Doanh nghiệp Đắk Nông nhập cuộc ứng phó với quy định EUDR
Doanh nghiệp, HTX tại Đắk Nông đang tích cực tìm giải pháp ứng phó với quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) và nâng cao vị thế cho nông sản.
Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Công ty TNHH MTV Thu mua, xuất nhập khẩu cà phê, hồ tiêu AT, TP. Gia Nghĩa chuyên thu mua, xuất khẩu cà phê, hồ tiêu.
Công ty đang liên kết tiêu thụ cà phê, hồ tiêu trên địa bàn TP. Gia Nghĩa và các vùng lân cận, với quy mô 500ha. Công ty nhận định sẽ chịu tác động khi quy định EUDR được áp dụng.
Bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thu mua, xuất nhập khẩu cà phê, hồ tiêu AT cho biết, sau khi quy định EUDR được phổ biến rộng rãi, công ty đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường châu Âu.
Vùng nguyên liệu của công ty có diện tích nhỏ lẻ, trồng xen canh nhiều loại cây. Điều này đòi hỏi công ty phải đầu tư lớn vào việc cấp mã vùng trồng.
Trước hết, công ty tổ chức các buổi tập huấn cho nông dân để phổ biến các quy định EUDR, giúp bà con nắm bắt và đồng hành, tuân thủ theo.
Công ty đã xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, phối hợp với các đơn vị chức năng đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc trên các diện tích thuộc vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, bà Thanh mong muốn có sự hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hồ sơ liên quan đến quy định EUDR.
Hiện nay, công ty đang có nhu cầu chế biến khoảng 35.000 - 40.000 tấn cà phê/năm. Công ty cần diện tích thu mua nguyên liệu khoảng 12.000 - 20.000ha cà phê.
Diện tích này có thể phân bố tại các khu vực như TP. Gia Nghĩa và mở rộng ra các huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong, các vùng lân cận ở Đắk Nông.
Đối với HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái ở Krông Nô đang hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê. Số lượng thành viên của HTX hiện nay là 240 người, với vùng nguyên liệu hơn 500ha cà phê.
HTX cũng chịu tác động bởi quy định của Liên minh châu Âu. Bởi vì, thời gian qua, HTX cung cấp sản phẩm cà phê cho nhiều đối tác xuất khẩu sang châu Âu.
HTX đang sản xuất cà phê đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA) trên diện tích 120ha, với 60 nông hộ thành viên. Sản lượng cà phê RA của HTX đạt trên 300 tấn/vụ, tất cả đều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ…
HTX không ngừng nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường, tìm đầu ra ổn định. Các công đoạn sản xuất được HTX thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, thông qua quy trình kiểm tra từ nguyên liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, bền vững.
Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, một số diện tích vùng nguyên liệu của HTX đã có tọa độ. Một số diện tích đang sản xuất theo tiêu chuẩn là vùng nguyên liệu phục vụ các thị trường xuất khẩu.
HTX đang kiểm soát vùng trồng và phối hợp với các công ty để thực hiện các quy định EUDR. Tuy nhiên, để đáp ứng các quy định của châu Âu, HTX đang phối hợp với các doanh nghiệp thu mua để thực hiện các chứng nhận theo quy định.
Trong khuôn khổ Hội thảo về quy định EUDR tại Đắk Nông hồi tháng 11/2024, HTX đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Intimex Đắk Nông và Công ty Cổ phần TMT Consulting. Theo đó, 2 doanh nghiệp này cam kết hỗ trợ HTX thực hiện tốt EUDR.
Nâng cao trách nhiệm thực thi
Đắk Nông có hơn 142.000ha cà phê và sản lượng trên 360.000 tấn/năm, Đắk Nông đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng cà phê Việt Nam.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất cà phê nhỏ lẻ, chưa có cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc đến từng lô, thửa, cùng với biến đổi khí hậu đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nông dân.
Trong khi đó, theo quy định EUDR, các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu phải đảm bảo không gây ra tình trạng phá rừng. Các yêu cầu bao gồm: định vị tọa độ GPS, bản đồ lô, thửa; hệ thống truy xuất nguồn gốc; và báo cáo minh bạch.
Ông Phạm Quang Trung, Trưởng Đại diện Diễn đàn cà phê toàn cầu tại Việt Nam nhấn mạnh, quy định EUDR không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mà còn gây áp lực lên người sản xuất.
Để tuân thủ quy định EUDR và tăng cường liên kết sản xuất, các doanh nghiệp và HTX tại Đắk Nông cần hợp tác với cơ quan quản lý địa phương để lập bản đồ vùng nguyên liệu, xác định tọa độ từng lô đất sản xuất.
Doanh nghiệp cần sử dụng phần mềm quản lý nông trại và mã hóa vùng trồng để bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất đến khi tiêu thụ.
Nhà nước, doanh nghiệp cần hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận chứng nhận quốc tế như Rainforest Alliance (RA), 4C, UTZ…; hỗ trợ nông dân sản xuất đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, không phá rừng.
Đây là các giải pháp không chỉ giúp doanh nghiệp, HTX tại Đắk Nông tuân thủ các quy định khắt khe của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao giá trị và uy tín của nông sản tỉnh nhà trên thị trường toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông cho biết, đối tượng chính thực hiện quy định này là các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu.
Do đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với bà con nông dân trong việc tổ chức lại sản xuất ngành hàng theo tiêu chuẩn quy định EUDR.
Lâu nay, việc chia sẻ lợi ích, đồng hành giữa doanh nghiệp và nông dân là chưa nhiều. Quy định EUDR chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu có trách nhiệm với người sản xuất. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ nông dân sản xuất có chứng nhận.
"Các doanh nghiệp và HTX tại Đắk Nông cần nhận thức rằng, quy định EUDR không chỉ là rào cản mà còn là cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản địa phương", ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Năm 2024, sản lượng cà phê của Đắk Nông xuất khẩu qua các nước châu Âu chiếm 8,58% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu; chiếm 10,45% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Nông.