Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh: Việc phân bổ nguồn chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục còn bất cập

Nguyễn Hiền| 08/12/2014 10:25

Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) để tìm hiểu việc phân bổ kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Qua giám sát cho thấy, việc phân bổ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục ở các địa phương vẫn còn những bất cập, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục tại các địa phương, ngoài 80% chi cho tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương thì tỷ lệ chi cho giảng dạy và học tập phải được tối thiểu là 20%.

Thế nhưng, một thực tế lâu nay ở các địa phương là mức phân bổ nguồn chi tối thiểu 20% cho các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo, thậm chí không giống nhau và có sự chênh lệch nhau. Điển hình như tại các huyện Chư Jút và Đắk Mil có mức phân bổ là trên 24%, trong khi các huyện Tuy Đức là 18% và Đắk Glong chỉ có 14%...

Các trường trong cùng một huyện cũng được phân bổ mức chi thường xuyên khác nhau. Cụ thể như tại huyện Đắk Glong, những trường thuộc các xã Đắk R’măng, Đắk Som và Quảng Khê thì được phân bổ là 15%, xã Quảng Hòa là 14% và các xã Quảng Sơn, Đắk Ha là 13%. Mặt khác, về phương thức phân bổ nguồn chi thường xuyên của các địa phương cho các trường cũng không có sự thống nhất.

Qua giám sát, chỉ có một số địa phương như huyện Chư Jút và Đắk Mil là do Phòng GD-ĐT phân bổ trực tiếp cho các trường đúng theo Nghị định 115 của Chính phủ, còn các địa phương khác đều do Phòng Tài chính huyện trực tiếp phân bổ chi thường xuyên về các trường nên đã phần nào làm giảm hiệu lực quản lý của các Phòng GD-ĐT.

Sở dĩ có trường hợp chi không đủ tối thiểu 20% là do một số địa phương giữ lại một phần. Một số trường hợp khác thì tính tổng các trường nhận vẫn đủ 20%, nhưng trong đó một phần kinh phí được các Phòng GD-ĐT giữ lại để mua sắm bằng hiện vật hoặc chi cho các hoạt động chuyên môn chung của tất cả các trường.

Vì vậy, nhiều trường gặp không ít  khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên cho phù hợp với thực tế của mình. Không những vậy, theo Sở GD-ĐT thì việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương cũng còn những điểm chưa hợp lý, dẫn đến nguồn chi thường xuyên cho các trường còn hạn chế.

Cụ thể như tại thời điểm giao dự toán năm 2011 thì mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng, nhưng cơ sở tính dự toán lại theo mức lương là 730.000 đồng nên không phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi đó, để thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục hàng năm, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải được trang bị thêm phương tiện, thiết bị, trang trí lớp học, các công nghệ dạy học, nên có rất nhiều khoản mới phát sinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có những khoản thu ngoài quy định ở các trường trong những năm gần đây.

Theo ông Trương Văn Hiển, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thì nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các đơn vị giáo dục là “tài sản cố định” nên phải được sử dụng đúng mục đích. Vì vậy, Sở Tài chính cần thống kê lại tất cả phương thức phân bổ và chi dự toán của các địa phương đối với các trường. Cùng với đó, Sở GD-ĐT cần nghiên cứu giải pháp để tham mưu các cấp thống nhất lại phương thức phân bổ ở các địa phương và chi đủ cho các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, đảm bảo thực hiện tốt các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh: Việc phân bổ nguồn chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục còn bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO