Kinh tế

Tự sản xuất phân hữu cơ – Đỡ lo phân bón dởm

Phan Thanh Nga 10/11/2024 11:04

Nông dân Đắk Nông đang phát triển phong trào tự sản xuất phân hữu cơ, góp phần hạn chế, ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng.

Hiệu quả ở HTX Bechamp Đắk Nông

HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song thành lập năm 2021 ban đầu có 8 thành viên. Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã định hướng phát triển nông sản hữu cơ.

Ông Hà Công Xã, Giám đốc HTX Bechamp Đắk Nông cho biết, những năm qua, HTX áp dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu tư và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Một trong những sáng kiến đáng chú ý của HTX là áp dụng phương pháp tự ủ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để chăm sóc cây trồng. Phương pháp này giúp nông dân tiết kiệm chi phí, hạn chế sử dụng phân hóa học, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản.

img_0221-1-.jpg
Ông Hà Công Xã (thứ 2 bên phải qua), Giám đốc HTX Bechamp Đắk Nông, hướng dẫn nông dân sử dụng chuối, mật mía, sữa chua và các chất làm phân hữu cơ

3 năm qua, HTX tổ chức được 11 lớp tập huấn kỹ thuật tự sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để chăm sóc cây trồng cho trên 700 lượt nông dân.

Một trong những thành viên có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng nông nghiệp hữu cơ là anh Nguyễn Văn Thủy. Anh Thủy chia sẻ, trước đây chưa bao giờ nghĩ đến việc tự làm phân bón.

Tuy nhiên, khi tham gia HTX, anh đã học được cách tự ủ phân, chế phẩm sinh học từ các phế phẩm nông nghiệp và nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong hiệu quả sản xuất.

Anh hiện đang chăm sóc 3ha cà phê và 700 cây hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh bằng phương pháp hữu cơ với năng suất khá cao. Mỗi năm, anh thu khoảng 8,5 tấn cà phê nhân và 3 tấn hồ tiêu.

img_0255-1-.jpg
Anh Nguyễn Văn Thủy (áo cam), thành viên HTX Bechamp Đắk Nông đã trở thành "chuyên gia" hướng dẫn các nông dân cách ủ phân hữu cơ

HTX Bechamp Đắk Nông không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn chú trọng công tác đào tạo, chia sẻ kỹ thuật với bà con nông dân trong tỉnh.

Các thành viên có kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ sẵn sàng làm "giảng viên", hướng dẫn miễn phí cho các nông dân khác. Việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại vườn giúp bà con dễ dàng tiếp thu và áp dụng vào thực tế.

3 năm qua, HTX trở thành điểm đến học tập về canh tác hữu cơ, kỹ thuật sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh của trên 1.500 lượt nông dân.

Chị Lê Hoàng Yến ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, có 2ha cây ăn trái. Chị rất thích thú khi biết các nguyên liệu để làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có sẵn tại địa phương như quả đu đủ, bơ, chuối, mía, cám gạo, tôm, cua, cá, củ tỏi, gừng…

Các nguyên liệu này đều có tại vườn rẫy của nông dân, tận dụng được. Chị sử dụng thêm sữa chua, các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, cỏ… để ủ làm phân bón sinh học.

Nông dân các địa phương đến HTX Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song học tập cách tự ủ phân hữu cơ
Nông dân các địa phương đến HTX Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song học tập cách tự ủ phân hữu cơ

Hiện nay, HTX có 44 thành viên, trong đó 35 thành viên là nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, còn lại là những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp.

Tổng diện tích sản xuất của thành viên HTX hiện nay là 120ha gồm cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái. Trong đó, HTX có trên 18,2ha cà phê đã đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam và 70ha cà phê đang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Hà Công Xã, Giám đốc HTX Bechamp Đắk Nông, thành viên của HTX tự ủ phân bón, thuốc sinh học bón cho cây trồng có thể giảm chi phí từ 10 - 20 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.

Hạn chế, ngăn chặn phân bón kém chất lượng

Nhiều năm nay, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ bằng cách tự sản xuất phân bón để chăm sóc cây trồng.

Anh Phan Hoàng Lâm ở xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức cho biết, sau khi được học tập, anh tự sản xuất phân bón hữu cơ chăm sóc 10ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái.

3 năm qua, anh sử dụng phân bón tự ủ, cà phê vẫn đạt năng suất ổn định từ 3,5-4 tấn/ha; hồ tiêu đạt 3-4kg/cây. Gia đình sinh sống trong vườn rẫy nhưng môi trường sống vẫn trong lành.

img_0055(1).jpg
Từ năm 2016, ông Đặng Tấn Huynh, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp đã tận dụng các phế phẩm nông nghiệp ủ làm phân hữu cơ chăm sóc hồ tiêu

Ông Đặng Tấn Huynh, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp chia sẻ: “Tôi nhận thấy việc lạm dụng phân bón hóa học ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hồ tiêu. Vì thế, từ năm 2016, tôi cùng các nông dân trong vùng chọn kỹ thuật sản xuất hồ tiêu hữu cơ và thành lập HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận”.

Nông dân Nhân Cơ tận dụng phân chuồng từ chăn nuôi dê, bò, heo, bã đậu phộng, chuối, vỏ cà phê và tưới nấm trichoderma sau khi đã hoạt hóa... làm phân hữu cơ.

Sau khoảng 6 tháng, các hộ dân chăm sóc hơn 100ha hồ tiêu, năng suất đạt từ 3-4 tấn/ha/năm. Hiện nay, sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang châu Âu.

img_0102(1).jpg
Thành viên HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp sử dụng phân tự ủ bón cho hồ tiêu

Nhiều hộ dân khác cũng đã chọn phương pháp tự sản xuất phân hữu cơ. Chị Trương Thị Hạnh, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Tôi tự học hỏi kỹ thuật ủ phân bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu để tự sản xuất phân hữu cơ chăm sóc cây trồng, giúp giảm chi phí, hiệu quả cho cây trồng vừa bảo vệ môi trường”.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông cho biết, phân hữu cơ là thành phần không thể thiếu và rất cần thiết cho canh tác nông nghiệp hiện nay.

Từ ngày xưa, khi khoa học chưa phát triển, người dân đã cắt cỏ, ủ phân chuồng, rắc vôi… làm phân bón. Phân hữu cơ làm cho đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Đất khỏe thì cây ít sâu bệnh, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây trồng.

img_1544(1).jpg
Nông dân Đắk Nông đào hố giữa vườn để ủ phân bón hữu cơ chăm sóc cho cây trồng

Nếu nông dân lạm dụng phân bón hóa học sẽ làm cho đất trơ, chua, cằn cỗi, dẫn đến cây khó hấp thụ dinh dưỡng. Vi sinh vật trong đất sống được nhờ phân bón hữu cơ.

Những năm trước đây, hồ tiêu, cà phê, nông sản khác giá xuống thấp. Nhiều nông dân đầu tư phân bón hóa học thì không đủ tiền nên tăng cường sản xuất phân hữu cơ để chăm sóc cây trồng.

img_0293(1).jpg
Vườn hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX Bechamp Đắk Nông

“Từ năm 2006, chúng tôi đã hướng dẫn nông dân ở huyện Đắk Song và huyện Đắk R’lấp ứng dụng xử lý trichoderma để ủ vỏ cà phê, xác bã trong nông nghiệp làm phân hữu cơ. Sau này, bà con sử dụng phân hóa học nhiều làm cho đất chết. Khi nhìn nhận lại những bất cập thì nông dân bắt đầu chú trọng tự sản xuất phân hữu cơ”, ông Gấm cho hay.

O HO GAM MT

Cũng theo ông Gấm, nhiều nông dân ở Đắk Nông tự làm phân hữu cơ để chăm sóc cây trồng, tạo thành phong trào, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Đây là bước tiến quan trọng của ngành Nông nghiệp.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tự sản xuất phân hữu cơ – Đỡ lo phân bón dởm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO