Nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số

Gia Bình| 08/01/2016 09:14

Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành chức năng, đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

ADQuảng cáo

Các bon ở xã Nâm N'Jang (Đắk Song) thi ẩm thực trong lễ hội kết nghĩa. Ảnh: Ngọc Tâm

Theo ông Lê Khắc Ghi, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  thì với chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm, các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh luôn xây dựng kế hoạch cụ thể để đi biểu diễn, chiếu phim phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm hàng trăm buổi.

Cụ thể như trong năm 2015, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh đã tổ chức 28 buổi chiếu phim lưu động phục vụ bà con. Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức 60 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh cũng như tại cơ sở. Trước mỗi chuyến đi cơ sở, các đơn vị đều tìm hiểu, xây dựng nội dung chương trình một cách chặt chẽ và thường xuyên lựa chọn những địa điểm xa xôi, còn nhiều khó khăn mà các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp không thể đến để phục vụ.

Bên cạnh chiếu những tác phẩm điện ảnh nói về lịch sử dân tộc, truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các đội chiếu bóng lưu động còn lồng ghép chương trình tuyên truyền giáo dục về dân số, pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, mối nguy hại của các tệ nạn xã hội… Nhờ đó, người dân ở các bon làng có thêm điều kiện nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các kiến thức bổ ích để áp dụng trong làm ăn kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp.

Cùng với đó, công tác sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc cũng được triển khai hiệu quả. Qua đó, đồng bào không chỉ tiếp tục lưu giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mà còn tạo tiền đề cho việc phục dựng, bảo tồn, phát triển một cách có hệ thống.

ADQuảng cáo

Điển hình như thông qua thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được phục dựng nguyên bản. Một số làn điệu dân ca dân vũ cổ tưởng bị thất truyền đến nay đã được khôi phục. Nhiều bài chiêng cổ cũng được dàn dựng công phu để tham gia các hội thi, hội diễn do chính quyền các cấp tổ chức.

Hiện tại, tỉnh đã trang bị 150 bộ cồng chiêng, goong, 384 bộ trang phục, 180 bộ nhạc cụ… cho đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn để có điều kiện tổ chức các lễ hội lớn của cộng đồng. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc và luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Tại đây, các hoạt động như thi hát dân ca dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, trang phục dân tộc, ẩm thực… luôn diễn ra sôi nổi, giúp đồng bào đoàn kết, gắn bó, hiểu thêm bản sắc văn hóa của từng dân tộc.

Được khuyến khích, đồng bào ngày càng quan tâm đến nghề truyền thống, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa cộng đồng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng cũng được quan tâm đầu tư xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị, thực sự là nơi sinh hoạt bổ ích của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” cũng được các cấp, ngành triển khai sâu rộng, tạo môi trường văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện tại, toàn tỉnh có 17.906/29.430 hộ gia đình dân tộc thiểu số và 59/159 bon, buôn, bản đạt danh hiệu văn hóa. Hơn 95% hộ đồng bào được sử dụng điện lưới quốc gia; 80% hộ có xe gắn máy và các phương tiện hiện đại phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đường vào các thôn, buôn, bon đều được trải nhựa và bê tông hóa, tạo nhiều thuận lợi để bà con lưu thông, sinh hoạt, trao đổi hàng hóa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO