Mỗi năm Đắk Nông cần khoảng 2,6 triệu tấn phân bón
Đắk Nông có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn và hàng năm nông dân cần số lượng lớn phân bón các loại để chăm sóc cây trồng.
Diện tích sản xuất lớn
Những năm qua, nông nghiệp luôn đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm trên 39% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Năm 2023, tổng diện tích phát triển các loại cây trồng của tỉnh gần 321.000ha, gồm cây hàng năm là gần 83.000ha, cây lâu năm gần 238.000ha.
Một số loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh hiện ở mức cao so với cả nước. Điển hình như đối với cà phê, Đắk Nông có trên 142.000ha, chiếm hơn 35% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích, sản lượng cà phê của tỉnh đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên sau Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Đối với cây hồ tiêu, Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích, đứng thứ 2 về sản lượng, sau tỉnh Đắk Lắk. Hồ tiêu đang ở mức 34.000ha, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm.
Diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, diện tích cây công nghiệp dài ngày lớn, người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây trồng nên hàng năm nhu cầu phân bón của người dân Đắk Nông ở mức cao.
Vài năm gần đây, khi giá cả nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... tăng cao, người dân càng mạnh dạn đầu tư phân bón. Loại vật tư này đã tiêu tốn của người dân Đắk Nông số lượng lớn chi phí đầu vào.
Gia đình anh Phan Đức Phúc, thôn 3, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song có 2ha cà phê, hồ tiêu giai đoạn kinh doanh. Quá trình sản xuất, anh cho rằng, chi phí phân bón hàng năm là lớn nhất, chiếm khoảng 80% tổng chi phí đầu vào.
Cụ thể, hàng năm, anh bón khoảng 1 - 2 tấn phân NPK, 4 - 5 tấn phân vi sinh, với tổng chi phí khoảng 70 - 100 triệu đồng. Đây là khoản đầu tư không thể bỏ qua để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Một số biện pháp kỹ thuật chính được anh áp dụng trong bón phân như cân đối giữa phân hóa học, sinh học; bón kết hợp phân chuồng ủ hoai mục.
Hàng năm, vườn cây của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh hại, cho năng suất khá, trung bình đạt 6 tấn đối với cả 2 sản phẩm cà phê và hồ tiêu. Toàn bộ sản phẩm được anh bán cho doanh nghiệp với mức giá ổn định.
Nhu cầu phân bón nhiều
Đắk Song là một trong những địa bàn có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh Đắk Nông. Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, địa phương có gần 55.000ha đất sản xuất nông nghiệp.
Khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện rất thuận lợi với nhiều loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, cây trồng ngắn ngày.
Quy mô sản xuất lớn thì nhu cầu về phân bón của người dân cũng rất lớn. Nhu cầu lớn nên trên địa bàn có nhiều cơ sở, đại lý, doanh nghiệp kinh doanh phân bón.
Cụ thể, toàn huyện Đắk Song hiện có 110 đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón, trong đó tập trung ở một số xã như Nâm N’Jang, Trường Xuân, Nam Bình, Thuận Hạnh...
Thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Nông, trung bình mỗi năm, người dân toàn tỉnh sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại. Điều này đồng nghĩa hàng năm nhà nông phải bỏ ra số lượng rất lớn về chi phí phân bón để chăm sóc cây trồng.
Đắk Nông hiện có 449 cơ sở kinh doanh phân bón. Nhìn chung việc cung ứng phân bón cho nhu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh phụ thuộc hầu hết vào bên ngoài.
Hầu hết lượng phân bón hàng năm phục vụ sản xuất ở Đắk Nông đều nhập từ các tỉnh, thành phố khác về. Điều này làm tăng giá thành, thiếu hụt nguồn cung, nhất là vào những thời điểm nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao.
Những năm qua, UBND tỉnh đang có chủ trương kêu gọi các tập đoàn, công ty lớn đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón, vật tư trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay tỉnh đã thu hút được Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang - Đắk Nông. Nhà máy có công suất 200.000 tấn phân bón/năm. Ngoài ra, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đang nghiên cứu, khảo sát để đầu tư sản xuất phân bón tại Đắk Nông.
Chi phí đầu tư cho phân bón hàng năm là rất lớn, đòi hỏi người nông dân phải cân nhắc, thận trọng để lựa chọn chủng loại, số lượng, chất lượng phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Điều này cũng yêu cầu sự quân tâm lớn của chính quyền các cấp, ngành chức năng nhằm bảo đảm chất lượng phân bón, hạn chế đến mức thấp nhất việc tồn tại phân bón giả, kém chất lượng.
Chất lượng phân bón tốt là cơ sở vững chắc để tạo tiền đề cho tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh một cách bền vững. Phân bón tốt góp phần gia tăng chất lượng môi trường, đất, nước, đáp ứng các tiêu chí của nông sản an toàn, vệ sinh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đánh giá, mức độ sử dụng phân bón của nhiều hộ dân vẫn còn cao so với mức trung bình của thế giới, tâm lý lạm dụng phân bón còn khá phổ biến.
Tổng diện tích cây trồng của Đắk Nông gần 321.000ha, gồm cây hàng năm gần 83.000ha, cây lâu năm gần 238.000ha. Tỉnh cần khoảng 2,6 triệu tấn phân bón cho diện tích cây trồng.