Hàng xuất khẩu Đắk Nông thích ứng với quy định EUDR
Đắk Nông có nhiều mặt hàng xuất khẩu vào châu Âu và đang có những sự chuẩn bị trước thách thức của quy định của châu Âu về chống phá rừng (EUDR).
Những tác động đến sản xuất
Đắk Nông hiện đang có một số mặt hàng tham gia xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp vào thị trường các nước châu Âu như: cà phê, điều, tiêu, ca cao, chanh dây, hạt điều, trái cây…
Trong số các mặt hàng, cà phê Đắk Nông đang duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định qua thị trường các nước Đức, Tây Ban Nha, Italia và Anh.
Theo Sở Công thương, trong 11 tháng của năm 2024, cà phê Đắk Nông xuất khẩu qua thị trường châu Âu với tổng sản lượng 5.987 tấn, đạt kim ngạch 24,3 triệu USD.
Năm 2024, sản lượng cà phê của Đắk Nông xuất khẩu qua các nước châu Âu chiếm 8,58% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu; chiếm 10,45% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Nông.
Trong đó, xuất khẩu sang Đức 3.599 tấn, tương ứng với 15,2 triệu USD; Tây Ban Nha 1.080 tấn, tương ứng 4,1 triệu USD; Italia 794 tấn, tương ứng với 3,3 triệu USD; Anh 514 tấn, tương ứng với hơn 1,7 triệu USD.
Riêng các sản phẩm ca cao, cao su… qua thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong năm qua hầu như không tham gia xuất khẩu vào thị trường của châu Âu.
Có thể thấy, việc châu Âu áp dụng quy định EUDR chắc chắn các mặt hàng xuất khẩu có liên quan của Đắk Nông sẽ gặp thách thức.
Quy định EUDR sẽ làm tăng chi phí, vì phải có thêm rất nhiều các thủ tục đăng ký về thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm, đánh giá các tác động liên quan có gây mất rừng hay suy thoái rừng. Tăng chi phí sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa Đắk Nông tại thị trường châu Âu…
Tuy nhiên, thống kê của Sở NN - PTNT cho thấy, hạn ngạch xuất khẩu các ngành hàng liên quan của Đắk Nông vào châu Âu hiện chỉ chiếm khoảng 2,63% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của toàn tỉnh.
Vì hạn ngạch vào châu Âu thấp nên trước mắt, tác động tổng thể của quy định EUDR tới xuất khẩu của Đắk Nông không quá lớn, chưa ảnh hưởng nhiều đến nông nghiệp, nông dân.
Bên cạnh đó, quy định EUDR quy định thời điểm tính mất rừng và suy thoái rừng là từ 31/12/2020 trở về sau. Thực tế, trước thời điểm này, Đắk Nông đã quản lý rừng rất chặt chẽ.
Về cơ bản, tỉnh đã "đóng cửa rừng" tự nhiên từ trước năm 2020, nên các ngành hàng xuất xứ từ yếu tố do mất rừng và suy thoái rừng không nhiều.
Theo Sở Công thương, trong 11 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu Đắk Nông đạt hơn 921,6 triệu USD. Thị trường xuất khẩu của Đắk Nông chiếm tỷ trọng cao và ổn định nhất là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản...
Giải pháp vượt rào quy định EUDR
Với các quy định chống phá rừng từ châu Âu kể từ ngày 1/1/2025, một số mặt hàng nông nghiệp hướng tới xuất khẩu vào châu Âu của Đắk Nông đang được các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm, nhất là về các thủ tục.
Với các doanh nghiệp đã dần quen thuộc với các khái niệm về xu hướng tiêu dùng xanh và các quy định sản xuất bền vững như Công ty TNHH MTV Cà phê bazan Đắk Nông, việc làm quen và tuân thủ với quy định EUDR không quá phức tạp.
Giám đốc Công ty Lê Văn Hoàng cho hay, công ty hiện đang liên kết trồng khoảng 300ha ca cao và gần 400ha cà phê. Các sản phẩm được công ty sản xuất theo hướng chất lượng cao, tuân thủ chặt chẽ các quy định từ khâu chăm sóc, chế biến.
Công ty hiện đang tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm qua các nước châu Âu. Trước những thông tin về quy định EUDR, công ty đã chủ động tham gia một số hội thảo phổ biến về những quy định này.
“Về cơ bản, công ty thấy, vùng trồng của mình hầu như không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy định EUDR. Sắp tới, công ty sẽ nhờ ngành Nông nghiệp hướng dẫn thêm các thủ tục để có sự chuẩn bị chắc chắn nhất trước khi bước chân vào những thị trường khó tính này”, ông Hoàng chia sẻ.
Sản phẩm hiện đều được công ty truy xuất vùng trồng, thông tin của nông hộ rõ ràng. Công ty đều có thông tin bài bản, quy trình vườn trồng, sơ chế đầy đủ cho đối tác.
Trong năm qua, công ty đã đưa sản phẩm ca cao qua thị trường Bỉ, nhưng với sản lượng không nhiều. Khách hàng cũng đã test mẫu khoảng 4 - 5 lần. Qua năm tới, đối tác sẽ qua thăm vườn sản xuất.
Đắk Nông hiện có diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ ba cả nước, với khoảng 143.000ha. Trong đó, khoảng 100.000ha cà phê đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khoảng 23.500ha sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện như 4C, Rainforest.
Tương tự, Công ty Cổ phần Cao su Daknoruco (Đắk Mil) hiện đang có hơn 400ha cao su, nằm rải rác ở địa bàn 8 xã của huyện Đắk Mil, Đắk Song.
Năm 2024, do đang thực hiện tái canh, trồng mới nên sản lượng cao su khai thác của công ty chỉ đạt khoảng 200 tấn. Sản phẩm hiện đang tiêu thụ nội địa.
Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Siêu cho biết, sản phẩm cao su được trồng tại Đắk Nông, khai thác tại vườn cây để bán nên về truy xuất vùng trồng không đáng ngại. Vườn cao su của công ty được trồng cách đây hơn 30 năm nên không lo ngại về vấn đề phá rừng.
“Định hướng của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ mở rộng sang xuất khẩu. Để đáp ứng những tiêu chuẩn mới của quy định EUDR, công ty sẽ bàn bạc kỹ lưỡng, xây dựng lộ trình tốt nhất, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cao su về lâu dài”, ông Siêu bày tỏ.
Người tiêu dùng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Chính vì vậy, quy định chống phá rừng của châu Âu có thể là đòn bẩy thúc đẩy các ngành hàng của Đắk Nông phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.