Đền thờ Bác Hồ tại Trà Vinh: “Công trình của trái tim”

Nguyễn Hiền| 23/10/2015 09:37

Trong dịp về Trà Vinh, chúng tôi đến thăm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh mà như giới thiệu thì ngôi đền chính là hiện thân, kết tinh tình yêu bao la của người dân Trà Vinh đối với lãnh tụ kính yêu.

ADQuảng cáo

Du khách tham quan nghe thuyết minh về Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: Đức Hùng

Qua lời giới thiệu của người hướng dẫn viên, sau ngày Bác mất, với lòng thành kính, thương tiếc vô hạn, nhiều gia đình ở Trà Vinh đã tự lập bàn thờ Bác trong chính ngôi nhà của mình.

Đến đầu năm 1970, hiểu được tâm nguyện của nhân dân nên chính quyền địa phương đã quyết định tiến hành việc xây dựng Đền thờ Bác. Các tầng lớp nhân dân vui mừng, hăm hở chuẩn bị góp công, góp của để xây dựng.

Tuy nhiên, trong điều kiện “một bề giặc lấn, ba bề sông ngăn” nên vấn đề xây dựng đền ở đâu, tiến hành như thế nào là cả một sự nan giải đối với quân và dân lúc bấy giờ. Nhiều ý kiến cho rằng, nên xây dựng ngôi đền tại những ấp vùng sâu để dễ xây dựng và thăm viếng, nhưng lại không có địa điểm cao ráo.

Sau nhiều lần bàn tính, cuối cùng, ngôi đền đã được khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1970 ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức trên một giồng cát và bao quanh là lũy tre dày đặc. Việc tiến hành xây dựng đền cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, do vị trí xây chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh chưa đầy 4.000m theo đường chim bay, cách căn cứ hải quân của Mỹ chỉ 1.500 m và xung quanh có đến 20 đồn bót địch, có đồn gần nhất cách chỉ khoảng 300m. Chính vì vậy, công cuộc xây dựng đền đã được tiến hành hoàn toàn vào ban đêm để tránh phi cơ, phi pháo của địch, bảo đảm an toàn cho lực lượng.

Trong ánh đèn đêm, hàng trăm lượt người từ già, trẻ, gái, trai đã tranh thủ từng đêm, bất chấp đạn bom quyết xây tâm xây dựng xong Đền thờ Bác trong thời gian sớm nhất. Và cứ thế, cứ địch đến bà con lánh, địch rút lui bà con xây dựng, địch phá ban ngày bà con xây dựng ban đêm. Hàng ngày, bộ đội cũng phải chiến đấu giành từng tấc đất với giặc ngay bên cạnh Đền thờ Bác. Cũng chính vì nguy hiểm, ác liệt nên mặc dù Đền thờ Bác chỉ rộng khoảng 16 m2, nhưng quân và dân xã Long Đức đã phải vất vả xây dựng kéo dài đến tận 11 tháng.

ADQuảng cáo

Khi đền xây xong thì nảy sinh một vấn đề khó hơn là không có tấm ảnh nào của Bác Hồ để thờ. Họa sĩ Phong Ba, người được giao nhiệm vụ tìm ảnh Bác đã rất băn khoăn, lo lắng vì không có bất cứ vật dụng gì, kể cả một tấm ảnh mẫu nào của Bác để vẽ. Hay tin, đồng chí Tư Kol, bấy giờ là ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh đã mang đến cho họa sĩ một tấm ảnh Bác mà ông cất giữ như báu vật từ những ngày tập kết ra Bắc. Bức chân dung của Bác được vẽ với cả tấm lòng và được mọi người đón nhận với tất cả lòng thành kính và sung sướng.

Sau khi Đền thờ Bác được khánh thành vào ngày 26/1/1971 đã khiến cho địch hết sức sợ hãi, nhiều lần tràn vào tìm mọi cách để đốt. Tuy nhiên, do có lũy tre gai bao bọc xung quanh nên địch phải dùng rơm chất đốt để tìm một con đường đi vào. Mặc dù quyết hủy diệt, nhưng khi châm lửa đốt đền, địch cũng rất kính trọng, đưa ảnh Bác ra ngoài và đưa về dinh tỉnh trưởng.

Sau khi đền bị đốt phá, người dân Long Đức tiếp tục xây dựng lại Đền thờ Bác với quyết tâm càng cao hơn. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, theo ý nguyện của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo lại ngôi đền.

Hình dáng của ngôi đền bây giờ được xây dựng tựa một đóa sen, có 9 cây cột đá nhám, tượng trưng cho đồng bằng sông Cửu Long (9 rồng). Ngôi đền cũ vẫn được giữ nguyên vẹn, nằm lọt trong ngôi đền mới để ghi dấu chiến công của người dân Trà Vinh đã bất chấp bom đạn, nguy hiểm, đồng lòng quyết tâm xây dựng.

Khi nhắc đến Đền thờ Bác, người dân ở đây còn gọi với cái tên trìu mến là “công trình của trái tim”. Cũng với ý nghĩa đó, ngày 5/9/1989, Đền thờ Bác đã vinh dự được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hiện nay, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2/9 hay Ngày sinh Bác Hồ, người dân Trà Vinh lại cùng nhau tụ hội về để dâng hương tại Đền thờ Bác với lòng thành kính, nhớ ơn. Lịch sử có những điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của con người và Đền thờ Bác Hồ là một trong những điều kỳ diệu ấy. Trong một lần đến thăm, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã lưu lại những dòng cảm nhận: “Đền thờ Bác Hồ, biểu tượng bất diệt, tấm lòng sắc son của nhân dân Nam Bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền thờ Bác Hồ tại Trà Vinh: “Công trình của trái tim”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO