Vận dụng nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, biển đảo

Nguyễn Thị Cẩm Trang| 13/09/2016 09:19

Phong cách ứng xử ngoại giao là biểu hiện đạo đức và nhân cách của mỗi con người, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là sự kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại của phương Đông và phương Tây, là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả. Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại.

Ở Người cái thâm thúy, tinh tế ở phương Đông luôn kết hợp một cách tự nhiên với sự uyên bác, lịnh lãm phương Tây. Cách ứng xử của Người bắt nguồn từ nội tâm trong sáng, tính cách giản dị cộng với sự hiểu biết uyên thâm về nền văn hóa đông tây, kim cổ. Chính nghệ thuật ngoại giao tài ba kiệt xuất của Hồ Chí Minh đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; xác định đúng đắn vai trò quan trọng của biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo gắn liền với độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ; gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Tăng cường quan hệ, hữu nghị với các nước láng giềng bằng nhiều hình thức ngoại giao nhà nước đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền và nhân dân các địa phương sống chung cùng đường biên giới, giải quyết xung đột bằng đàm phán thương lượng”. Tư tưởng của Bác cũng soi rọi cho nền ngoại giao cách mạng hiện đại của Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đặc biệt là trong tình hình hiện nay.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016 – 2020. Trong đó, nhiệm vụ thứ tư là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;...”.

Trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực, nhất là những diễn biến phức tạp mới rất khó lường ở Biển Đông và sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta thì việc quán triệt, thấu suốt, nắm vững quan điểm trên của Đảng lại càng quan trọng. Bởi vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, biển, đảo là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và cần được thực hiện một cách nhất quán và triệt để.

Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam kiên trì thực hiện nhất quán chính sách hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước láng giềng, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình. Các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông đều là thành viên của Liên Hợp Quốc, do đó cơ sở pháp lý để các bên liên quan dựa vào giải quyết bất đồng là Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

Trên  quan điểm các nước tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn  lãnh thổ của nhau, Việt Nam sẵn sàng đàm phán, có lý có tình, tôn trọng sự thật, đề cao lẽ phải, như Hồ Chí Minh đã khẳng định, để giải quyết các bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, quyền chủ quyền và cùng nhau chia sẻ nguồn lợi một cách chính đáng trên Biển Đông.

Bác Hồ căn dặn “Phải nắm vững nguyên tắc cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược… lạt mềm nhưng buộc chặt”.  Đó chính là nguyên tắc, chân lý ngoại giao sáng ngời và thực tế đã chứng minh nguyên tắc đó đã giúp Việt Nam đi qua những năm tháng khó khăn nhất trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước. Kiên định chính sách tự chủ, nhất quán, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không lôi kéo hoặc chủ trương đi với bên này để chống bên kia và ngược lại.

Mặt khác, cần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên, cần có sự tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội, thực sự xây dựng thái độ “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”. Vận dụng tư tưởng “Ngoại giao phải có thực lực”, “biết chiến thắng từng bước” của Hồ Chí Minh để tăng cường củng cố nội lực, xây dựng tiềm lực, sức mạnh đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo sựu đồng thuận, đoàn kết trong xã hội, quy tụ lòng dân, sức mạnh của cả dân tộc. Đó chính là điểm mấu chốt để Việt Nam “thắng trong hòa bình” trong cuộc đấu tranh bảo vệ và giữ gìn chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận dụng nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO