và thứ 7 có 3 Công ty cùng quay số.

Trước quy định đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường chung đã tạo áp lực lớn cho các Công ty phải quay số mở thưởng 3 công ty/ngày, nhất là các Công ty có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, thương hiệu thấp.

Đồng thời, do số lượng vé phát hành nhiều hơn đối với ngày có 3 tỉnh quay số, trong lúc thị trường đã ổn định, nên tỷ lệ tiêu thụ thấp hơn ngày có 2 tỉnh quay số mở thưởng. Dẫn đến rủi ro trong kinh doanh cao hơn (trả thưởng, chi phí in ấn, phát hành và chi phí khác sẽ cao hơn).

Xuất phát từ tình hình trên, để tạo sự ổn định, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các Công ty và bình đẳng giữa các địa phương, cũng như tạo sự giúp đỡ và cùng phát triển trong hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế của các Công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, của Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Đắk Nông nói riêng, cử tri đại diện cho ngành tài chính kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giải quyết vấn đề nêu trên như sau:

Do việc thực hiện lịch quay số như hiện nay đã thực hiện được 10 năm (kể từ ngày 1/1/2005), nhưng đến nay các Công ty có quy mô nhỏ (Đắk Nông; Quảng Bình; Quảng Trị) vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, vì vậy đề nghị  Bộ Tài chính sắp xếp lại lịch quay số mở thưởng vé xổ số truyền thống cho các Công ty xổ số khu vực miền Trung – Tây Nguyên, theo hướng:

Lịch quay số một tuần (7 ngày) cho 14 Công ty thì cứ 2 Công ty quay số mở thưởng trong 1 ngày (mỗi Công ty được quay số 1 ngày/tuần);

Trong 1 ngày quay số mở thưởng gồm 1 Công ty có quy mô lớn và 1 Công ty có quy mô nhỏ.

Hoặc Bộ Tài chính cho phép Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh Đắk Nông gia nhập khối thị trường miền Nam, vì vị trí địa lý của tỉnh Đắk Nông cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km, cách tỉnh xa nhất của khối miền Nam (tỉnh Cà Mau) khoảng 550 km. Trong khi đó Đắk Nông cách tỉnh xa nhất của khối miền Trung Tây Nguyên là tỉnh Quảng Bình là gần 950 km”.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

1. Về đề nghị sắp xếp lịch quay số mở thưởng của khu vực miền Trung:

Lịch mở thưởng xổ số kiến thiết khu vực miền Trung hiện nay được Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 2715/QĐ-BTC ngày 14/8/2016. Theo quy định tại quyết định trên, Công ty XSKT Đà Nẵng và Khánh Hòa là 2 Công ty được xếp lịch mở thưởng 2 ngày/tuần, còn lại các công ty khác trong đó có Công ty XSKT Đắk Nông được xếp lịch mở thưởng 1 ngày/tuần. Lịch mở thưởng trên là phù hợp với quy mô và điều kiện kinh doanh của các công ty trong khu vực. Việc xếp lịch lại lịch mở thưởng xổ số kiến thiết như đề nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông có ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty XSKT khác khu vực miền Trung., vì vậy cần được nghiên cứu tổng thể, vừa bảo đảm ổn định hoạt động của khu vực, vừa bảo đảm hoạt động của các công ty XSKT khác.

2. Về đề nghị cho Công ty XSKT Đắk Nông tham gia vào thị trường khu vực miền Nam:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4/6/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết hoạt động kinh doanh xổ số, Công ty XSKT Đắk Nông là thành viên Hội đồng xổ số khu vực miền Trung, địa bàn phát hành vé của công ty thuộc các tỉnh khu vực miền Trung. Việc đề nghị cho Công ty XSKT Đắk Nông tham gia vào khu vực miền Nam có ảnh hưởng đến hoạt động của cả 2 khu vực nên cần phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện và thống nhất, mặt khác Thông tư số 75/2013/TT-BTC là văn bản quy phạm pháp luật, nếu có điều chỉnh thì phải sửa đổi Thông tư.

Từ tình hình thực tế nêu trên, trước mắt đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công ty Xổ số kiến thiết Đắk Nông tiếp tục thực hiện lịch quay số mở thưởng, địa bàn phát hành vé xổ số theo đúng quy định.

Cử tri kiến nghị: “Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu với Chính phủ công nhận người có công, lực lượng Thanh niên xung phong, bộ đội phục vụ chiến trường… tham gia kháng chiến thực sự nhưng hồ sơ, giấy tờ chưa đủ do thất lạc, bị mất, hư hỏng hoặc không còn người trực tiếp cùng đơn vị làm nhân chứng; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng ở trung ương xem xét có hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp về thủ tục, hồ sơ để các đối tượng trên sớm được hưởng chế độ chính sách của nhà nước”.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

1. Đối với thanh niên xung phong, bộ đội phục vụ chiến trường:

Đối với những trường hợp tham gia kháng chiến nhưng không còn lưu giữ giấy tờ, hồ sơ; chính sách của Nhà nước ban hành đã xét toàn diện đến hầu hết các đối tượng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/11/2008 về chế độ, chính sách đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương và Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; Thông tư liên tịch số 144/2008/TTLT- BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 27/11/2008 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, trong đó có hướng dẫn quy trình, thủ tục giải quyết chế độ cho các trường hợp không còn giấy tờ.

2. Đối với người có công:

Thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-Cp ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân. Thông tư đã quy định rõ về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xác nhận, giải quyết chế độ của từng loại đối tượng, thời hạn giải quyết, có văn bản trả lời nêu rõ lý do đối với những trường hợp không đủ điều kiện.

Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành một số văn bản để xác nhận người có công trong trường hợp không có giấy tờ như thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 quy định công nhận người bị tù đày căn cứ vào xác nhận của cơ quan quân đội, công an. Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

Xác nhận đối tượng là người có công tham gia hoạt động cách mạng trong chiến tranh không còn giấy tờ là công việc phức tạp, đòi hỏi phải có căn cứ pháp lý, bảo đảm tính trung thực, giảm thiểu thủ tục hành chính nhưng cũng phải hạn chế được tình trạng hồ sơ giả, hồ sơ khai man để hưởng chế độ. Hiện nay, trên cơ sở kết quả Tổng rà soát, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu để ban hành văn bản hướng dẫn việc xác nhận đối với những trường hợp chưa đủ căn cứ để xác nhận theo Thông tư Liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP nêu trên.

Cử tri kiến nghị: “1.1. Hiện nay còn một số hộ gia đình ở khu vực giải tỏa xây dựng Thủy điện Đồng Nai 3 đã 5 năm nay chưa được cấp đất tái định cư và đất sản xuất, gặp nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt (cần khoảng 300 ha đất sản xuất). Vì vậy cử tri đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo chủ đầu tư kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương sớm hoàn thiện việc quy hoạch diện tích đất ở và đất sản xuất, đầu tư sửa chữa hệ thống nước sạch, tạo điều kiện cho các hộ gia đình trên có đất ở và đất sản xuất phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đồng thời hỗ trợ kịp thời về lương thực (2 năm) cho các hộ gia đình ở khu vực tái định cư, nhanh chóng chi trả số tiền bồi thường còn lại cho gia đình (11.614.982.635 đồng).

1.2. Hiện nay còn 294 ha của 85 hộ chưa lập Phương án bồi thường, hỗ trợ. Số diện tích đất này thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng quản lý và được các hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) canh tác ổn định trước ngày 01/01/2004 (không đủ điều kiện bồi thường vế đất). Áp dụng theo chế độ, chính sách, bảng giá đất của UBND tỉnh Đắk Nông công bố trước khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực (Thông báo số 32/TB-UBND ngày 19/5/2009 của UBND tỉnh Đắk Nông) thì số diện tích 294 ha được hỗ trợ với mức 100% giá đất cùng mục đích sử dụng, kinh phí dự kiến khoảng 32 tỷ đồng. Nếu áp dụng theo chế độ, chính sách, bảng giá đất của UBND tỉnh Đắk Nông mới công bố (Quyết định 07/2015/QĐ-UBND) có hiệu lực từ 15/01/2015 thì số diện tích 294 ha được hỗ trợ 50% giá đất nông nghiệp hàng năm, kinh phí khoảng 16 tỷ đồng. Cử tri kiến nghị để bảo đảm công bằng đối với người có đất bị thu hồi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hỗ trợ với mức 100% giá đất cùng mục đích sử dụng đối với diện tích 294 ha của 85 hộ nêu trên (như trước khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) tại Báo cáo số 347/BC-UBND, ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh Đăk Nông.”

Bộ Công thương trả lời như sau:

1. Về vấn đề thứ nhất

a) Về 300 ha đất sản xuất

- Ban Quản lý dự án thủy điện 6 (ATĐ 6 – Đại diện chủ đầu tư – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)) đã thực hiện làm thủ tục xin thu hồi đất, thiết kế tận thu lâm sản, kiểm kê đền bù 1.200 ha, trong đó khu tái định canh là 650 ha. Công tác khai hoang đã hoàn thành từ tháng 3 năm 2009. Tuy nhiên, sau khi tổ chức đưa bà con lên nhận đất thì có ý kiến cho rằng đất dốc khó khăn cho việc canh tác. Theo kết quả đánh giá của Đoàn thẩm tra thực địa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có 163,43/650 ha đất có thể sản xuất. Mặt khác, tại thời điểm này đã có khoảng 530 ha đã bị người dân xâm canh.

- Do chưa thu hồi được diện tích đã khai hoang bị các hộ dân lấn chiếm, xâm canh để giao cho các hộ dân tái định cư, ngày 9/4/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu chủ đầu tư khai hoang thêm 300 ha đất sản xuất để cấp. EVN đã thống nhất cấp kinh phí và giao cho Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong làm chủ đầu tư lập thiết kế cơ sở khai hoang 300 ha đất. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có Văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong hoàn thành việc xác định vị trí, diện tích, đo vẽ bản đồ và lập báo cáo đầu tư để trình EVN trước 30/6/2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong vẫn chưa hoàn thành nội dung này. Theo báo cáo của ATĐ 6, Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong đang thuê Công ty TNHH Phúc Nguyên (tỉnh Đắk Nông) thực hiện khảo sát, điều tra xác định số diện tích cần khai hoang bổ sung (số 300 ha chỉ là ước tính), lập dự toán chi phí đầu tư để thực hiện. Đến nay, Công ty TNHH Phúc Nguyên vẫn đang thực hiện, chưa có báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong.

b) Về đầu tư sửa chữa hệ thống nước sạch

- Phương án lựa chọn cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tái định cư (TĐC) là nước ngầm: giếng khoan bơm nước đến trạm xử lý lọc tập trung đạt tiêu chuẩn rồi cấp nước xuống từng hộ dân với tiêu chuẩn 80 lít/người/ngày. Hệ thống cấp nước đã được thi công và bàn giao cho địa phương vận hành từ ngày 12/01/2011 (khu TĐC 650 ha) và ngày 09/3/2012 (khu TĐC 206 ha). Thời gian đầu nhà thi công hỗ trợ tiền điện việc vận hành hệ thống nước là ổn định. Tuy nhiên, sau khi không còn được hỗ trợ tiền điện, việc cung cấp nước đã bị gián đoạn và ngừng hẳn do không có kinh phí thanh toán tiền điện. Theo yêu cầu của địa phương, EVN đã đồng ý đầu tư xây dựng đập dâng Đắk Glong có dung tích 21.000 m3. Ngày 15/5/2014, đập đã tích nước phục vụ sinh hoạt cho đồng bào. Tổng công suất các trạm cấp nước cho Khu TĐC Đắk P'lao là 385 m3/ngày đêm (quy hoạch ban đầu chỉ là 265 m3/ngày đêm).

- Về tình trạng thiếu nước, nguyên nhân chủ yếu là: do tập quán người dân sử dụng nước suối tự nhiên, khi về khu TĐC lượng nước cấp bị hạn chế không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; cán bộ vận hành hệ thống nước của người dân không có chuyên môn (mặc dù đã được huấn luyện và chuyển giao trong khoảng 1 tháng), thời gian bơm nước mỗi ngày chỉ là 6-8 giờ nên chỉ bơm được khoảng 100 m3/ngày, do đó không đáp ứng được nhu cầu dùng nước của người dân; không có kinh phí để trả tiền điện bơm nước; trong quá trình vận hành khai thác ý thức người dân chưa cao, không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời nên một số van, đường ống bị hỏng hóc. Hiện tại hệ thống nước gần như không hoạt động do không có kinh phí để trả tiền điện, sửa chữa, bảo trì hệ thống. Theo đề nghị của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ủy ban nhân dân tỉnh và EVN đã chỉ đạo ATĐ 6 khắc phục các hư hỏng, hỗ trợ chi phí để vận hành hệ thống nước, bảo đảm hiệu quả.

Về hỗ trợ kinh phí để các hộ dân tự khoan giếng để cung cấp bổ sung nước sinh hoạt: ngày 15/5/2014, ATĐ 6 đã chuyển 2,665 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đắk Glong để hỗ trợ các hộ dân tự khoan hoặc đào giếng.

c) Hỗ trợ lương thực và thanh toán tiền bồi thường còn thiếu

Đến nay, theo báo cáo của ATĐ  ngày 6/8/2015, Chủ đầu tư đã chi trả xong toàn bộ 140 quyết định đền bù, hỗ trợ do Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong ban hành với tổng số tiền hơn 390 tỷ đồng, trong đó có hơn 40 tỷ đồng chi trả cho hỗ trợ 3 năm lương thực, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ ổn định đời sống người dân TĐC.

2. Về vấn đề thứ hai

Ngày 14/8/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông có Công văn số 347/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ 100% đối với 294 ha đất sau khi giải tỏa dự án thủy điện Đồng Nai 3 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình hình cụ thể như sau:

- Ngày 29/11/2013, Quốc hội ban hành luật Đất đai số 45/2013/QH13; ngày 15/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2014/NĐ-CP Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014; ngày 29/1/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Sau khi Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ban hành, dự án thủy điện Đồng Nai 3 còn 294 ha của 85 hộ chưa lập Phương án bồi thường, hỗ trợ. Số diện tích đất này thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng quản lý, được các hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) canh tác ổn định trước ngày 1/7/2004 (không đủ điều kiện bồi thường về đất). Áp dụng theo chế độ, chính sách, bảng giá đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông công bố trước đây (trước khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) thì số diện tích 294 ha được hỗ trợ với mức 100% giá đất cùng mục đích sử dụng, kinh phí dự kiến khoảng 32 tỷ đồng. Nếu áp dụng theo chế độ, chính sách, bảng giá đất hiện tại của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông mới công bố (có hiệu lực từ ngày 15/1/2015) thì số diện tích 294 ha được hỗ trợ 50% giá đất nông nghiệp hàng năm, kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.

- Ngày 26/8/2015, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6754/VPCP-KTN gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Công thương lấy ý kiến về đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tại Văn bản số 347/BC-UBND nêu trên. Ngày 15/9/2015, Bộ Công thương đã có Văn bản số 9536/BCT-TCNL gửi Văn phòng Chính phủ, theo đó, ý kiến của Bộ Công thương như sau: “(I)Phần diện tích đất các hộ dân của tỉnh Đắk Nông đang canh tác bị ảnh hưởng của Dự án thủy điện Đồng Nai 3 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng quản lý, không đủ điều kiện bồi thường về đất, đã được Chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và các cấp chính quyền địa phương giải quyết hỗ trợ theo quy định chung bằng 50% giá đất nông nghiệp hàng năm trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân quy định. Do giá trị hỗ trợ thấp nên các hộ dân đã kiến nghị hỗ trợ bổ sung và đã cản trở việc giải phóng mặt bằng khu vực ảnh hưởng của Dự án; (II) Để bảo đảm ổn định đời sống sản xuất và đời sống sinh hoạt của các hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án thủy điện Đồng Nai 3, Bộ Công thương ủng hộ về chủ trương hỗ trợ cho các hộ dân này. Tuy nhiên, để thực hiện việc hỗ trợ cần có ý kiến chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Đến nay, Văn phòng Chính phủ đang tập hợp ý kiến của các Bộ, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến chính thức về đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông trước và sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO