Bất ổn từ những dự án ổn định dân cư (kỳ 4): Bài học từ thực tiễn

Công Tính - Phan Tuấn| 09/06/2020 09:17

Ngoài việc phải xây dựng các khu tái định cư, định canh ở những khu vực giải tỏa xây dựng dự án, công trình công cộng, những năm qua Đắk Nông còn lo sắp xếp cho hàng chục ngàn hộ dân di cư tự do vào địa phương. Bên cạnh đó, việc ổn định cuộc sống của người dân sau khi đến các dự án dân cư mới cũng phải tính toán cẩn trọng.

ADQuảng cáo

Chưa kể các dự án giải tỏa dân cư phục vụ xây dựng dự án, theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), tính đến tháng 6/2018, tổng số dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh là 38.191 hộ với 173.973 khẩu; trong đó 26.680 hộ với 122.220 khẩu đã được sắp xếp, ổn định đời sống. Riêng 11.511 hộ với 51.753 khẩu chưa được bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống. Tỉnh Đắk Nông đã đưa vào quy hoạch tại các dự án sắp xếp ổn định dân cư là 7.121 hộ với 31.987 khẩu...

Đầu tư thiếu đồng bộ về hạ tầng và xa nơi sản xuất, nên nhiều hộ dân chỉ làm nhà tạm tại Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà, huyện Đắk Song

Cần tham khảo địa phương

Nói về Dự án tái định cư xã Đắk P’lao, ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho rằng, ngoài câu chuyện ổn định dân cư thì dự án còn để lại nhiều bài học cho địa phương. Đến bây giờ, dự án vẫn chưa xử lý dứt điểm được quyền lợi của nhiều hộ dân đã bị thu hồi đất. Trong đó, nhiều hộ chưa được cấp đất sản xuất. Ngay cả những gia đình đã được cấp đất sản xuất thì cũng khó canh tác vì độ dốc lớn, chất đất không phù hợp để sản xuất…

“Dự án do Ban Quản lý dự án thủy điện 6 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư. Địa phương chỉ là đơn vị phối hợp, chứ không tham gia sâu vào các khâu trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Nếu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc khảo sát địa điểm triển khai, hay có những đánh giá kỹ lưỡng về đời sống, tập quán sinh hoạt của người dân thì sẽ khác. Bởi vì, nếu áp dụng nguyên tắc bố trí tái định cư, định canh của hộ đồng bào M’nông cũng giống như với các dân tộc khác thì hiệu quả sẽ không cao”, ông Thuần phân tích.

Thiếu đất sản xuất ở nơi tái định cư, nên vẫn còn hơn 40 hộ dân xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong vẫn quyết tâm bám trụ trong Vườn Quốc gia Tà Đùng

Cũng là địa phương triển khai nhiều dự án sắp xếp ổn định dân cư, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức nhận thấy, dự án giao cho các cấp, ngành làm chủ đầu tư và xây dựng theo kiểu “trọn gói” thì hiệu quả không bằng để địa phương triển khai. Bởi vì, ở địa phương, nhất là cấp cơ sở sẽ nắm bắt rõ nhất nhu cầu về đời sống sản xuất cũng như tập quán sinh hoạt của người dân.

“Nói như vậy không phải tất cả các dự án do địa phương làm đều tốt, hay giao cho các đơn vị khác triển khai là không hiệu quả. Thực tế, từ kết quả triển khai các dự án ở địa phương đã cho thấy, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành với chính quyền cở sở ngay ở khâu khảo sát, đến lập dự án, rồi triển khai… là tốt nhất”, ông Hiệp lý giải.

ADQuảng cáo

Tính toán đầu tư phù hợp

Tương tự như các dự án ổn định dân cư ở huyện Tuy Đức và huyện Đắk Glong, ngay tại Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu tái định cư.

Mặc dù thông báo của chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn và UBND xã Thuận Hà, dự án đã bố trí được 229/249 hộ đến ở, nhưng thực tế thì có rất nhiều hộ chỉ dựng nhà tạm vài chục mét vuông để “giành” đất. Do không có đất tái định canh (quy hoạch ban đầu, mỗi hộ có thêm 1 ha đất sản xuất-PV), nên người dân không thể ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Trong khi đó, hạ tầng về điện, đường, trường, trạm chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ đã nhận đất, nhưng không muốn làm nhà để ở.

Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà lý giải, để Dự án trọng điểm ổn định dân di cư tự do khu vực biên giới xã Thuận Hà đạt hiệu quả cao thì cần phải được triển khai đồng bộ. Thực tế, sau gần 10 năm, nhưng hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Ngay đến nước sinh hoạt, mãi đến năm 2018 mới có. Người dân chủ yếu làm nông, nhưng chỉ được bố trí đất ở, còn đất sản xuất lại rất xa thì khó mà ổn định cuộc sống “một sớm, một chiều” được…    

Khác với nhiều dự án ổn định dân di cư, ngoài được cấp nhà, các hộ dân ở bon Bu P’răng 1 và Bu P’răng 2 còn được cấp đất sản xuất lúa nước để ổn định đời sống

Liên quan đến các dự án ổn định dân cư, HĐND tỉnh Đắk Nông vừa thông qua tờ trình của UBND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 6 dự án khởi công mới sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2020. Đáng chú ý, trong số này có 3 dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do, với tổng số vốn đầu tư hơn 170 tỷ đồng. Các dự án được triển khai ở huyện Krông Nô và huyện Đắk Mil.

Hơn 170 tỷ đồng đầu tư dự án ổn định dân di cư tự do

Từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2020, toàn tỉnh Đắk Nông được đầu tư 3 dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do. Cụ thể: Dự án ổn định dân di cư xã Quảng Phú, huyện Krông Nô có tổng vốn đầu tư 94 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2022, dự án sẽ sắp xếp ổn định cho 258 hộ dân với đầy đủ điện, đường, trường, trạm…

Huyện Đắk Mil có hai dự án gồm: Dự án ổn định dân di cư tự do xã Đắk N’Drót có tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Dự án xây dựng 8 trục đường liên xã, đập thủy lợi, hệ thống cấp nước, phân hiệu trường học ở thôn 3 và 6… sẽ hoàn thành vào năm 2022. Riêng xã Đắk Gằn được đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng 3,5 km đường giao thông nông thôn.

Trước đó, góp ý về tờ trình này, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, việc hoàn thành các dự án này sẽ góp phần ổn định đời sống của nhiều hộ dân ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, để các dự án triển khai đạt hiệu quả cao thì chủ đầu tư cần có khảo sát, tính toán ưu tiên hạng mục đầu tư. Điển hình như các dự án ổn định dân di cư tự do, nên ưu tiên những công trình cấp thiết để đầu tư nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân trong vùng dự án. Những vùng, khu vực người dân đã sinh sống ổn định, tập trung thì cần xem xét phương án ổn định dân cư tại chỗ và chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Như vậy, sẽ giảm chi phí đầu tư và sớm ổn định đời sống người dân…

Để đầu tư các dự án ổn định dân di cư tự do phát huy hiệu quả cao nhất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư phải được các chủ đầu tư triển khai đồng bộ, bảo đảm chất lượng. “Rút kinh nghiệm từ một số dự án ổn định dân di cư đã triển khai trên địa bàn tỉnh đầu tư chưa bài bản, thiếu đồng bộ dẫn đến có nơi người dân đến ở thì thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn từ những dự án ổn định dân cư (kỳ 4): Bài học từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO