Chuyện thoát nghèo của chị H’Chê
Từ một hộ nghèo, chị H’Chê, bon Yôk R’ling, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô đã nỗ lực vươn lên trở thành hộ khá giàu của bon nhờ việc thay đổi nhận thức, tư duy trong làm ăn.
Hành trình thu quả ngọt
Qua giới thiệu của địa phương, chúng tôi tìm gặp chị H'Chê để tìm hiểu về quá trình thoát nghèo và làm giàu của vợ chồng DTTS M’nông này.
Tiếp chúng tôi, ban đầu, chị H’Chê còn rụt rè, e ngại. Bởi chị cho rằng, quả ngọt gia đình đạt được còn khiêm tốn, kém xa so với nhiều hộ gia đình khác. Thế nhưng qua tiếp xúc, trò chuyện thân tình, chị dần mở lòng và kể cho chúng tôi về quá trình vượt qua những khó khăn, thất bại ban đầu để có cuộc sống khấm khá như hiện nay.
Chị H’Chê nhớ lại, ngày xưa, gia đình khó khăn lắm. Vợ chồng chỉ có 4 sào rẫy trồng cà phê, vậy mà mua phải phân bón kém chất lượng nên thu không bù nổi chi. Chưa kể, cuối năm, chị thu được mấy tạ cà phê nhân mang ra đại lý bán còn bị trừ lên trừ xuống, lúc thì không đủ độ, lúc thì nhân đen rồi bụi bẩn.
Những lúc như vậy, chị tủi thân, bật khóc. Suy đi, nghĩ lại, chị hiểu rằng khóc cũng không ai cho, giúp được mình, nên vợ chồng động viên nhau tìm mọi cách để vực dậy.
Chị H’Chê cho biết: “Nhiều người bảo tôi, cà phê không năng suất do phân bón, chứ có phải mình không biết chăm sóc đâu. Nhưng tôi không nghĩ vậy, mua trúng phân bón kém chất lượng một phần do mình tìm hiểu chưa kỹ, chưa đến nơi đến chốn. Do đó, không thể lấy cớ vì phân bón kém mà phó mặc đến đâu hay đến đấy. Ngược lại, mình phải lấy thất bại lần này làm bài học để rút kinh nghiệm. Cứ như vậy, vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng học hỏi từ những bà con khác, tìm hiểu kỹ các loại phân bón, địa chỉ buôn bán tin cậy để từng bước phục hồi lại cây trồng”.
Trong một lần đến đại lý vật tư nông nghiệp của chị Nguyễn Thị Hằng, bon Dru, thị trấn Đắk Mâm để mua phân bón, nhận thấy chị H’Chê ánh mắt lo lắng, chị Hằng lân la hỏi chuyện.
Nghe chị H’Chê kể chuyện, chị Hằng thương, bán nợ đến mùa trả và cam kết nếu phân bón làm cây trồng chết, không hiệu quả chị sẽ đền bù. “Khi tiếp xúc, trò chuyện, nhận thấy H’Chê là cô gái có nghị lực, quyết tâm nên tôi động viên, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón. Sau một thời gian, chị H’Chê cho biết vườn cà phê phục hồi rất tốt, mang lại hiệu quả và trả tiền phân bón đúng hạn, tôi cũng mừng”, chị Hằng nhớ lại.
Còn theo chị H’Chê thì nhìn cách chị Hằng làm kinh tế, chị nhắc nhủ bản thân phải tự mình chiến thắng cái nghèo, vươn lên làm giàu. "Tôi coi việc gặp được chị Hằng là hữu duyên giúp mình thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ấp ủ quyết tâm làm giàu” chị H’Chê cho hay.
Nhìn xuống mình hơn nhiều người
Được sự hậu thuẫn, định hướng của chị Hằng, chị H’Chê đã đi đến một số địa phương trong và ngoài tỉnh để tham quan, học tập, mở mang đầu óc và tích lũy kinh nghiệm trong làm ăn, phát triển kinh tế.
Với ý chí quyết tâm thoát nghèo, thay đổi cuộc sống mãnh liệt, ngoài việc chăm chỉ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng nên năng suất, chất lượng tăng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, sinh hoạt, chị H'Chê tiết kiệm để mỗi khi có ai bán rẫy gần rẫy gia đình, chị mua thêm để mở rộng diện tích.
Cứ như vậy, từ 4 sào đất ban đầu, đến năm 2018, gia đình chị H’Chê đã mở rộng lên 6ha đất trồng cà phê. Bên cạnh đó, chị H’Chê từng bước làm quen với việc buôn bán phân bón, thu mua cà phê, mở tiệm xay xát lúa...phục vụ bà con trong vùng.
“Một số bà con DTTS có tư tưởng ỷ lại, không chịu khó lao động. Vì vậy, mình muốn chứng minh cho bà con thấy, chỉ có tự lực vươn lên, không ỷ lại vào bất cứ sự giúp đỡ nào thì mới bền vững, lâu dài. Mình luôn suy nghĩ, làm kinh tế thì phải mạnh dạn, đôi khi phải “liều”. Lúc nào mình cũng phải suy nghĩ, đặt cho mình mục tiêu năm sau sẽ tốt hơn năm trước để cố gắng”, chị H’Chê tâm niệm.
Sau nhiều năm cố gắng, hiện nay, gia đình chị H’Chê không chỉ biết trồng, chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật, năng suất cao mà còn buôn bán tăng thu nhập. Chị H’Chê còn thực hiện lời hứa với chị Hằng và những người luôn đồng hành, giúp đỡ trong lúc khó khăn là giúp đỡ lại người khó khăn hơn.
Với bà con nghèo, chị H’Chê tặng quà, hỗ trợ kinh nghiệm làm ăn, bán phân bón giá thấp hơn. Hộ khá hơn, chị H’Chê lấy lãi suất thấp. “Nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống thì mình lại hơn rất nhiều người. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thường xuyên động viên bà con DTTS trong bon phải có quyết tâm giảm nghèo từ trong chính suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình. Hôm nay, ai cho mình một đồng thì ngày sau mình phải làm nó ra gấp đôi, gấp nhiều lần, chứ không phải cho hôm nay ngày mai sẽ hết”, chị H’Chê cho hay.
Đến nay, cuộc sống khá giả, đất đai chia bớt cho con một phần, nhưng chị H’Chê không vì vậy mà nghỉ ngơi, thỏa mãn, bằng lòng với chính mình.
“Tôi muốn mình phải là tấm gương cho con cái trong gia đình học tập. Qua việc mình làm, cách mình nhìn nhận vấn đề, các con sẽ hiểu có làm thì mới có ăn. Giàu hay nghèo đều do bản thân mình quyết định”, chị H’Chê chia sẻ.
Không chỉ thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, chị H’Chê còn truyền cảm hứng tích cực, cổ vũ tinh thần to lớn đối với bà con bon Yôk R’ling trong lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững. “Noi theo gương chị H’Chê, các hội viên phụ nữ trong bon thay đổi tư duy trong lao động, phát triển kinh tế. Nhà này chỉ bảo, động viên nhà kia để cùng thoát nghèo, làm giàu. Đến nay, chi hội có trên 100 hội viên thì chỉ còn 2 hội viên nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có 1 hộ là đồng bào DTTS tại chỗ”, bà Nguyễn Thị Liệu, Chi hội trưởng Phụ nữ bon Yôk R’ling thông tin.
Theo Huyện ủy Krông Nô, thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào DTTS tại chỗ.
Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hộ nghèo, đồng bào DTTS được huyện chú trọng, bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Qua đó, người dân nói chung, đồng bào DTTS tại chỗ nói riêng từng bước có sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, có ý chí quyết tâm thoát nghèo. Vì vậy, hộ nghèo là DTTS tại chỗ của huyện giảm qua các năm. Năm 2021, toàn huyện còn 455 hộ, đến năm 2022 còn 298 hộ và năm 2023 còn 264 hộ.
Kỳ 2: Trưởng bon K’War đi vận động giảm nghèo