Đạo đức nghề nghiệp và giới hạn của truyền thông

Ngọc Tú| 19/08/2015 10:45

Một trong những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo: Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội. Điều này thường được nhắc nhở một cách ngắn gọn, gần gũi là: nhà báo hãy giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

ADQuảng cáo

Vai trò tích cực của báo chí, của nhà báo luôn được xã hội ghi nhận, trân trọng. Nhưng mặt hạn chế, sa đà, khai thác quá nhiều yếu tố tiêu cực của một số báo, trang mạng nhằm câu khách, mang tính giật gân đã tạo ra dư luận không tốt trong xã hội. Đạo đức, giới hạn của nhà báo và truyền thông dường như đã có sự chuyển dịch, đôi khi đã vượt qua ranh giới cho phép.

Hẳn chúng ta còn nhớ vụ án 6 người ở Bình Phước bị sát hại ngày 7/7/2015. Theo thông tin được cung cấp tại một hội nghị báo chí toàn quốc, chỉ trong 10 ngày, từ ngày 7 đến 17/7/2015, có 1.698 tin bài liên quan đến vụ án này được đăng tải trên các báo. Nghĩa là, trung bình một ngày có gần 170 tin bài liên quan được các phóng viên, nhà báo thực hiện.

Có thống kê cho biết, trung bình một ngày, có báo đăng tải hơn 10 tin bài về vụ án này. Trong đó, có những tin bài thông tin tiêu cực, sa đà vào mô tả chi tiết sự rùng rợn của tội ác, tự suy diễn, đặt nghi vấn, khai thác quá trớn thông tin về nạn nhân và thân nhân nạn nhân, đặt tiêu đề phản cảm.

Ngay sau vụ án ở Bình Phước, Báo Nhân Dân đã có số chuyên đề bàn về giới hạn của truyền thông. Tác giả Phạm Nguyễn đã rất trăn trở trong bài viết của mình: “…Rất nhiều bài báo đã mô tả như tận mắt nhìn thấy các nạn nhân đều chết vì những "vết cắt rất ngọt". Và làm thay việc của cơ quan điều tra, các "nhà báo" hướng dư luận tới những "nghi can" từ cô giúp việc cho đến những nhân viên bị đuổi việc. Rồi khi những nghi phạm được tìm thấy thì ông bà, cha mẹ của họ cũng không được giới truyền thông buông tha...

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Cứ đà "phóng bút" ấy, việc bố nghi can định tự tử, mẹ nghi phạm định quyên sinh liệu chăng cũng có sự "góp công" của những bài báo mà người ta hay gọi là "lá cải" và cách viết của những phóng viên mà người ta hay gọi là "kền kền"?...”

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, trong một trả lời phỏng vấn của báo chí, nêu rõ: “Ngoài vấn đề luật pháp, có thể thấy hàng loạt tờ báo đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp khiến dư luận bức xúc. Chưa thể khẳng định đạo đức nghề nghiệp hiện nay đang xuống mức thấp nhất, nhưng tình trạng nói trên đang ở mức báo động khẩn cấp”.

Vì sao lại thế và làm gì để khắc phục? Trước hết phải khẳng định, với các nhà báo, phóng viên có cái tâm trong sáng, biết đau xót, sẻ chia với những thân phận và cộng đồng thì không thể dễ dàng “phóng bút”. Họ hẳn phải suy nghĩ, đắn đo đến từng câu chữ và hình ảnh trước khi đưa tin bài.

Ở góc độ quản lý, nếu ban biên tập thực sự “cài phanh”, là “bộ lọc” thì không dễ gì phóng viên, nhà báo có thể vượt qua giới hạn cho phép. Ở đây cũng cần nhấn mạnh rằng trách nhiệm của Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí là tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức, nghiệp vụ cho các hội viên - nhà báo. Đó là cái nền cơ bản. Phía còn lại, để thực sự có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc" thì rất cần thêm sự rèn luyện, tự răn mình của chính những phóng viên, nhà báo.  

Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết loại bỏ tin bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm đời sống xã hội, đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin”.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo đức nghề nghiệp và giới hạn của truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO