Sản xuất xanh để nông sản Đắk Nông vào châu Âu
Trước quy định EUDR, sản xuất xanh sẽ tạo hướng đi bền vững, mở cánh cửa đưa nông sản Đắk Nông vào thị trường châu Âu.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực từ chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, nông dân Đắk Nông đang từng bước thay đổi tư duy canh tác, hướng đến những giá trị dài hạn, chất lượng hơn cho nông sản.
Một trong những cách làm hay và hiệu quả hiện nay là sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp để giảm chi phí đầu tư.
Thay đổi để thích ứng và phát triển
Anh Đinh Văn Việt, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa có 10ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây trồng chủ lực của gia đình anh là cà phê, với 7ha.
Từ năm 2017 đến nay, anh Việt đã áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, từng bước hạn chế dân phân bón, thuốc hóa học.
Anh Việt cho biết, anh quyết định chuyển đổi theo quy trình sản xuất vì sức ép về chi phí phân bón tăng cao. Bên cạnh đó, một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp có thể khai thác, tận dụng được để làm phân bón rất hiệu quả.
Anh mua cá, chuối, đậu nành, mật mía cùng với các loại men ủ làm phân bón vi sinh. Cùng với vỏ cà phê, phân chuồng, anh đã giảm 80% lượng phân bón hóa học so với trước đây. Ngoài ra, anh còn sử dụng cây che bóng, tạo tán, phát cỏ định kỳ để cây cà phê phát triển tốt nhất.
Ngoài thay đổi quy trình chăm sóc cà phê, anh Việt còn áp dụng thu hái, chế biến cà phê chất lượng cao. Cụ thể, anh để cà phê chín hoàn toàn mới bắt đầu hái.
Sau khi thu hái, thay vì bán thô, gia đình anh tiến hành sơ chế, chế biến cà phê chất lượng cao. Nhờ đó, giá bán cà phê của gia đình anh Việt cao hơn giá thị trường từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Theo Sở NN - PTNT, để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, nhiều năm nay, nông dân Đắk Nông đã thay đổi từ thói quen canh tác.
Nhiều nông dân đã chủ động chuyển từ canh tác truyền thống sang hướng sản xuất bền vững, mang lại giá trị cao cho các loại cây trồng.
Điển hình, HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. HTX chăm sóc cây trồng theo phương thức hữu cơ, sinh học.
HTX chăm sóc cây trồng bằng cách tự ủ phân bón từ nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, gừng, chuối, mật mía và các phế phẩm nông nghiệp.
Nhờ cách làm này, các thành viên của HTX đã giảm chi phí đầu tư từ 10 - 30 triệu đồng/ha so với việc sử dụng phân bón hóa học. Quan trọng hơn, cách làm này còn giúp cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường.
Nhờ sản xuất hữu cơ nên chất lượng sản phẩm cũng tăng lên, giá bán cao hơn giá thị trường. HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Theo tính toán của nhiều nông dân ở Đắk Nông, việc áp dụng một phần hoặc theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh học đã giúp họ giảm được nhiều chi phí đầu tư sản xuất.
Phổ biến nhất là nông dân không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thay vào đó, bà con sử dụng phân vi sinh hoặc phân chuồng để bón cho cây trồng.
Việc lựa chọn sử dụng phân vi sinh, tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp giúp các gia đình có thể tiết kiệm hơn 40% chi phí đầu tư, từ đó nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cây trồng.
Rộng đường vào châu Âu
Sản xuất xanh, bền vững đã hạn chế hoặc không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Điều này giúp nông sản không tồn dư hóa chất độc hại, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu.
Việc sử dụng phân bón hữu cơ và các kỹ thuật canh tác bền vững giúp đất duy trì độ phì nhiêu, cung cấp các vi chất tự nhiên cần thiết cho cây trồng. Điều này làm tăng hàm lượng dinh dưỡng, hương vị và chất lượng cho nông sản.
Sản phẩm từ quy trình sản xuất xanh đạt các chứng nhận như GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng giá trị kinh tế.
Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của quy định EUDR, Đắk Nông đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc bảo vệ rừng và sử dụng tài nguyên bền vững.
Đắk Nông không để diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Đây là nỗ lực lớn nhằm duy trì sự cân bằng sinh thái và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 28.900ha cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance, UTZ Certified và Organic, với sản lượng 85.000 tấn/năm.
Vùng nguyên liệu do các hộ dân, HTX nông nghiệp áp dụng các quy trình tiêu chuẩn và đang ngày càng mở rộng diện tích và các chứng nhận...
Đây là lợi thế quan trọng giúp cà phê Đắk Nông thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, nơi yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường.
Đắk Nông cũng tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là cà phê. Các mô hình sản xuất thông minh giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ngoài cà phê, Đắk Nông cũng thúc đẩy sản xuất xanh ở nhiều loại cây trồng khác như ca cao, đậu nành, hồ tiêu, cây ăn quả... Trong chăn nuôi, người dân cũng chú trọng yếu tố an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bền vững.
Những kết quả trong việc sản xuất xanh, bền vững tại Đắk Nông đã mở ra cơ hội lớn cho nông dân và các doanh nghiệp địa phương đưa nông sản xuất khẩu.
Không chỉ mang lại thu nhập cao hơn, sản xuất xanh còn góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngày 29/6/2023, Liên minh châu Âu ra quy định chống phá rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ. Quy định được áp dụng từ tháng 1/2026, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2026.