Khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo
Mặc dù, kết quả giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ của Đắk Nông khá ấn tượng nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Bên cạnh hỗ trợ sinh kế thì việc cần làm nhất hiện nay là khơi dậy ý thức thoát nghèo từ trong tư tưởng của bà con.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ còn cao
Theo kết quả phê duyệt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh, Đắk Nông hiện còn 8.838 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,18%); trong đó, hộ nghèo DTTS chung là 6.419 hộ, DTTS tại chỗ 2.678 hộ. Đặc biệt, năm 2023, việc giảm nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh rất ấn tượng, đạt 8,1% (vượt 3,1% so với kế hoạch).
Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn thì công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ vẫn còn rất gian nan. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS tại chỗ chiếm 16,42%, cao hơn hộ nghèo chung toàn tỉnh trên 3 lần (5,18%) và cao hơn tỷ lệ hộ nghèo DTTS chung (13,24%). Hộ nghèo DTTS tại chỗ tập trung nhiều ở huyện Tuy Đức 1.023 hộ, Đắk Glong 791 hộ, Krông Nô 264 hộ, Đắk Mil 181 hộ, Đắk Song 164 hộ, Cư Jút 109 hộ, Đắk R’lấp 101 hộ, TP. Gia Nghĩa 45 hộ. Nhiều thôn, bon, buôn vẫn còn trên 50%, cá biệt trên 60%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo trong vùng DTTS tại chỗ hàng năm còn cao (bình quân mỗi năm có khoảng 1/4 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới) so với tổng số hộ thoát nghèo.
Nguyên nhân được xác định là do công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về giảm nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ chưa thường xuyên, sâu rộng. Một số địa phương mặc dù đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, nhưng chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa linh hoạt nên chuyển biến nhận thức trong một bộ phận Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ về công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng chưa cao.
Một bộ phận đồng bào DTTS tại chỗ còn thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Các chính sách, chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ hộ nghèo tuy được triển khai nhiều, có mục tiêu cụ thể nhưng việc tham gia của một số hộ nghèo chưa thực sự tích cực, gây khó khăn trong công tác giảm nghèo.
Giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ chính người dân
Theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐTB - XH, dự báo trong những năm tới, hộ nghèo DTTS tại chỗ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với tổng số hộ nghèo chung của tỉnh. Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở các “lõi nghèo” là vùng sâu, xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như huyện Tuy Đức, Đắk Glong...
Để hoàn thành các mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong đồng bào DTTS tại chỗ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, việc cần làm là nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy.
Theo đó, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, khơi dậy ý chí thoát nghèo, chủ động phấn đấu vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
“Việc phát huy vai trò của người có uy tín, cốt cán ở cơ sở, già làng, trưởng bon nhằm thay đổi tư duy sản xuất, tập quán sinh hoạt để tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng phải được chú trọng hơn”, ông Nam cho biết.
Trước thực trạng một số hộ đồng bào DTTS tại chỗ còn tư tưởng ỷ lại, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo thì giải pháp căn cơ nhất là tuyên truyền, vận động để khơi dậy được ý thức thoát nghèo trong đồng bào DTTS nói chung, DTTS tại chỗ nói riêng.
Theo ông Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, điều căn cơ nhất là phải thay đổi được tư duy cho bà con DTTS tại chỗ. Mỗi hộ nghèo phải quyết tâm thoát nghèo ngay từ trong nhận thức, tư tưởng. Nhà nước hỗ trợ sinh kế, nhưng trong suy nghĩ, tư tưởng của bà con đều mặc định và xin được hộ nghèo thì vô hình chung câu chuyện thoát nghèo khó mà thực hiện được.
“Mọi sự giúp đỡ chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ, thoát được nghèo hay không phải dựa vào nội lực của chính người dân. Nếu có hỗ trợ, nguồn lực nhưng bản thân hộ nghèo không muốn thoát nghèo thì rất khó. Do đó, các cấp, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội phải đẩy mạnh vận động, tuyên truyền hơn nữa để từng bước nâng cao ý thức giảm nghèo, thoát nghèo cho đoàn viên, hội viên, Nhân dân”, ông Điểu Xuân Hùng cho hay.
Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Vũ Tiến Lư cho rằng, giảm nghèo là một quá trình diễn ra trên nhiều nội dung, trong đó tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức hết sức quan trọng. Nghèo sinh kế không nguy hiểm bằng nghèo kiến thức, nên công tác giảm nghèo phải bắt đầu từ chính ý thức của người dân, nhất là con em đồng bào DTTS tại chỗ.
Hiện nay, huyện Đắk Glong mở rộng đối tượng tuyên truyền, ngoài đoàn viên, hội viên, Nhân dân còn tập trung vào đối tượng học sinh. Đối với học sinh cấp THCS, THPT các trường thường xuyên tuyên truyền, định hướng để các em thấy tầm quan trọng của việc học để có kiến thức, nghề nghiệp... tự lo cho cuộc sống của mình.
“Chúng tôi chỉ đạo các trường học tập trung tuyên truyền để học sinh DTTS tại chỗ hiểu được nguyên nhân của nghèo phần lớn là từ ý thức của con người. Bởi ý thức quyết định hành vi, khi nhận thức đúng thì mới có ý chí, quyết tâm để thoát nghèo bền vững bằng mọi cách đúng đắn, phù hợp. Phải uốn từ “mầm” cho đến khi thành “cây”, chứ thành “cây” mới bắt đầu uốn nắn thì rất khó mà thay đổi. Huyện tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường trong công tác giảm nghèo”, ông Vũ Tiến Lư cho hay.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh đến việc phải thay đổi nhận thức, tư tưởng, cách nghĩ, cách làm cho bà con, nhất là trong đồng bào DTTS. “Công tác giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ chính người dân, chính bà con cần phải tự thay đổi cách làm kinh tế của mình, nếu không tự thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, không chủ động vươn lên, quyết tâm thoát nghèo thì không thể nào làm được”, ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.