Nên 'khoan sức' cho báo chí
Sau chiến tranh chúng ta cũng đã có chính sách khoan sức dân thì trong bối cảnh báo chí khó khăn như hiện nay cũng nên 'khoan sức' cho báo chí. Một biện pháp là miễn giảm thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó quy định mức thuế suất với các cơ quan báo chí, bao gồm cả quảng cáo trên báo là 15% (giảm 5% so với hiện hành). Riêng báo in, mức thuế được đề xuất áp dụng là 10%.
Với mức thuế 15% áp với các cơ quan báo chí, nhiều ý kiến cho rằng chưa hợp lý trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn, sự chênh lệch về thuế suất giữa báo điện tử và báo in là không có cơ sở vì chi phí cho báo điện tử cũng rất lớn.
Cần ưu đãi hợp lý
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, mọi lĩnh vực đều cần sự công bằng. Ở lĩnh vực báo chí, đối với việc thu thuế doanh nghiệp từ cơ quan báo chí, cơ quan chức năng nên cân nhắc áp dụng mức thu hợp lý.
Theo ông Lợi, quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam là nên áp dụng chung một mức thuế ưu đãi cho tất cả các loại hình báo chí (điện tử, phát thanh, truyền hình...) chứ không riêng báo in.
Lý do, hiện nay các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về nguồn thu. Một trong những nguồn thu chính của báo chí đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nguồn thu quảng cáo sụt giảm, miếng bánh thị phần được chia cho Google, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác. Nguồn thu của báo chí đã khó khăn lại càng eo hẹp.
Đặc biệt ở Việt Nam cũng như một số nước sau thời gian đại dịch Covid-19 thì hoạt động báo chí càng ngày càng khó khăn khi các doanh nghiệp - đối tác của các cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn. Đấy là lý do để chúng ta xem xét việc áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý cho cơ quan báo chí.
Không thể đánh đồng cơ quan báo chí như một doanh nghiệp thuần túy
Hiện nay, Chính phủ đã có chính sách miễn thuế, giãn thuế cho một số lĩnh vực như văn hóa, thể thao, giáo dục… Trong trường hợp này, ông Lợi đề xuất cơ quan quản lý thuế nên có sự ưu đãi, quan tâm đối với hoạt động của cơ quan báo chí.
“Sau chiến tranh chúng ta cũng đã có chính sách khoan sức dân thì trong bối cảnh báo chí khó khăn như hiện nay cũng nên 'khoan sức' cho báo chí. Một trong những biện pháp 'khoan sức' cho báo chí là miễn giảm thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí”, ông Lợi nói.
Mặt khác, theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan báo chí phần lớn là đơn vị sự nghiệp có thu với chức năng chính là thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, nên hoạt động không thuần túy như một doanh nghiệp.
“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì thế không thể đánh đồng cơ quan báo chí như một doanh nghiệp thuần túy. Quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam là rất ủng hộ, thống nhất về mức thuế thu nhập của doanh nghiệp ưu đãi cho các cơ quan báo chí không chỉ báo in mà kể cả các loại hình báo chí khác như phát thanh, truyền hình, điện tử… giảm xuống còn 10%”, ông Lợi nói.
Giảm thuế có ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách?
Đánh giá nguồn thu của ngân sách nhà nước rất quan trọng, tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, nguồn thu từ các cơ quan báo chí không chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, vấn đề kinh tế báo chí hiện nay đang rất khó khăn.
Ông Lợi nêu thực tế, cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có nguồn thu không lớn. Tuy nhiên, việc thu thuế từ các cơ quan báo chí nộp vào ngân sách cũng không nhiều, nhưng vô tình tác động làm cơ quan báo chí khó khăn thêm.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện chưa nhận được văn bản chính thức kiến nghị giảm thuế thu nhập từ các cơ quan báo chí, nhưng qua các diễn đàn, Hội đã tiếp nhận được rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, sự lo âu của lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo.
“Nguồn thu của các nhà báo hiện nay rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, chúng tôi mong muốn qua đây phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến vấn đề này.
Báo chí là công cụ thông tin tuyên truyền đắc lực của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Do đó, nếu không đảm bảo được nguồn ngân sách nhà nước cấp thì ít nhất cũng tạo điều kiện để các cơ quan báo chí hoạt động từ những nguồn thu mà họ kiếm được. Thu thuế quá cao làm ảnh hưởng đến nguồn lực của cơ quan báo chí nhằm duy trì, phát triển hoạt động”, ông Lợi nhấn mạnh.
Đã đến lúc không thể trì hoãn việc xem xét giảm thuế cho báo chí
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, điều chỉnh chính sách thuế là vấn đề rất thận trọng vì có tác động rộng, phải đảm bảo tính công bằng.
“Nhưng rõ ràng với khó khăn của báo chí hiện nay, đã đến lúc không thể trì hoãn việc xem xét giảm thuế cho báo chí. Có người nói rằng, khi yêu cầu cống hiến thì nói báo chí là đơn vị sự nghiệp, khi cần thu thuế lại áp báo chí như doanh nghiệp là không công bằng.
Ý kiến đó cũng có những khía cạnh phải bàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ không thể coi báo chí như doanh nghiệp đơn thuần mà phải đặt nó đúng vai trò và giá trị cống hiến cho xã hội. Từ chiến tranh đến quá trình bảo vệ Tổ quốc, sự động viên của báo chí tới toàn dân là rất lớn để "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", giúp cả nước hừng hực khí thế ra trận.
Khi xây dựng đất nước, cũng chính báo chí phát hiện ra những ách tắc về chính sách, từ đó góp phần thúc đẩy khoán 100 rồi khoán 10 trong nông nghiệp, tháo gỡ những nút thắt "đóng đinh trong đầu" về tư duy kinh tế. Báo chí cũng chống tiêu cực, phát hiện tấm gương tốt để cổ vũ, động viên cả xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng báo chí cần được ưu đãi hợp lý. Sự ưu đãi đó không chỉ dành cho báo chí và người làm báo vì báo chí phát triển là phù hợp với lợi ích chung của xã hội, đồng thời đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng: Báo chí giữ vai trò xung kích trên mặt trận công tác tư tưởng.