Đắk Glong thúc đẩy xây dựng xã hội học tập

Phạm Khánh| 24/08/2020 08:51

Tuy đạt được những kết quả tích cực trên một số mặt nhưng công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đắk Nông) vẫn còn nhiều việc phải làm.

ADQuảng cáo

Góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành chuyên môn, công tác xây dựng xã hội học tập ở huyện Đắk Glong đã có chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí, văn hóa của người dân địa phương.

Tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại xã Quảng Hòa

Theo đó, UBND huyện Đắk Glong thành lập Ban Chỉ đạo xã hội học tập huyện, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và chỉ đạo các phòng, ban, các xã triển khai. Vai trò của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các đoàn thể huyện được phát huy trong việc tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến thông tin, xóa mù chữ cho nhiều người dân.

Huyện Đắk Glong ngày càng nâng cao được chất lượng xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Đối với người dân độ tuổi từ 15-60, tỷ lệ biết chữ đạt 79%, độ tuổi từ 15-35 tỷ lệ biết chữ là 87% và 70,6% số người biết chữ tiếp tục học tập, không mù chữ trở lại. 7/7 xã đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS được chú trọng. 

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nên trình độ chuyên môn ngày càng nâng lên, đáp ứng yêu cầu công tác. Trong đó, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng theo các yêu cầu, quy định. Đối với lao động nông thôn, đơn vị chức năng tổ chức được nhiều lớp, khóa đào tạo với hàng ngàn người dân tham gia. Nhiều người áp dụng thành công các kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giúp bảo đảm việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.

ADQuảng cáo

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án về xã hội học tập trên địa bàn huyện còn không ít hạn chế. Đó là việc một số cấp, ngành, đoàn thể chưa coi trọng, chưa thấy hết lợi ích xây dựng XHHHT nên nhiều lúc sự phối hợp trong triển khai chưa đồng bộ, không thường xuyên. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, các trung tâm học tập cộng đồng chưa thật sự là cơ sở thiết yếu trong xã hội học tập. Một số thôn, bon tỷ lệ mù chữ còn khá cao so với các huyện, thành phố khác trong tỉnh.

Đắk Glong kêu gọi các nhà tài trợ để đầu tư nhiều cho giáo dục phổ cập mầm non, tiểu học

Từ những kết quả, hạn chế, Đắk Glong xác định tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc xây dựng xã hội học tập. Địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đa dạng, đổi mới các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người dân về xã hội học tập, học tập suốt đời. Các cơ sở giáo dục, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - thường xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.  

Còn nhiều phụ nữ ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) mù chữ phải điểm chỉ vào các loại giấy tờ

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương tiếp tục huy động tốt các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, thiết bị phục vụ cho việc học tập, đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả học tập, phục vụ đa dạng người học. Cùng với chỉ đạo cấp cơ sở xây dựng xã hội học tập, huyện nhân rộng các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, bon, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực xây dựng xã hội học tập.

Các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương phát huy hơn nữa vai trò của người uy tín tại cộng đồng để làm gương, xây dựng xã hội học tập đạt kết quả cao hơn. Huyện xác định, việc nâng cao kiến thức, văn hóa cho người dân, nhất là nông dân, người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ, động lực chính để giúp bà con thoát nghèo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong thúc đẩy xây dựng xã hội học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO