Buôn Choáh ngập trong nước lũ, người dân bị thiệt hại nặng nề

Văn Tâm| 08/11/2016 15:16

Trong những ngày qua, trên địa bàn xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông mưa lớn kéo dài, cùng với việc vận hành điều tiết nước hồ Thủy điện Buôn Tua Srah đã gây thiệt hại hàng trăm ha lúa, hoa màu, lồng nuôi cá cùng nhiều khu dân cư bị chia cắt, thiếu điện, nước sinh hoạt... Đời sống của người dân lâm vào cảnh hết sức khó khăn.

Đường giao thông thôn Ninh Giang ngập trong nước

Trắng đêm dầm mình cứu lúa

Chúng tôi vừa đến đầu thôn Ninh Giang, nơi có con đường bê tông cao ráo chạy men theo cánh đồng giờ đã chìm trong nước lũ. Nước lũ cũng dâng cao gần 1m tràn vào những ngôi nhà cấp 4, cơ sở xay xát, chuồng trại chăn nuôi của người dân nằm dọc tuyến đường liên thôn.

Nước ngập vào nhà dân

Ông La Văn Phúc ở thôn Ninh Giang cho biết: “Tôi sống ở đây bao nhiêu năm nay mới chỉ chứng kiến hai trận lũ là trận lũ năm 2000 và năm nay. Kinh khủng thật đấy, lũ xuất hiện khoảng 4 giờ chiều (ngày mồng 6). Nước từ bờ sông dâng lên rất nhanh và chảy cuồn cuộn, phát ra tiếng động ồ ồ như “sóng thần”. Chúng tôi chạy còn không kịp thì nói gì đến chuyện thu gom vật dụng, hoa lợi trên đồng ruộng”.

Đang cùng gia đình phơi phóng sân lúa vừa mới “chạy đua” với lũ từ đêm qua gặt về, chị Nông Thị Xuân ở thôn Cao Sơn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Gia đình tôi có 2 ha lúa. Do mấy ngày trước trời mưa kéo dài nhiều ngày nên chưa gặt được. Chiều hôm qua nghe tin thủy điện xả lũ, gia đình tôi đã huy động họ hàng và bà con lối xóm khẩn trương ra đồng để gặt. Tuy nhiên, gặt đến 1 giờ sáng được 1,5 ha thì không thể tiếp tục được nữa vì nước dâng cao quá đành bỏ phần ruộng còn lại để mang lúa, máy móc lên bờ chứ không còn cách nào khác”.

Nước ngập vào nhà dân

Cũng như chị Xuân, gia đình anh Bế Xuân Vinh có 3 ha lúa, ngay trong đêm lũ về, anh cùng mọi người đã cố hết sức nhưng chỉ gặt được 1 ha, số diện tích còn lại sáng hôm sau đã chìm sâu dưới dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy.

Anh Vinh cho hay: “Chúng tôi cố gắng vớt vát được hạt lúa nào hay hạt đó chứ trong khoảng thời gian 1 - 2 giờ với sức nước như dòng thác đổ về thì làm sao xoay xở kịp. Hơn nữa, với diện tích lúa của các thôn có đến hàng trăm ha mà cả xã chỉ có 7 - 8 chiếc máy gặt thì làm sao mà gặt kịp”.

Lúa sắp gặt bị ngập dưới biển nước

Trong khi 1 ha lúa đã chín vàng của gia đình mình ở gần bờ sông đang bị ngập trong nước lũ nhưng anh Nông Văn Giáp, một dân quân trong xã vẫn trắng đêm dầm mình giúp cho các hộ gia đình thu hoạch lúa, vận chuyển vật dụng, vật nuôi lên vị trí an toàn mà không chút đắn đo.

Anh Giáp bày tỏ: “Tôi biết là ruộng lúa của gia đình mình bị ngập đấy nhưng không thuê được máy gặt thì có lo lắng cũng vậy thôi. Tôi nghĩ chi bằng đi giúp bà con, anh em chòm xóm được chừng nào hay chừng đó, chứ những lúc hoạn nạn như thế này mà mình làm ngơ sao được”.

Cũng theo anh Giáp, ngay trong đêm chạy lũ, tại các tuyến đường liên thôn như: Thôn Cao Sơn, thôn Ninh Giang… hầu như tất cả mọi người trong xã cùng lực lượng công an, bộ đội và dân quân xã đều tập trung tại đây. Hàng trăm người trên bờ dưới ruộng cùng với 40 - 50 chiếc xe công nông hối hả, gấp gáp hỗ trợ giúp nhau di dời người, tài sản, hoa màu, vật nuôi từ ngoài ruộng vào làng.

Đội cứu hộ giúp đỡ người bị ốm đau

Thiệt hại nặng nề

Theo bà con nông dân trong xã, do cơn lũ đến bất ngờ chỉ trong vòng vài giờ nên phần lớn ruộng vườn, nhà chìm trong biển nước. Dù trắng đêm dầm mình “chạy đua” với lũ dữ nhưng số hộ mang được lúa về chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Gia đình chị Hứa Thị Yên ở thôn Cao Sơn có 2 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, khi mọi công việc chuẩn bị từ thuê máy gặt, xe cộ vận chuyển lúa đâu vào đấy thì nước lũ bất chợt tràn về khiến toàn bộ ruộng lúa ngập úng cả.

Chi Yến cho biết: “Mất trắng 2 ha lúa vụ 3 cũng không làm gia đình thiếu ăn nhưng để có vốn sản xuất tôi đã đi vay từ đại lý hơn 10 triệu đồng quy đổi ra giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật. Giờ hạt lúa nằm ngoài đồng không thu về được tôi phải gánh khoản nợ này quả thật là hết sức khó khăn”.

Trường học đóng cửa cho học sinh nghỉ học

Không chỉ những người trồng lúa, những người trồng khoai lang, nuôi cá lồng cũng trở nên trắng tay vì trận lũ này. Theo ông Trần Văn Hiệp, một hộ nuôi cá lồng trên sông Krông Nô thì lồng cá diêu hồng của gia đình ông sắp được xuất bán nhưng nước lũ đổ về đã xé toan lồng gây thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng.

Người dân bị cô lập bởi nước lũ

Ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đến sáng ngày 7/11, diện tích thiệt hại về hoa màu là khá lớn; trong đó, có 150 ha sắp gặt, còn rau màu các loại là khoảng 15 ha. Xã có 4/5 thôn bị ngập, 1 thôn bị cô lập. Cụ thể, nhiều hộ gi đình cô lập ở thôn Tân Sơn và một phần ở thôn Cao Sơn, Bình An và thôn Nam Tiến. Đặc biệt, ảnh hưởng lớn nhất là trên địa bàn xã hiện tại có trên 50 lồng cá thiệt hại. Tính ra giá trị 1 lồng khoảng trên 200 triệu. Ngoài ra, xã còn có 15 ha ao, hồ bị lũ tràn vào thiệt hại 100%...”.

Một cây xăng ngập trong nước lũ

Cũng theo ông Đoàn, khi có thông báo xả lũ và ngay khi nước từ sông dâng lên, các lực lượng công an, bộ đội, dân quân của xã Đắk D’rô, lực lượng tại chỗ của xã Buôn Choáh đã tiến hành giúp đỡ dân, di dời các hộ dân lên khu vực an toàn. Để giúp người dân ứng phó với lũ lụt, địa phương tiếp tục phối hợp với các lực lượng tăng cường về xã tiến hành thực hiện các phương án cần thiết nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho người dân.

Người dân nuôi cá bàng hoàng khi các lồng cá đã bị lũ phá toang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn Choáh ngập trong nước lũ, người dân bị thiệt hại nặng nề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO