Cán bộ, chiến sĩ công an không bao giờ thờ ơ trước nỗi lo của dân!

Phạm Khánh| 20/01/2020 10:35

Trong năm 2019, với tinh thần vì dân phục vụ, sự mưu trí, dũng cảm, các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Nông đã lập nhiều chiến công trong đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, ghi những dấu ấn đậm nét, được xã hội, người dân ghi nhận.

ADQuảng cáo

Giả người bắt cua, ốc để phá án xăng giả

Cả một thời gian dài dùng xăng giả, gây nhiều thiệt hại về kinh tế mà người dân cũng không hề hay biết. Trong khi đó, các lực lượng Công an tỉnh đang ngày đêm âm thầm nắm bắt tình hình nhằm phát hiện hành vi vi phạm của những đối tượng sản xuất buôn bán xăng dầu giả. Không để “rút dây động rừng”, lực lượng trinh sát được bí mật tung vào cuộc, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để có thể điều tra, lần theo từ nơi cung cấp nguyên liệu, cho đến điểm pha chế, đường vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Hàng trăm chiến sĩ với tinh thần quyết tâm phá án cao, được bố trí trên khắp 32 tỉnh, thành từ Thanh Hóa vào Cần Thơ, Sóc Trăng là “sào huyệt” của Trịnh Sướng, đối tượng chủ mưu.

Điều tra viên lấy lời khai đối tượng đánh bạc qua mạng Internet

Hơn 200 chiến sĩ cảnh sát được hóa trang với “vai diễn” là doanh nhân, tài xế lái xe bồn, xe ôm, công nhân, thậm chí là người mò cua bắt ốc để âm thầm thu thập thông tin, nắm bắt tình hình. Mọi hành động, cách thức đều được các chiến sĩ ngụy trang, thực hiện khéo léo, không để lộ thân phận. Nếu bị đối tượng nhận diện, mọi phương án, biện pháp, kế hoạch triệt phá án sẽ “phá sản”.

Khi mọi “đường đi, nước bước”, bằng chứng của những đối tượng sản xuất xăng giả đầy đủ căn cứ, từ tháng 7 - 8/2019, Công an tỉnh đồng loạt bắt, khởi tố 5 vụ với 33 bị can; trong đó, có 4 vụ thuộc 4 nhóm đối tượng, 32 bị can về hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả; 1 vụ, 1 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng chức năng thu giữ gần 4,4 triệu lít dung dịch gồm hóa chất kích Ron, Toluen, dung môi, chất MTBE, bột tạo màu Azo, 3 tàu thủy, 10 xe ô tô, 5 máy bơm… Đến thời điểm này sau 1 năm thực hiện, chuyên án làm xăng giả do Công an tỉnh Đắk Nông thụ lý gần như kết thúc.

Thượng úy Võ Việt Hùng, tham gia chuyên án cho biết: Đầu tháng 8/2018, tôi nhận nhiệm vụ là thời điểm vợ mang bầu tháng thứ 9, chuẩn bị sinh con. Khi kết thúc vụ án, được lệnh của cấp trên rút khỏi địa bàn, tôi trở về nhà đã thấy con chập chững biết đi. Trong hơn 1 năm trời, cứ sáng sớm, tôi mang giỏ đi mò cua, bắt ốc ở dưới sông, gần khu vực chiết xuất xăng giả để nắm quy luật hoạt động của các đối tượng. Chiều về, những lúc không đi mò ốc, tôi leo lên cây quan sát những tàu thuyền chở dung môi pha chế thành xăng và đưa đi tiêu thụ. Các đồng đội của tôi cũng “nhập vai” người dân chèo xuồng, thả lưới đánh bắt tôm cá xung quanh khu vực để thu thập thông tin.

Thủ đoạn của những đối tượng này là mua dung môi, hóa chất, bột tạo màu, chất kích Ron ở các tỉnh miền Trung về tập kết tại 2 kho xăng ở Sóc Trăng và Cần Thơ. Sau đó, các đối tượng đưa đi pha chế thành xăng dưới 3 hình thức là trên tàu thủy, xe ô tô và trực tiếp bơm vào hồ chứa tại các cửa hàng. Trong đường dây buôn bán xăng giả của “đại gia” Trịnh Sướng, từ ngày 1/1/2017- 30/6/2019, các đối tượng dùng trên 7.429 tỷ đồng mua gần 675 triệu lít dung môi, hóa chất để sản xuất xăng. Bình quân, mỗi tháng, đường dây này bán ra cho 700 cửa hàng, đại lý ở 32 tỉnh, thành khoảng 6 triệu lít xăng giả; trong đó ở Đắk Nông có khoảng 20 cửa hàng bán xăng giả.

Lực lượng Công an huyện Đắk Song bắt nhóm đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi

Hóa thân con bạc để phá án đánh bạc qua mạng

Với đường dây đánh bạc qua mạng Internet, lực lượng Công an tỉnh lại thể hiện kiến thức, trí tuệ về công nghệ để có thể bắt quả tang tội phạm công nghệ cao. Thủ đoạn ngụy trang của những con bạc chính là dùng các tài khoản để chia nhỏ, phân ra nhiều tầng lớp. Từ tài khoản con đến tài khoản đại lý nhỏ được bảo vệ 10 tầng lớp; còn đến tài khoản tổng được bảo vệ hàng trăm lớp với mức độ càng cao, tính bảo mật cũng rất nghiêm ngặt, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Khi các tài khoản con bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng tổ chức sẽ đồng loạt tự đánh sập các tài khoản nhỏ, đại lý, tài khoản tổng nhằm xóa dấu vết. Mọi giao dịch về tiền bạc đều được các đối tượng nhanh chóng sao lưu, chuyển qua các tài khoản cá nhân dưới mọi hình thức để ngụy trang, gây rất nhiều khó khăn cho điều tra viên tìm đầu mối tổ chức.

Các đối tượng tổ chức đánh bạc còn tinh vi hơn, sau khi thực hiện hành vi cá cược, quá trình thực hiện giao dịch tài chính, chúng thường chuyển hóa bằng hình thức vay nợ. Vì phương tiện thực hiện là điện thoại, nên các địa điểm, thời gian giao dịch cũng không hề cố định, gây trở ngại truy bắt đối tượng. Bởi đối tượng có thể ở địa bàn nơi khác, dùng các tài khoản khác nhau để điều hành đường dây từ xa.

ADQuảng cáo

Để đối phó với những thủ đoạn, phương thức thực hiện tinh vi của các đối tượng, các trinh sát phải dấn thân, trở thành con bạc thực thụ, kết hợp với phương tiện hiện đại nhằm thâm nhập vào đường dây đánh bạc qua mạng. Vì thế, có những chiến sĩ bị gia đình ruồng rẫy, trách móc, thậm chí vợ chồng ly thân, vì tất cả người thân không biết đang thực thi nhiệm vụ. Chỉ sau khi chuyên án kết thúc, mọi chuyện được sáng tỏ, những chiến sĩ làm nhiệm vụ mới đoàn tụ cùng gia đình.

Đại tá Đỗ Trọng Hoãn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự-Công an tỉnh cho hay: Quá trình thực thi nhiệm vụ, vì tính bí mật nên chiến sĩ tuyệt đối không được để lộ thông tin mình đang làm. Do vậy, vợ của một số chiến sĩ cứ tưởng chồng mình bỏ bê công việc, lâm vào nghiệp “đỏ đen” nên lên tận đơn vị nhờ lãnh đạo nhắc nhở, răn đe, giáo dục. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các chiến sĩ, nhất là lực lượng trinh sát bao giờ cũng phải hy sinh bản thân để đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng từ những chuyện “hóa thân” hết sức ly kỳ đó của lực lượng trinh sát mà từ đầu tháng 2/2018 đến cuối tháng 8/2019, Công an tỉnh đã triệt phá thành công đường dây đánh bạc qua mạng Internet, bắt 10 đối tượng cầm đầu sử dụng 132 tài khoản để cá cược, với tổng số tiền lên đến trên 184,5 tỷ đồng.

Nói về những nỗ lực của đơn vị trong việc phá các vụ án nổi bật trong năm 2019, một lãnh đạo Ban Giám đốc Công an tỉnh cho hay: "Là cán bộ, chiến sĩ công an, chúng tôi không thể nhìn người dân bị chết, bỏng do xe cháy vì sử dụng xăng giả, kém chất lượng. Là người được dân trả lương, cán bộ, chiến sĩ công an không thể thờ ơ trước nỗi lo của dân, cam tâm nhìn các đối tượng tội phạm dùng các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, đánh đập, giết người, làm bất ổn an ninh trật tự, phá hoại cuộc sống yên bình của Nhân dân. Do vậy, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực, cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất để triệt phá các băng, nhóm tội phạm, góp phần giúp người dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất”.

Nỗ lực triệt phá tội phạm cho vay lãi nặng

Chuyên án khám phá đối tượng cho vay lãi nặng cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an tỉnh, công an các huyện và thị xã. Quá trình hoạt động cho vay nặng lãi của các nhóm, cá nhân ngày càng tinh vi, phổ biến, mang tính chuyên nghiệp. Để che mắt lực lượng chức năng, chúng thường tổ chức hoạt động dưới hình thức cầm đồ, chơi hụi, các tổ chức “hỗ trợ tài chính”, cho vay trả góp.

Điển hình, vụ Lê Đức Anh (SN 1998), Tạ Đức Quân (SN 1994), Trương Văn Điệp (SN 2003) đều trú tại Hà Nội vào Đắk Nông câu kết với một số đối tượng trên địa bàn để hoạt động “hỗ trợ tài chính”. Trong vòng 25 ngày, nhóm đối tượng cho 8 người dân ở thị xã Gia Nghĩa vay 210 triệu đồng, mức lãi suất 365%/tháng. Với tổng số tiền cho vay, chưa đầy 1 tháng, bọn chúng thu tiền lãi gần 32 triệu đồng.

Hay vụ nhóm đối tượng Vũ Văn Hưởng (SN 1988), Nguyễn Đình Tuấn (SN 1982), Dương Quốc Huy (SN 1998) đều ở Hà Nội vào Đắk Nông thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi do Công an thị xã Gia Nghĩa thụ lý. Tại thời điểm bắt quả tang, cơ quan công an thu giữ 156 giấy vay tiền, 41 sổ hộ khẩu, 39 bộ hồ sơ gồm giấy vay tiền, giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe.

Ở 2 vụ án này đều có điểm chung chính là đối tượng cho vay với lãi suất từ 365%-600%/tháng, nhưng không được thể hiện qua giấy vay mà được cộng vào số tiền vay. Khi người vay không có khả năng trả, các đối tượng thuê “giang hồ” đe dọa, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, cưỡng đoạt tài sản. Đối tượng được thuê đòi nợ đều nghiện ma túy, liều lĩnh, manh động gây phức tạp về an ninh. Điển hình, tại thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp đã xảy ra một số vụ án cố ý giết người, gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật do đối tượng đòi nợ thuê gây ra.

Một khó khăn nữa cho công tác điều tra, người vay thường sử dụng vào mục đích phạm pháp khác như đánh bạc, buôn bán trái phép chất ma túy, hàng lậu. Do đó, họ không hợp tác, khai báo không thành khẩn số tiền vay, lãi suất hàng tháng.

Mặc dù đối tượng cho vay hoạt động tinh vi, người vay không hợp tác, nhưng bằng nghiệp vụ, sự nỗ lực, lực lượng Công an tỉnh, các huyện, thị xã đều điều tra làm rõ, buộc chúng phải thừa nhận hành vi phạm pháp của mình. Trong năm 2019, lực lượng cảnh sát hình sự toàn tỉnh khám phá 6 vụ án do 6 nhóm đối tượng thực hiện cho khoảng 1.000 người vay với lãi suất từ 300% - 900%, gấp hơn 300 lần so với quy định cho phép.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ, chiến sĩ công an không bao giờ thờ ơ trước nỗi lo của dân!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO