Đào tạo cán bộ viên chức, công chức sau đại học: Những vấn đề đặt ra

Đức Diệu| 22/10/2015 09:36

Theo thống kê, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đào tạo phù hợp với vị trí việc làm chỉ chiếm khoảng 47%, còn 42% đào tạo gần và tương đối với vị trí việc làm và 11% chưa phù hợp với công việc hiện tại hoặc vị trí quy hoạch.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC khối chính quyền nhà nước trong thời gian qua bước đầu có chuyển biến, nhất là từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10/8/2011 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020.

Từ đây, số lượng cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học trong những năm gần đây tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả sau đào tạo CBCCVC vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Tính đến tháng cuối năm 2014, khối chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh có 452 CBCCVC tham gia theo học các ngành sau đại học. Trong số đó, hiện đã có 295 người tốt nghiệp gồm 1 tiến sĩ và 294 thạc sĩ, chuyên khoa. Còn 157 CBCCVC đang đào tạo, trong đó có 11 người đào tạo tiến sĩ, 146 thạc sĩ, chuyên khoa.

Những năm gần đây, số lượng CBCCVC tự túc kinh phí tham gia đào tạo sau đại học tăng hơn so với những năm trước. Nhất là số lượng cán bộ công chức hành chính đang tham gia đào tạo cũng tăng cao, với 107/157 người, chiếm 68% so với tổng số đang tham gia đào tạo.

Số lượng cán bộ công chức cấp xã tham gia đào tạo sau đại học có xu hướng tăng, hiện có 9/157 người, chiếm 6%. Thế nhưng tỷ lệ đào tạo giữa công chức và viên chức còn thiếu cân đối; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp.

Thực tế cho thấy, các ngành thuộc khối xã hội chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là nhóm ngành về giáo dục, y tế, kinh tế… Trong khi đó các khối kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp. Các nhóm ngành như khai khoáng, quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin hầu như chưa được đào tạo sau đại học. Chưa kể đến, tỷ lệ CBCCVC đào tạo phù hợp với vị trí việc làm chỉ chiếm khoảng 47%, còn 42% đào tạo gần và tương đối với vị trí việc làm và 11% chưa phù hợp với công việc hiện tại hoặc vị trí quy hoạch.

Một số cán bộ quản lý thì lại không tham gia học quản lý nhà nước, quản lý ngành mà lại theo học chuyên sâu các ngành như lâm nghiệp, kinh tế. Vì thế, quá trình thực hiện công tác luân chuyển cán bộ là rất khó khăn vì không phù hợp với vị trí đảm nhiệm. Ngược lại, ở một số ngành đặc thù như y tế, giáo dục, đối tượng được cử đi học chuyên ngành, chuyên khoa nhưng khi về lại bổ nhiệm các chức vụ quản lý nên không phát huy được hiệu quả đào tạo.

Ngoài ra, qua thực tế cho thấy số lượng các đề tài khoa học từ những người được cử đi học được áp dụng vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh còn ít, chất lượng chưa cao. Đội ngũ CBCCVC có trình độ sau đại học chưa tích cực tham gia các hoạt động phản biện hoặc tư vấn cho những quyết sách, chủ trương, chính sách lớn của tỉnh; khả năng vận dụng kiến thức đã học của CBCCVC vào thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế.

Thực trạng một số CBCCVC được cử đi đào tạo từ ngân sách nhà nước chưa phục vụ hoặc phục vụ chưa đủ thời gian công tác theo cam kết mà đã xin chuyển công tác ra tỉnh khác vẫn còn diễn ra. Đơn cử, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 9 trường hợp sau khi hoàn thành các khóa đào tạo sau đại học đã chuyển công tác khỏi địa bàn tỉnh, trong đó riêng ngành Y tế có tới 7 trường hợp và các ngành khác 2 trường hợp.

Cũng theo Sở Nội vụ thì hiện nay, một số CBCCVC tham gia đào tạo sau đại học vẫn còn theo xu hướng chạy theo bằng cấp, học để có cơ hội thăng chức, giữ chức mà chưa chú trọng học để thực hiện tốt hơn, chuyên sâu hơn về chuyên môn nghiệp vụ nên chất lượng học tập kém, không đúng vị trí việc làm dẫn đến sử dụng nguồn lực sau đại học còn nhiều hạn chế.

Để công tác đào tạo CBCCVC sau đại học thực sự hiệu quả, đúng chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và nâng cao năng lực đội ngũ CBCCVC phục vụ nền hành chính nhà nước thì việc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo sau đại học gắn với sử dụng lâu dài đội ngũ CBCCVC của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, ngoài việc lựa chọn đúng đối tượng đi học theo diện hưởng trợ cấp ngân sách, tỉnh cũng cần xây dựng và ban hành quy định ngành nghề ưu tiên đào tạo sau đại học theo từng năm và từng giai đoạn đối với từng ngành, từng đơn vị gắn với thực tế nhiệm vụ và định hướng phát triển chung của tỉnh.

Ngoài ra, có cơ chế khuyến khích xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các cơ sở ngoài tỉnh có năng lực xây dựng cơ sở đào tạo trình độ sau đại học tại tỉnh để đào tạo các chuyên ngành cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo cán bộ viên chức, công chức sau đại học: Những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO