Xu hướng tất yếu của thanh toán không dùng tiền mặt

THS. Nguyễn Công Điều| 23/04/2021 10:33

Thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta ngày càng phổ biến. Chúng ta phấn đấu vào năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 8%. Mục tiêu đó sẽ thành hiện thực khi chúng ta đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ.

ADQuảng cáo

Thanh toán tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước còn dưới 4%

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin ở khu vực dịch vụ công thông qua môi trường điện tử, góp phần đạt “mục tiêu kép”, đó là vừa giảm lượng tiền mặt đi vào lưu thông vừa góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự minh bạch, rõ ràng của dòng tiền.

Hệ thống kho bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn xác định việc thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh tư liệu

Hoạt động giao dịch thu, chi bằng tiền mặt đã từng bước chuyển dịch sang hệ thống các Ngân hàng thương mại (NHTM), theo đó dần đạt được mục tiêu: “Kho bạc, không có bạc”. Việc phát triển nhanh chóng hệ thống thanh toán điện tử như: Thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với các NHTM cũng như áp dụng thanh toán liên kho bạc trong nội bộ KBNN đã góp phần giảm đáng kể việc sử dụng tiền mặt trong khu vực công.

KBNN Đắk Nông cũng nằm trong tiến trình chung nói trên. Công tác thu bằng tiền mặt qua KBNN đã giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2012, có 100% các khoản thu nộp bằng tiền mặt qua KBNN, thì sau 5 năm (2016) giảm xuống còn 56% và đến tháng 3/2021 chỉ còn 3,58%. Lượng tiền mặt thu qua KBNN giảm xuống, tương ứng với tỷ lệ thu bằng tiền mặt tại các NHTM tăng lên.

Tương tự, về chi bằng tiền mặt qua KBNN từ sau khi áp dụng các phương thức thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán song phương điện tử đã có bước chuyển biến tích cực, đạt được kết quả đáng khích lệ. Lượng tiền mặt chi qua KBNN từ chỗ chiếm tỷ lệ 100% (năm 2012), đến nay chỉ còn trên 3%. Theo đó, chi tiền mặt thông qua tài khoản thanh toán của KBNN tại các NHTM đạt 97%.

Phấn đấu tổng thanh toán tiền mặt thấp hơn 8%

ADQuảng cáo

Chúng ta phấn đấu vào năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 8%. Để đạt mục tiêu này cần nỗ lực lớn từ nhiều phía.

Việc chuyển dịch giao dịch thu, chi bằng tiền mặt tại các đơn vị KBNN sang các NHTM đã làm giảm tiền mặt tại KBNN có ý nghĩa tích cực trong khu vực công nhưng sự tác động đến toàn xã hội còn hạn chế. Hiện nay, dịch vụ phát hành thẻ ghi nợ (ATM, Visa, MasterCard…) được nhiều người sử dụng, trong đó phổ biến là thẻ ATM được áp dụng để tiêu dùng nội địa. Thông thường khi đến kỳ lương, KBNN chuyển tiền lương cá nhân của các đơn vị thụ hưởng NSNN qua tài khoản thẻ ATM tại các NHTM. Sau đó, người sở hữu thẻ thường rút tiền mặt để tiêu dùng, chi trả mua hàng hóa, dịch vụ, thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Việc thực hiện chuyển khoản thông qua dịch vụ chuyển tiền (chuyển khoản qua thẻ ATM, Mobile banking, thiết bị đọc thẻ (POS), Ví điện tử…) chưa đạt mức kỳ vọng. Do đó, một mặt cần tuyên truyền cho người dân hiểu và dần từ bỏ thói quen dùng tiền mặt, sẵn sàng áp dụng các phương thức chuyển tiền hiện đại không dùng tiền mặt. Mặt khác các NHTM và các tổ chức, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường, mở rộng phạm vi, đối tượng phục vụ, nâng cao tiện ích, mang lại thuận lợi cho người sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyển tiền tự động, tạo tâm lý tin tưởng, an toàn, thoải mái cho người dùng khi tiếp cận với các phương thức thanh toán điện tử, thương mại điện tử.

Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN ở Đắk Nông chỉ còn dưới 4%. Đồ họa: Ngọc Tú

Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần quy định hạn mức thanh toán đối với các khoản mua sắm lớn (mua bán bất động sản, mua sắm hàng hóa, dịch vụ với số tiền lớn…) cần thực hiện chuyển khoản mà không thanh toán bằng tiền mặt, nhằm bảo đảm nhanh chóng, an toàn và minh bạch. Các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng tại các tổ chức thanh toán trung gian với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần được thiết kế chương trình phần mềm đồng bộ, vừa dễ tiếp cận, dễ sử dụng vừa bảo đảm tính bảo mật cao.

Hiện nay KBNN đang trong lộ trình hướng đến Kho bạc “3 không”, đó là không chứng từ, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không giao dịch bằng tiền mặt. Lượng tiền mặt chi qua KBNN Đắk Nông đang còn trên 3%. Để giảm tỷ lệ này, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có cơ chế riêng, hướng dẫn thực hiện đối với các cơ quan thụ hưởng NSNN là các đơn vị lực lượng vũ trang và cơ quan Đảng. Quy định đó phải hài hòa với tính chất nhiệm vụ và đặc thù riêng, bảo đảm việc sử dụng tiền mặt ở mức hợp lý, hiệu quả, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, đơn vị.

Đối với khu vực nông thôn và đối tượng là người về hưu, người có công cách mạng, thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam, người hưởng trợ cấp xã hội… các NHTM cần nghiên cứu phát triển mạng lưới cây ATM. Hệ thống ATM này phù hợp theo nhóm đối tượng và ở những nơi thuận tiện về giao thông, thương mại để người sử dụng thẻ dễ dàng tiếp cận để rút tiền sử dụng. Chúng ta cũng cần xem xét, có chính sách thu phí giao dịch (rút tiền mặt, chuyển khoản…) ở mức hợp lý đối với các đối tượng này.

Hình thức thu, chi không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong giao dịch tiền tệ hiện đại. Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng tất yếu của thanh toán không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO