Nghị quyết và cuộc sống

Trưởng bon K’War đi vận động giảm nghèo

Trọng Nghĩa 12/08/2024 13:29

“Mong muốn của tôi là bà con đồng bào của mình phải thoát nghèo bền vững, cuộc sống hôm nay phải hơn hôm qua, chứ không thể nghèo mãi được”, anh K’War, Trưởng bon B’Dơng cho biết.

Nghèo trong tư tưởng là câu chuyện tồn tại nhiều năm nay ở bon B’Dơng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Làm thế nào để xóa nghèo tư tưởng thành công không phải chuyện của ngày một ngày hai.

Dù mới “vác tù và hàng tổng” gần 4 năm, nhưng anh K’War, Trưởng bon D’Dơng đã từng ngày giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ của bon thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm về công tác giảm nghèo.

Nhờ Trưởng bon mà mình đã thoát nghèo

Giữa cơn mưa không dứt của những ngày giữa tháng 7, anh K’War dẫn chúng tôi đến nhà chị H’Gung, một hộ mới thoát nghèo từ cuối năm 2022, thoát cận nghèo cuối năm 2023.

dsc05299.jpg
Anh K'War, Trưởng bon B’Dơng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong không kể mưa hay gió, ngày hay đêm thường xuyên đến từng hộ nghèo, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ để tuyên truyền, vận động chăm lo làm ăn,

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà phê xanh mướt, trĩu quả, những cây sầu riêng mới thu hoạch xong và những cây non đang chuẩn bị trồng, chị H’Gung không thể quên những tháng, năm nhà nghèo.

Vốn là một trong những hộ nghèo của xã nhiều năm, nguyên nhân một phần do đất đai ít, phần thiếu kiến thức kỹ thuật nên cây trồng năng suất thấp, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nhiều buổi họp bon, chị được tuyên truyền áp dụng những kỹ thuật để cây trồng phát triển khỏe mạnh, hiệu quả kinh tế cao nhưng vận dụng không đúng nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

Cuối năm 2020, anh K’War được bầu làm Trưởng bon. Nhận nhiệm vụ, điều anh K’War trăn trở nhất đó là số hộ nghèo của bon khá cao, chủ yếu là người dân tộc Mạ của mình, phải làm gì để giúp bà con chiến thắng cái nghèo cố hữu nhiều năm. Từ đó, anh dành phần nhiều thời gian đến từng hộ nghèo trong bon tìm hiểu nguyên nhân vì sao bà con nghèo, trong đó có gia đình chị H’Gung.

“Anh K’War hỏi tôi gặp khó khăn gì trong trồng trọt thì cứ mạnh dạn nói. Nếu cái gì biết thì K’War chỉ luôn, còn không thì K’War sẽ lên mạng tìm hiểu, nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn. Tôi cũng kể cho anh K’War nghe về cà phê ít trái, sâu bệnh, rụng trái nhiều... Từ đó, anh K’War tận tình hướng dẫn cho tôi cách chọn lựa phân bón phù hợp, cắt tỉa cành, tưới nước đúng thời điểm. Anh K’War động viên mình mạnh dạn bỏ cây cũ, kém chất lượng, đưa giống cây mới vào trồng...” chị H’Gung nhớ lại.

dsc05429.jpg
Với những kinh nghiệm từ thực tiễn gia đình và học hỏi qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh K'War đã tận tình hướng dẫn, từng bước giúp chị H'Gung nâng cao năng suất cây trồng, thoát khỏi diện hộ nghèo

Gia đình chị H’Gung hiện có 3ha cà phê xen sầu riêng. Năm 2022, nhờ anh K’War trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, gia đình chị H’Gung đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 2022, chị H’Gung thoát khỏi hộ nghèo, đến cuối năm 2023, thoát cận nghèo.

“Từ thực tế mình trải qua, tôi luôn nói con, cháu muốn thoát nghèo thì phải học hỏi, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, siêng năng, chăm chỉ. Nếu cứ ỷ lại, trông mưa để nghỉ, trông tối để ngủ thì chỉ có nghèo. Anh K’War chính là người đã giúp tôi nhìn ra được nguyên nhân và thoát nghèo như bây giờ”, chị H’Gung đúc rút kinh nghiệm.

Thay đổi tư duy là điều không dễ dàng

4 năm làm Trưởng bon, anh K’War không đếm xuể số lần mình trực tiếp đến từng gia đình trong bon, nhất là hộ nghèo để cùng bà con tìm cách thoát nghèo. Bởi một số bà con DTTS tại chỗ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu hiểu biết nên chỉ muốn làm hộ nghèo để được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi. Do đó, việc vận động bà con thay đổi nhận thức về xóa nghèo là điều không hề dễ dàng.

kwa.png

Từ thực tế này, anh K’War thay đổi cách vận động, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, không tính số lần mà đến khi nào bà con hiểu và muốn thoát nghèo mới thôi.

“Trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện với bà con, tôi mới biết bà con cần, mong muốn gì để chia sẻ, trao đổi. Từ đó, tôi phân tích cho bà con thấy được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và mọi sự hỗ trợ chỉ là trước mắt, còn về lâu về dài phải nỗ lực của chính mỗi người. Việc thay đổi tư duy, nhận thức đã tồn tại từ lâu là điều không hề dễ dàng nên tôi cố gắng giúp bà con thay đổi từ từ”, anh K’War cho hay.

Cuối năm 2020, bon B’Dơng còn 100 hộ nghèo, chủ yếu đồng bào DTTS. Đến nay, qua tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi tư duy, nhận thức và được chính quyền hỗ trợ sinh kế, bon đã có 70 hộ thoát nghèo, còn 30 hộ nghèo. Riêng năm 2023, trong số 15 hộ thoát nghèo thì có tới 13 hộ là đồng bào DTTS tại chỗ.

Đây là động lực để anh K’War tiếp tục “vác tù và” vận động, tuyên truyền thay đổi nhận thức cho bà con trong phát triển kinh tế, thoát nghèo.

“Tôi thường nói với bà con, tránh xa các tệ nạn xã hội, rượu chè, vui chơi không lành mạnh. Bởi nếu chìm sâu vào mấy tệ nạn này, lâu dần đầu óc mình không còn tỉnh táo, mắc bệnh lười. Mà đã lười thì chỉ nghĩ đến chơi, đâu còn nghĩ đến lao động nữa. Mà đời cha mẹ nghèo thì con cái cũng sẽ nghèo. Chưa kể, không làm nhưng vẫn ăn, vẫn chơi thì có khi vướng vào nợ nần, đất đai bán hết thì lại vay mượn... Điều này sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn nghèo bền vững”, anh K’War cho hay.

dsc05679.jpg
Anh K'War (bên phải) luôn sắp xếp thời gian hợp lý để vừa làm tốt việc nhà, vừa làm tốt nhiệm vụ của người làm công tác vận động

Cũng theo anh K’War, để bà con thay đổi tư duy, nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững thì cần nói thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi và không thể nóng vội. Hơn nữa, người đi tuyên truyền phải nắm vững được các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Không nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì nói bà con sẽ không nghe, không tin rồi chỉ xin được làm hộ nghèo mãi. Mỗi khi tuyên truyền, phải lấy người thật, việc thật để chứng minh thì bà con mới đồng thuận.

"Bon B’Dơng còn nhiều hộ nghèo, do đó, ai có ý thức, quyết tâm thoát nghèo cao thì bon sẽ họp thống nhất ưu tiên trước, hộ nào chưa thông thì để lại sau. Quyền lợi nhưng đi kèm đó là trách nhiệm thì bà con mới nỗ lực cố gắng, không ỷ lại, trông chờ”, anh K’War bật mí.

dsc05370.jpg
Năm nay, sầu riêng của gia đình chị H'Gung đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Thành quả này một phần nhờ sự hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc của anh K'War

Ông Hoàng Đức Tám, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk Som đánh giá, anh K’War là cán bộ bon nhiệt tình, trách nhiệm, uy tín. Mặc dù gia đình có người thân đau bệnh nhưng anh K’War luôn dành thời gian "Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền giúp bà con hiểu được sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với mình, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ. Từ đó, bà con tích cực hơn trong lao động, biết áp dụng cái mới vào sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo huyện Đắk Glong còn 13,44% (giảm 25,71%) so với năm 2021; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 22,24% (giảm 41,43%) so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 36,4 triệu đồng năm 2021 lên 43,2 triệu đồng năm 2023.

Ông Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong

Kỳ 3: Khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo

    Nổi bật

        Mới nhất
        Trưởng bon K’War đi vận động giảm nghèo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO