Quy hoạch vùng trồng - Yếu tố quyết định thực thi quy định EUDR
Quy hoạch vùng sản xuất gắn với cấp mã số vùng trồng (MSVT) là yếu tố quyết định để thực hiện quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR).
Giá trị của vùng trồng
Trở lại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô trong những ngày cuối năm, đến đâu cũng bắt gặp niềm phấn khởi của người trồng cà phê nơi đây. Xã Nâm Nung vừa được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao (CNC), với quy mô 340ha.
Vùng sản xuất cà phê CNC Nâm Nung tập trung toàn bộ tại thôn Nam Tiến, với 202 hộ tham gia. Trong đó, HTX Phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái đóng vai trò hạt nhân.
Những năm qua, HTX đã liên kết với hơn 240 hộ để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Hiện tại, HTX đang canh tác hơn 500ha cà phê.
Trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn 4C và RA chiếm gần 400ha, với sản lượng gần 1.200 tấn/vụ, hoàn toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.
Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX, cho biết: “Xây dựng vùng sản xuất cà phê CNC là nỗ lực và tâm huyết của người dân xã Nâm Nung trong nhiều năm qua. Hiện chúng tôi đã thành lập tổ canh tác cà phê hữu cơ nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, phục vụ xuất khẩu”.
Tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, vào năm 2021, hơn 500ha cà phê được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC.
Người dân nơi đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, Rainforest và hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ thị trường xuất khẩu, trong đó có châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Đắk Mil cho biết, việc hình thành vùng trồng là xu thế tất yếu để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững và nâng cao giá trị nông sản. Vùng trồng góp phần thực hiện hiệu quả quy định EUDR.
Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 143.000ha cà phê, trong đó diện tích đang thu hoạch là hơn 131.000ha.
Đắk Nông bước đầu hình thành các vùng trồng cà phê quy mô lớn. Trong đó, tỉnh đã hình thành 3 vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil; xã Nam Bình, huyện Đắk Song; xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, với tổng diện tích 1.290ha.
Ngoài cà phê, Đắk Nông đã quy hoạch, xây dựng được nhiều vùng trồng cho sầu riêng, hồ tiêu, điều, mắc ca, cao su, cây ăn quả... Sản phẩm tại các vùng trồng đạt chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu.
Đắk Nông hiện có 58 mã số vùng trồng được cấp và duy trì hoạt động. Các vùng trồng đều có diện tích từ 10ha trở lên và áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản xuất trong nước, quốc tế.
Tấm vé thông hành cho nông sản xuất khẩu
Ngày 24/8/2023, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 550 triển khai cấp, quản lý mã vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2030.
Đến năm 2030, Đắk Nông hướng đến một số mục tiêu chính gồm: cấp khoảng 648 mã vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương, với tổng diện tích trên 9.900ha. Nghĩa là trung bình mỗi năm Đắk Nông cấp 100 mã vùng trồng.
Tỉnh cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ, với diện tích khoảng 2.500ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.
Ngoài vùng trồng xuất khẩu, đến nay, Đắk Nông đã cấp được 14 mã số vùng trồng nội địa, với diện tích hơn 110ha, tổng sản lượng ước đạt 3.300 tấn/năm.
Trong đó, gồm 3 vùng trồng rau, 2 vùng cà phê, 2 vùng ca cao, 2 vùng bơ, 2 vùng mắc ca, 1 vùng măng tre, 1 vùng đậu nành, 1 vùng vải.
Ông Trương Tất Đơ, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN - PTNT cho rằng, vùng trồng là cơ sở để Đắk Nông khẳng định nông sản đạt tiêu chuẩn, loại trừ sản xuất trên đất lâm nghiệp.
Điều này, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngành cả nước đang rà soát diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi quy định EUDR. Việc quy hoạch vùng sản xuất là bước tiên quyết để cấp mã số vùng trồng.
"Khi doanh nghiệp có chứng nhận mã số vùng trồng và đáp ứng các quy định về chống phá rừng, sản phẩm nông sản sẽ có tấm vé thông hành vào thị trường châu Âu", ông Đơ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đơ, để tuân thủ quy định EUDR, các tổ chức, doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm không liên quan đến mất rừng. Điều này đòi hỏi hàng hóa phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng và không gây thiệt hại cho môi trường rừng.
Quy hoạch, xác định tọa độ địa lý vùng trồng là nhằm minh bạch thông tin, chứng minh sản phẩm không liên quan tới rừng. Ngoài ra, cần chú ý đến đánh giá rủi ro và giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất nông sản.
Nếu tỉnh thực hiện chưa đầy đủ các yếu tố này có thể bị châu Âu liệt vào mức độ rủi ro cao và từ chối nhập khẩu nông sản, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông cho hay, việc có thêm các vùng trồng xuất khẩu là lợi thế lớn cho nông nghiệp và nông dân Đắk Nông.
Đây là điều kiện để nông dân liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu. Xây dựng vùng trồng giúp doanh nghiệp tham gia và chịu trách nhiệm cùng nông dân trong việc kiểm soát tình hình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.
“Tuy nhiên, hiện vẫn còn những doanh nghiệp chưa vào cuộc quyết liệt. Do đó, để đáp ứng các yêu cầu của quy định EUDR, các doanh nghiệp cần cộng đồng trách nhiệm, tránh để Nhà nước hay nông dân phải tự mình đối mặt với các thách thức”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Bùi Đức Hào, Điều phối viên Chương trình Cảnh quan và Cà phê tại khu vực Tây Nguyên, thuộc Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), cho biết, tuân thủ quy định EUDR sẽ giúp duy trì và mở rộng thị trường EU.
Quy định EUDR còn giúp cải tiến hệ thống quản trị và quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Việc thực hiện các quy định này cũng giúp nâng cao vị thế các ngành nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.