Pháp luật

Đắk Nông đề cao cảnh giác với tội phạm buôn bán người

Hoàng Thanh 07/10/2024 09:54

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông nỗ lực phòng, chống tội phạm buôn bán người, nhất là ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, tình hình tội phạm mua, bán người có những diễn biến phức tạp. Trên cả nước xuất hiện các đường dây mua, bán người xuyên quốc gia.

Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn như: đưa phụ nữ qua biên giới sinh con để lấy trẻ sơ sinh; dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao; xuất khẩu lao động; lừa yêu đương tán tỉnh qua mạng xã hội…

Sau đó chúng đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, đưa vào làm việc tại các sòng bạc, cơ sở game online, công ty kinh doanh ở nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, mua bán người...

hinh-1(1).jpg
Đối tượng Lê Văn Nhí (SN 1990), trú tại xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang) bị Công an Đắk Nông bắt về hành vi mua bán người

Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đây là những vùng còn thiếu hiểu biết pháp luật và đời sống kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, nhiều người dân rất dễ bị sập bẫy với chiêu lừa “đi nước ngoài làm thuê được trả lương cao”.

Ở Đắk Nông, nhiều năm trước đây, đã từng xảy ra tình trạng đưa người ra nước ngoài trái phép. Bọn tội phạm biết được một số người ở nông thôn, nhất là các cô gái trẻ thích làm việc nhàn nhã, “việc nhẹ lương cao” nên đã ra chiêu rủ rê “hợp tác lao động”.

Nhiều người không chút nghi ngờ, chấp nhận vượt biên trái phép. Khi sang đến nơi mới thấy công việc quá nặng nhọc, không có tiền để quay về, trở thành nạn nhân của bọn buôn người với đủ thứ nghề: mại dâm, đẻ thuê, lao động chui…

Mới đây nhất, vào tháng 12/2023, Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi mua bán người.

3 đối tượng bao gồm: Vày Tuyết Mai, Trần Quang Phát, cùng trú TP. Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Nho, trú tại huyện Đắk Glong (Đắk Nông).

Theo kết quả điều tra của công an, Mai có chồng là người Trung Quốc và thường xuyên qua lại giữa hai nước.

Cuối năm 2022, Mai gặp một người phụ nữ và được người này cho biết, hiện có nhiều đàn ông Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền để mua phụ nữ Việt Nam về làm vợ.

Nếu Mai tìm được phụ nữ đưa đi Trung Quốc sẽ được trả công từ 200 - 300 triệu đồng/người tùy vào độ tuổi cũng như nhan sắc của người phụ nữ đó.

Từ tháng 5/2023 đến khi bị bắt, Vày Tuyết Mai cùng đồng bọn đã lừa gạt 36 phụ nữ, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh và Đắk Nông sang Trung Quốc.

Một số nạn nhân sau khi phát hiện mình đã bị lừa gạt, mua bán đã bỏ trốn về Việt Nam hoặc nhờ người nhà tại Việt Nam trình báo, tố giác tội phạm, đề nghị giải cứu.

Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, từ năm 2023 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện, triệt phá 2 vụ, 7 đối tượng đã lừa gạt đưa 37 nạn nhân ở nhiều địa bàn trên cả nước sang Trung Quốc….

Theo Đại tá Nguyễn Tường Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, trước tình hình tội phạm buôn bán người có dấu hiệu phức tạp, gia tăng nên việc nâng cao nhận thức có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Do đó, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Văn phòng Bộ Công an tổ chức tập huấn và truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người tại nhiều địa bàn.

z5869712429284_6187f724b112c1f10381dd85cd359de6(1).jpg
Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Văn phòng Bộ Công an tổ chức tập huấn và truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người

Qua các đợt tuyên truyền, các cấp, ngành, các cơ quan chức năng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về công tác phòng, chống mua bán người của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng thời, công an cung cấp kiến thức, giúp người dân nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để kịp thời tham mưu và triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông đề cao cảnh giác với tội phạm buôn bán người
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO