Kinh tế

Lập lờ đánh lận con đen trong kinh doanh phân bón

Lê Dung 10/11/2024 08:33

Nhiều mánh lới kinh doanh phân bón kém chất lượng được một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng để trục lợi, gây tổn thất trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều mánh lới

Thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng cho thấy, những hành vi vi phạm chủ yếu của các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng là về điều kiện kinh doanh, nhãn mác của hàng hóa ghi thông tin không đúng theo quy định…

z6003900046048_4c78b4fa66dbd652407c0b247abc8c0e(1).jpg
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng của Đắk Nông phát hiện nhiều sản phẩm phân bón không phù hợp với quy chuẩn

Đối với chất lượng phân bón, lực lượng chức năng phát hiện, một số sản phẩm sau khi lấy mẫu, phân tích có hàm lượng chất chính đạt dưới 70%. Những mẫu phân bón này được kết luận là hàng giả. Tuy nhiên, số lượng này không lớn.

Phần lớn sản phẩm phân bón được phát hiện là hàng không phù hợp với quy chuẩn hay còn gọi là kém chất lượng, vì có hàm lượng chất chính trên 70%. Những trường hợp này theo quy định bị xử lý vi phạm hành chính.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Nông kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại các cơ sở kinh doanh phân bón
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Nông kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại các cơ sở kinh doanh phân bón

Ông Trương Văn Nhương, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389/ĐP tỉnh Đắk Nông thông tin, các đối tượng làm ăn không lành mạnh thường sử dụng hình thức bao bì bên ngoài giống như các sản phẩm phân bón thông thường.

Tuy nhiên, bên trong lại trà trộn chất lượng không bảo đảm, không phù hợp với công bố hàm lượng chất chính trên bao bì sản phẩm.

Nhiều trường hợp còn thay đổi, làm giả nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, để đánh lừa người tiêu dùng. Ví dụ như một số đối tượng nhập sản phẩm phân bón kém chất lượng của Trung Quốc, nhưng về đóng lại và ghi trên bao bì là phân bón của Nga, Philippines…

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra về mặt hàng phân bón trên địa bàn và phát hiện nhiều hành vi vi phạm.

Info dien tu-phan kem chat luong
Đồ họa: Việt Dũng

Trong đó, Cục Quản lý thị trường Đắk Nông đã thực hiện kiểm tra và xử lý 36 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng.

BCĐ 389/ĐP tỉnh đã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra về điều kiện kinh doanh, các điều kiện quy định về lưu thông hàng hóa trên thị trường và lấy 12 mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng.

Kết quả, có 10/12 mẫu phân bón bảo đảm chất lượng về quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; 1 mẫu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và 1 mẫu có chất lượng giả về giá trị công dụng, sử dụng.

z6003894739467_357fc8d7b8e4422534d84d88dfea3dbc(1).jpg
Lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy số lượng phân bón giả

Tổng số tiền đã xử phạt vi phạm hành chính là gần 58 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 2,5 tấn phân bón giả…

Trước đó, Sở NN- PTNT đã thực hiện thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Đồng thời, tiến hành lấy ngẫu nhiên 15 mẫu phân bón, tập trung vào những mặt hàng phân bón mới trên thị trường, phân bón lá, phân bón trung vi lượng.

Kết quả phân tích cho thấy 4/15 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã được công bố (bao gồm: 3 mẫu phân bón kém chất lượng; 1 mẫu phân bón giả).

Ứng phó thế nào?

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông Trương Văn Nhương cho hay, hiện nay, việc phát hiện ra những mánh lới trong kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang gặp nhiều khó khăn.

Bà con nên mua những sản phẩm phân bón ở những cơ sở kinh doanh có uy tín và phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ
Việc phát hiện ra những mánh lới trong kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang gặp nhiều khó khăn

Theo ông Nhương, để biết được sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng hay không thì phải qua một khâu trung gian là thử nghiệm, qua cơ quan có chuyên môn để phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm. Thời gian từ lúc lấy mẫu đến khi gửi đi phân tích và có kết quả mất khá nhiều thời gian.

Thông thường, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phải lấy nhiều mẫu trong nhiều đợt. Sau đó, tổng hợp lại gửi một lần về trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa ở TP. Hồ Chí Minh để kiểm định.

Từ khi gửi đơn vị có thẩm quyền thử nghiệm, xác định hàm lượng, chất lượng của các thành phần chất chính trên được công bố thường mất 10-15 ngày.

O

“Khi có kết quả rồi, có khi sản phẩm đó đã bị bán hết. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định nào về việc khi lấy mẫu buộc phải tạm dừng lưu thông sản phẩm hàng hóa đó. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có một thiết bị để thực hiện test nhanh, cho kết quả ngay, để xác định là có dấu hiệu vi phạm”, ông Nhương cho hay.

Vì vậy, đồng hành cùng với ngành chức năng, đơn vị khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng. Bà con nên mua những sản phẩm phân bón ở những cơ sở kinh doanh có uy tín và phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.

Quá trình mua phân bón, bà con chú ý trên bao bì sản phẩm phải có thông tin đầy đủ. Ví dụ như: về nguồn gốc, xuất xứ, hàm lượng chất chính của sản phẩm, quyết định công bố lưu hành, dấu hợp quy của sản phẩm, hạn sử dụng sản phẩm…

z6005426596300_98cafab64ec79791a03e15486b175068(1).jpg
Khi mua sản phẩm phân bón, người dân cần chú ý trên bao bì phải có thông tin đầy đủ

Bà con cũng lưu ý sau khi sử dụng nên lưu giữ lại bao bì của sản phẩm phân bón đang dùng. Đây chính là cơ sở, căn cứ để các cơ quan chức năng đối chiếu, xử lý những trường hợp phát sinh ngoài mong muốn theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, BCĐ 389 của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền. Đặc biệt hàng năm, ngoài tuyên truyền trực tiếp, đơn vị còn dán pano, áp phích, thông tin số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở kinh doanh.

Do đó, tất cả mọi thông tin phản ánh khi có dấu hiệu của vấn nạn kinh doanh phân giả, kém chất lượng, người dân, doanh nghiệp có thể thông tin cho Cục Quản lý thị trường- Cơ quan Thường trực BCĐ 389 của tỉnh để nắm bắt, xử lý kịp thời theo quy định.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lập lờ đánh lận con đen trong kinh doanh phân bón
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO