Khởi nghiệp thành công từ 4 con dê giống
Khởi nghiệp thành công từ 4 con dê giống, anh Hà Văn Cương (dân tộc Nùng) còn hỗ trợ 3 thanh niên khác có hoàn cảnh khó khăn lập nghiệp.
Ở thôn Tây Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil, anh Hà Văn Cương (dân tộc Nùng) được biết đến là một thanh niên trẻ làm kinh tế giỏi. Với mô hình nuôi dê thịt, dê sinh sản, anh có được nguồn thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Quá trình khởi nghiệp nam thanh niên người Nùng là một hành trình đầy ấn tượng. Từ 4 con dê giống ban đầu, mô hình nuôi dê của anh Cương hiện duy trì quy mô đàn khoảng 300 con, với hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản.
Đặc biệt, không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Cương còn tích cực hỗ trợ người thân, bạn bè thực hiện mô hình nuôi dê, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Anh Cương chia sẻ, sau khi học hết cấp 3, anh xuống tỉnh Bình Bình Dương làm công nhân. Sau 2 năm đi làm, nhận thấy mức lương chỉ đủ sống, không có dư giả nên năm 2017, anh quyết định trở về địa phương làm kinh tế.
“Khi về quê, tôi khởi nghiệp bằng nuôi dê. Từ số tiền 15 triệu đồng tiết kiệm được, tôi mua 4 con dê giống về nuôi. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, dê chậm lớn, sinh sản kém, đầu ra không thuận lợi…”, anh Cương nhớ lại.
Sau nhiều thử thách, công việc nuôi dê của anh Cương cũng thuận lợi hơn. Đến năm 2020, anh được vay vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với số tiền 100 triệu đồng. Nguồn vốn đã giúp anh có điều kiện đầu tư mở rộng mô hình, từng bước phát triển đàn dê cả về số lượng và chất lượng.
Anh Cương cho biết: “Có vốn, tôi xây dựng chuồng trại kiên cố hơn. Ngoài thức ăn tự nhiên, tôi còn cho dê ăn thêm cám viên để dê phát triển đồng đều”.
Điểm nổi bật ở mô hình nuôi dê của anh Cương là hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản, cao ráo, thoáng mát. Chuồng có các ngăn nhốt riêng từng loại dê như dê sinh sản, dê thịt… Việc ngăn cách là để tránh sự va chạm giữa các loại dê và cân đối lượng thức ăn cho dê phù hợp.
“Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê luôn khỏe mạnh, lớn nhanh, ít dịch bệnh. Trung bình, mỗi tháng gia đình tôi có nguồn thu từ 30-40 triệu đồng từ bán dê thịt và khoảng 40 triệu đồng/năm tiền phân bón từ quá trình chăn nuôi dê”, anh Cương cho hay.
Không chỉ nỗ lực làm giàu cho gia đình, anh Cương đã hỗ trợ, giúp đỡ một số người thân, bạn bè phát triển mô hình nuôi dê, trong số đó có gia đình chị H'Nêra (trú cùng thôn).
Chị H'Nêra cho biết, năm 2019, vợ chồng chị quyết định đầu tư nuôi dê. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị được anh Cương hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng bệnh, tìm đầu ra...
Chị H’Nêra tâm sự: “Nuôi dê không mất nhiều thời gian chăm sóc. Với khoảng 200 con dê thịt, mỗi ngày gia đình tôi chỉ dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để lấy cỏ cho dê ăn. Thời gian còn lại, vợ chồng tôi vẫn đi làm rẫy bình thường. Hiện nay, mô hình nuôi dê của chúng tôi được anh Cương hỗ trợ đầu ra tiêu thụ nên kinh tế gia đình ngày một ổn định hơn”.
Ông Nguyễn Đình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn đánh giá, anh Hà Văn Cương là thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và khát vọng vươn lên. Mô hình nuôi dê và những đóng góp xã hội của anh Cương đã góp phần khơi dậy ý thức lập thân lập nghiệp cho thanh niên địa phương và đóng góp tích cực cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của xã.