Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Vũ Trang| 20/12/2013 09:27

Thời gian qua, mặc dù ngành Giáo dục đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thế nhưng hiện tượng bạo lực học đường cùng các hành vi ứng xử lệch lạc của một bộ phận học sinh vẫn xảy ra và chưa có dấu hiệu giảm.

ADQuảng cáo

Mới đây, nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ Gia Nghĩa đã vô cùng phẫn nộ khi chứng kiến cảnh một nữ sinh THPT mặc áo dài đánh ghen bạn gái cùng trường giữa đường... Hay trường hợp một đám đông học sinh nam dùng mũ bảo hiểm đánh bạn bị thương tại cổng Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa)…

Các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Thực tế cho thấy, hiện tượng bạo lực học đường thường xảy ra chủ yếu ở các trường THCS và THPT. Vì ở giai đoạn này, các em bắt đầu có sự thay đổi về tâm sinh lý từ lứa tuổi thiếu nhi sang thanh niên.

Đây cũng là lứa tuổi bắt đầu có sự tự khám phá, ưa bắt chước, muốn tự khẳng định “cái tôi” của mình và hành động bộc phát, không định hướng… nên dễ bị tác động bởi những yếu tố xã hội không lành mạnh như phim ảnh, trò chơi điện tử bạo lực, thông tin xấu trên Internet…

Ngoài ra, theo ý kiến của một số giáo viên trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa thì ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT, kỹ năng sống cũng như nhận thức về các vấn đề xã hội của các em còn rất hạn chế. Trong khi đó, việc dạy và học các môn đạo đức, giáo dục công dân tại một số trường học vẫn đang bị xem nhẹ hoặc mang tính hình thức, lý thuyết.

Hầu như học sinh chỉ chú trọng học tốt các môn thi tốt nghiệp và đại học. Các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng chưa được chú trọng đúng mức, chưa thu hút được sự quan tâm của các em.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, việc phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, đảm bảo môi trường lành mạnh cho học sinh học tập, rèn luyện vẫn chưa được chặt chẽ…

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, để góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, vai trò giáo dục của nhà trường rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, hàng năm, Sở cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng, đạo đức, lối sống... cho học sinh.

Đặc biệt, đối với các môn học có tính giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh, các trường cần nghiên cứu nhiều phương pháp cụ thể, thiết thực để thu hút sự quan tâm của các em. Các phong trào, cuộc vận động như “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Hai không”… cũng cần được chú trọng triển khai với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.

Mỗi cán bộ, giáo viên trong ngành cũng không ngừng học tập, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống, làm tấm gương cho học sinh noi theo.

Tuy nhiên, việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh không nên chỉ “khoán trắng” cho nhà trường mà cần có sự phối kết hợp của gia đình cũng như xã hội. Đặc biệt, gia đình là nền tảng cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, đạo đức các em. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải gương mẫu trong mọi hoạt động và lối sống, đồng thời phải dành thời gian quan tâm, định hướng cho các em lối sống tích cực, lành mạnh.

Đối với tổ chức Đoàn, Hội, nội dung phối hợp cần tập trung vào việc tổ chức các hoạt động tập thể để hình thành nhân cách, lối sống, thế giới quan cho học sinh. Đặc biệt, các hình thức hoạt động phải thường xuyên thay đổi để tạo sự mới mẻ, thích thú, qua đó, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần sự quan tâm từ nhiều phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO