Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND

Nguồn SGGP| 05/11/2014 15:27

Sáng 5/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND.

Một nội dung được nhấn mạnh trong các văn kiện này là thiết chế mới - Hội đồng Bầu cử quốc gia  và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ cấu, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi. Ảnh: Lã Anh

Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định, với những chức năng đã được xác định rõ bao gồm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Chủ tịch Hội đồng do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, các thành viên khác do Quốc hội phê chuẩn.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần được tiếp tục rà soát, làm rõ thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của Hội đồng, làm rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; vai trò của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; mối quan hệ giữa Hội đồng Bầu cử quốc gia với chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cũng như với các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quy trình bầu cử...

Bên cạnh đó, việc phân chia các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia thành 3 nhóm nhiệm vụ độc lập (thể hiện ở 3 điều riêng) như trong dự thảo Luật cũng cần được cân nhắc kỹ để tránh việc nhầm lẫn trong quy định về chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này hoặc trùng lắp trong nội dung quy định tại các điều luật nói trên (ví dụ khoản 2, khoản 3 Điều 13 hoàn toàn nằm trong nội dung của các điều 14, 15 của dự thảo Luật).

Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra cho rằng, trong khi trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội được giao cho Hội đồng Bầu cử quốc gia thì việc chủ trì tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân lại chưa được xác định cụ thể là trách nhiệm của cơ quan nào. Do đó, đề nghị trong Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử quốc gia và của các cơ quan khác trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt trong công tác tổ chức bầu cử nói chung, nhất là khi các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân lại được tổ chức trong cùng một ngày.

Một số ý kiến cũng đề nghị trong Luật cần quy định cụ thể số lượng thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia, quy định tiêu chuẩn thành viên hoặc cơ cấu đại diện của các cơ quan, tổ chức sẽ tham gia vào Hội đồng này tương tự như đối với Hội đồng Bầu cử ở trung ương hiện nay để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia như quy định của Hiến pháp.

* Cũng trong sáng nay, 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày cho thấy, đại đa số ĐBQH đề nghị đổi tên Luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật. Luật Giáo dục hiện hành quy định GDNN bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có hoạt động dạy nghề được điều chỉnh bởi Luật Dạy nghề còn trung cấp chuyên nghiệp mặc dù cùng thuộc lĩnh vực GDNN song chưa có luật riêng điều chỉnh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đề nghị Quốc hội cho đổi tên gọi của Luật thành Luật GDNN và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật để thống nhất lĩnh vực GDNN. 

Về các trình độ đào tạo của GDNN, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị sắp xếp lại các trình độ đào tạo của GDNN trên cơ sở hợp nhất các trình độ đào tạo TCCN với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. UBTV nhận thấy GDNN hiện đang bị phân tách thành hai bộ phận do 2 Bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ Lao động-Thương binh và Xà hội (LĐ-TB và XH) quản lý hệ thống dạy nghề (gồm 3 trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề), còn Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) quản lý hệ thống TCCN và cao đẳng. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho GDNN, mà còn gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo. Vì vậy, UBTV đề nghị Quốc hội cho phép sắp xếp lại các trình độ đào tạo của GDNN theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo của hệ thống dạy nghề với các trình độ đào tạo tương ứng của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp. Theo đó, GDNN sẽ gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. “Sau khi chuyển trình độ cao đẳng về bậc GDNN để hợp nhất với trình độ cao đẳng nghề thì bậc giáo dục đại học sẽ không còn trình độ đào tạo cao đẳng”, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

GDNN là một bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng bị chia đôi và phát triển theo các định hướng khác nhau khiến cho lĩnh vực này bị phân tách thành 2 hệ thống riêng biệt là dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp, dẫn tới nhiều bất cập. Vì vậy, ý kiến đều thống nhất phải thống nhất một cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về GDNN. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giao cho Bộ LĐ-TB và XH, có ý kiến đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT. UBTV thì cho rằng, nếu giao cho Bộ GD-ĐT thì sợ “quá tải”, vì bộ này đang quản lý các cấp, bậc học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp cho tới giáo dục đại học và sau đại học. Vì vậy TVQH đề nghị giao cho Bộ LĐ-TB và XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về GDNN.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về GDNN, giao cho bộ nào vẫn là 2 luồng ý kiến khác nhau. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị để Bộ GD-ĐT quản lý GDNN, Bộ LĐ-TB và XH chỉ thực hiện trách nhiệm cơ quan chủ quản đối với các cơ sở GDNN của mình, còn quản lý Nhà nước phải là do Bộ GD-ĐT. Lý giải của UBTV cho rằng sợ Bộ GD-ĐT “quá tải” là không phù hợp. Đây cũng là quan điểm của ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) và một số ĐB khác. ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) ủng hộ giao cho Bộ GD-ĐT để thống nhất các bậc học, trình độ, chương trình đào tạo, tạo điều kiện để người học nghề liên thông...

Trái với quan điểm trên, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) lại cho rằng giao cho Bộ LĐ-TB và XH là hợp lý, vì thực tế cho thấy từ khi giao cho bộ này quản lý thì chất lượng dạy nghề đã tốt lên.

Vì còn khác nhau nên một số ĐB đề nghị phải lấy ý kiến ĐBQH việc giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về GDNN cho Bộ nào.

ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nêu, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải đào tạo đội ngũ lao động cho chất lượng cho đất nước, nhưng hiện nay quá yếu kém về chất lượng. Trong khi đó, luật chưa có tầm nhìn khi chưa quy hoạch được mạng lưới dạy nghề cho tương lai. ĐB cũng đề nghị cần bổ sung chính sách miễn phí học nghề cho người dân ở vùng bị lấy đất cho dự án.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) so sánh, thi tay nghề ASEAN thì Việt Nam đạt giảo cao, vượt Singgapro, Thái Lan... Nhưng theo đánh giá của Tổ chức lao động thế giới (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia đó. Nguyên nhân là đào tạo nghề hiện nay chưa hợp lý, chưa phát huy được tiềm năng của lao động của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, tăng năng suất lao động là rất vấn đề bức thiết. Đó là kỳ vọng khi luật này được thông qua, vì vậy luật cần bổ sung vấn đề về tăng năng suất lao động.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thanh Hải, chính sách cho học nghề chưa đủ mạnh, cần bổ sung chính sách đối với người sau khi học nghề, như chính sách tạo việc làm, tuyển dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO