Báo chí phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Tường Mạnh| 21/06/2021 10:27

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội”. Quyết định quy định rõ mục đích, tính chất, nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp giám sát và phản biện xã hội.

Theo đó, bên cạnh nghiên cứu văn bản, tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc giám sát còn phải thông qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt trận và các đoàn thể - chính trị có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và cơ quan thông tin đại chúng phổ biến các điển hình tiên tiến, góp phần đẩy mạnh phong trào thi yêu nước.

Các cơ quan báo chí địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội. Thực tế cho thấy, hệ thống báo chí địa phương trong nhiều năm qua đã tham gia khá tích cực vào các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…

Báo chí địa phương mạnh dạn, quyết liệt đổi mới nhằm nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức và ngày càng đến gần hơn với bạn đọc. Báo chí luôn là kênh phản ánh trung thực, kịp thời các vấn đề kinh tế, xã hội đến với lãnh đạo Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng. Cùng với việc phát hiện, phản ánh kịp thời các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, mô hình tốt trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, báo chí cũng kịp thời đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong xã hội; đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Thực tế cho thấy, nhờ có ý kiến phân tích, bình luận của Nhân dân và sự phản ánh đúng lúc, kịp thời, thấu tình, đạt lý của báo chí đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Mặt khác, do biết cách khơi gợi vấn đề, khuyến khích, động viên đông đảo công chúng tham gia ý kiến, các cơ quan báo chí đã mở diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục có tính phản biện cao về các dự án, đề án, văn bản pháp luật..

Tuy nhiên, việc giám sát, phản biện của báo chí địa phương vẫn chưa thật sự mạnh. Ngoài những hạn chế về cơ chế, thì năng lực và bản lĩnh của các nhà báo là một trong những nguyên nhân chính. Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ chính trị không thể thiếu của hoạt động báo chí và là nhu cầu tất yếu của xã hội, góp phần quan trọng xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Vì vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo tham gia giám sát, phản biện cần thể hiện rõ tính Đảng, tính Nhân dân, tính khoa học và tính chiến đấu trong tác phẩm báo chí. Trong đó, thông qua tác phẩm báo chí, các nhà báo phải luôn đề cao trách nhiệm xã hội, nhất là đặt lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Đội ngũ những người làm báo cũng cần phải thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia tích cực vào việc giám sát, phản biện xã hội. Ngoài nâng cao trách nhiệm của các tờ báo, bồi dưỡng “cái tâm, cái tầm” và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp cho những người làm báo, các cơ quan Nhà nước cần phải biết lắng nghe để lĩnh hội những ý kiến phản biện của báo chí.

Giám sát, phản biện xã hội nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước, góp ý với cán bộ, công chức và các cơ quan Nhà nước. Báo chí góp phần định hướng dư luận xã hội. Vì vậy, vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí ngày càng được độc giả quan tâm. Khi thực hiện phản biện xã hội, báo chí cần đưa ra các lập luận, nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một phương án, dự án đã được hình thành và công bố. Chủ thể giám sát, phản biện xã hội phải vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Giám sát và phản biện xã hội qua báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do, dân chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí trở thành kênh thông tin hữu ích, giúp tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO