Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là động lực, đòn bẩy để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Hồng Thoan thực hiện| 13/11/2015 08:45

Hiện nay, cùng với cả nước, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Mô hình trồng ca cao dưới tán điều của ông Nghiêm Xuân Quế ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp)

PV: Theo ông, những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang được triển khai hiện nay là gì?

Ông Hồ Gấm: Nói một cách khái quát thì tái cơ cấu thực chất là sự đánh giá lại những điểm mạnh, hạn chế của ngành trên cơ sở đó có sự sắp xếp đổi mới phù hợp. Trong đó, làm sao gắn với gia tăng giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác. Đối với trồng trọt, việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực quy mô lớn.

Cụ thể, đối với lúa thì phát triển theo hình thức cánh đồng lớn tại những khu vực có điều kiện phù hợp như Chư Jút, Krông Nô. Hiện nay, ở các địa phương này bước đầu đã có những sản phẩm gạo ngon, sản lượng khá lớn được thị trường ưa chuộng như gạo RVT, AC 5, Vĩnh Hòa.

Cùng với lúa thì ngô cũng là cây có hạt chính góp phần tăng sản lượng lương thực và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Cây ngô lai từ chỗ đưa vào trồng khảo nghiệm thì nay đã được trồng ở tất cả các huyện, tập trung ở Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Chư Jút với năng suất cao, khoảng 7-8 tấn/ha.

Đối với cây cà phê, việc chuyển đổi giống mới, tăng cường kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng vườn cây cũng đang được đẩy mạnh. Điển hình nhất là tái canh vườn cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp đang trở thành xu thế lớn của nông dân.

Đối với ngành lâm nghiệp thì hoạt động phát triển nhằm tăng giá trị kinh tế ngành và tăng năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học rừng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được đặt lên hàng đầu. Trong đó, ngành đang triển khai nhiều hình thức giúp người dân phát triển kinh tế rừng, coi đây là một hướng đi tích cực, góp phần vào xóa đói, giảm nghèo, cải thiện kinh tế cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là nhóm dân tộc ít người.

PV: Trong tái cơ cấu, thì chăn nuôi có vị trí như thế nào?

ADQuảng cáo

Ông Hồ Gấm: Với những lợi thế về đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn khá dồi dào nhưng những năm qua, chăn nuôi chỉ mới được coi là thu nhập phụ trong cách nghĩ của người dân, các nhà quản lý tại cơ sở. Hiện nay, điều này đã được nhìn nhận lại, đề cao hơn. Theo đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững trên cơ sở áp dụng các công nghệ tiên tiến, vừa tăng qui mô đàn, vừa đầu tư chiều sâu là hướng đi cần thiết.

Song song, khuyến khích sự hợp tác nhằm lai tạo giống, liên kết giữa khâu sản xuất trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng. Thống kê mới nhất hiện nay, toàn tỉnh có 91 trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Việc gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với hệ thống giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ cũng được chú trọng nhằm đảm bảo sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản an toàn, vệ sinh dịch bệnh. Toàn tỉnh phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp tăng lên 10 - 11%  vào năm 2020.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay?

Ông Hồ Gấm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là động lực, đòn bẩy để tái cơ cấu ngành. Điều này được thể hiện ở nhiều khâu, lĩnh vực. Cụ thể như các giống mới với năng suất, chất lượng nông sản cao, các quy trình canh tác bền vững, khoa học, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến.

Những năm gần đây, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được người dân, doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn, với nhiều mô hình được duy trì, nhân rộng.  Ví dụ như ghép tái canh cà phê, hệ thống tưới tiết kiệm nước, nuôi heo sinh sản khép kín. Điển hình như Công ty TNHH MJ Việt Nam trồng ngô theo quy mô khép kín, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư dự án nuôi 30.000 con bò sữa và 20.000 con bò thịt...

Hiện ngành đang chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các danh mục đã được tỉnh công bố. Hiện nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã có 8 doanh nghiệp vào đầu tư với tổng số vốn trên 456 tỷ đồng.

Chính vì thế, hiện nay, thu nhập trên 1 ha đất của toàn tỉnh đã đạt mức 73 triệu đồng, vượt so với mục tiêu Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2010 – 2015, định hướng đến năm 2020 là 50 triệu đồng/ ha, bình quân lương thực đầu người đã vượt trên 100 kg so với mức của nghị quyết đưa ra là 600 kg/người/năm.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là động lực, đòn bẩy để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO