Chính trị

Huyện vùng xa Đắk Nông tạo môi trường để cán bộ trưởng thành

Trọng Nghĩa 03/10/2024 05:54

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Nô quan tâm, tạo môi trường để cán bộ trẻ trưởng thành qua thực tiễn.

Trưởng thành từ thực tiễn

Được điều động về giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thành chưa lâu, nhưng ông Nguyễn Huy Phong đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt thực tế cơ sở. Ông Phong tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy đảng, sự đoàn kết của tập thể để làm tốt nhiệm vụ chính trị mà Ban Thường vụ Huyện ủy tin tưởng giao trọng trách.

dsc03741.jpg
Được điều động về giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Krông Nô, Đắk Nông chưa lâu, nhưng ông Nguyễn Huy Phong đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt thực tế cơ sở

Từ vị trí chuyên môn về một lĩnh vực, khi về địa phương, ông Phong tiếp cận công việc ở nhiều phương diện đòi hỏi phải tham khảo ý kiến tập thể để giải quyết thấu đáo, hiệu quả. “Việc luân chuyển cán bộ giúp tôi có cơ hội, điều kiện, môi trường để tiếp cận với công việc thực tế cũng như nắm bắt sâu hơn tâm tư, tình cảm của người dân. Đồng thời, với kinh nghiệm tích lũy khi công tác ở phòng nông nghiệp, tôi cũng từng bước vận dụng, hướng dẫn bà con đưa các kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng”, ông Phong cho biết.

Từ năm 2020 đến nay, xã Tân Thành đã tiếp nhận 2 vị trí từ huyện điều động về địa phương là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã. Thực tế cho thấy, việc đưa cán bộ cấp huyện về cơ sở “đúng người, đúng việc” đã tạo chuyển biến rõ rệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Nguyễn Văn Thủy nhìn nhận: “Hai cán bộ được điều động về địa phương đã tiếp cận nhanh công việc, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chính quyền, có nhiều đổi mới và tác phong, lề lối làm việc, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương và đời sống người dân”.

Là địa phương có tiềm năng về nông nghiệp nhưng giao thương không thuận lợi, Đảng ủy xã Buôn Choáh đã ban hành nghị quyết để phát triển hiệu quả vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về trồng lúa nước. Qua nhiều năm xây dựng, đến nay, thương hiệu lúa Buôn Choáh đã được khẳng định trên thị trường. Kết quả này, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành thì có đóng góp không nhỏ của Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Nhơn.

dsc03966.jpg
Bí thư Đảng ủy xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, Đắk Nông Nguyễn Văn Nhơn (đứng giữa) luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất của người dân

Gần 3 năm được điều động về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Buôn Choáh, ông Nhơn đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm của người cán bộ trẻ, không ngại khó ngại khổ. Ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, ông Nhơn bắt tay ngay vào rà soát các nội dung công việc, bàn bạc với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã để có giải pháp phù hợp, nhất là củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ.

“Ngay sau khi tiếp nhận công việc, tôi kịp thời tham mưu cho huyện củng cố, kiện toàn lại tất cả các chức danh như Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chỉ huy trưởng và phó Ban Chỉ huy quân sự xã. Sau đó, chúng tôi tiến hành triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", ông Nhơn thông tin.

Buôn Choáh là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp về lúa. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu lúa gạo của xã. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa hiện tại đạt 13 - 14 tấn/ha, giá bán 10 - 11 triệu đồng/tấn. Qua đó, đời sống của người dân nâng lên đáng kể, thương hiệu lúa Buôn Choáh cũng có chỗ đứng trên thị trường”.

Góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lâu dài cho Đảng

Nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Nô đã ban hành 14 quy định, 12 kế hoạch, 2 công văn để triển khai thực hiện. Trong đó, việc luân chuyển, điều động được xác định là điều kiện thuận lợi để cán bộ rèn luyện, phát triển toàn diện.

dri.jpg
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Krông Nô Nguyễn Huy Phong (ngồi giữa) luôn gần dân, sát dân để hiểu thêm về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được triển khai thực tế như thế nào để có sự lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, sát thực hơn

Để công tác điều động, luân chuyển cán bộ vừa thực hiện đúng theo quy định của cấp trên, đồng thời phù hợp với tình hình địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Nô đã ban hành quy định về luân chuyển cán bộ và được bổ sung, điều chỉnh thay thế qua các năm để phù hợp với thực tiễn.

Công tác luân chuyển cán bộ luôn đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Huyện ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.

Từ năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Nô đã điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện về giữ các chức danh chủ chốt cấp xã, thị trấn 13 trường hợp, điều động cán bộ lãnh đạo cấp xã lên huyện bổ nhiệm giữ chức danh trưởng phòng 2 trường hợp.

Đội ngũ cán bộ được điều động, luân chuyển đã thể hiện được tinh thần, thái độ trách nhiệm tốt, nhanh chóng tiếp cận và thích ứng với công việc trên cương vị mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Nhân dân, đảng bộ cơ sở tín nhiệm cao.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Nô Phạm Thị Thùy Dương cho biết: “Đối với các đối tượng cán bộ trẻ, năng động, Huyện ủy quan tâm, tạo môi trường thực tế để phát huy kỹ năng, năng lực công tác. Hiện nay, hầu hết các xã của huyện đều có cán bộ huyện về tăng cường. Lực lượng này đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người cán bộ từ huyện về cơ sở. Đồng thời, thông qua kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở, họ đã rèn luyện được bản lĩnh, kỹ năng trong xử lý công việc. Cùng tập thể Đảng ủy xã, đa số cán bộ luân chuyển, điều động đã phát huy được vai trò trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

dsc04014.jpg
Xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, Đắk Nông ngày càng có nhiều đổi mới, điện, đường đầy đủ, đời sống người dân cũng được nâng cao hơn

Cũng theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Nô Phạm Thị Thùy Dương, công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, trong đó điều động, luân chuyển có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lâu dài cho Đảng, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện, thử thách. Nếu trước đây công tác luân chuyển cán bộ chỉ là để giải quyết tình thế trước mắt thì hiện nay được thực hiện đồng bộ, bài bản hơn qua nhiều cấp.

"Cán bộ luân chuyển trước đây chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực nhưng nay có cơ hội, môi trường rộng hơn để “cọ xát” với nhiều lĩnh vực, được rèn luyện và trưởng thành hơn. Việc luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở không chỉ giúp nhiều cán bộ trưởng thành hơn trong thực tiễn mà còn giúp địa phương khắc phục tình trạng tư tưởng cục bộ, khép kín", bà Dương cho hay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Huyện vùng xa Đắk Nông tạo môi trường để cán bộ trưởng thành
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO