Thu 500 triệu đồng từ sản xuất nông lâm kết hợp

Hưng Nguyên| 15/03/2022 09:06

Ông Nguyễn Văn Vững, ở thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), đã tổ chức sản xuất theo mô hình nông lâm kết hợp, mang về thu nhập cao. Ngoài sản xuất, ông còn bảo vệ được một diện tích rừng tự nhiên suốt nhiều năm qua.

ADQuảng cáo

Năm 1986, gia đình ông Nguyễn Văn Vững từ Ninh Bình vào xã Thuận Hạnh để lập nghiệp. Trên 2,1 ha đất mà gia đình ông phát triển kinh tế khi đó vẫn còn 4.000m2 rừng tự nhiên.

Nhận thấy nhiều lợi ích của rừng, nên gia đình ông đã quyết định bảo vệ diện tích rừng này. Canh tác qua nhiều năm, với nhiều loại cây trồng khác nhau, nhưng diện tích rừng này vẫn được gia đình ông giữ lại cho đến nay.

Theo ông Vững, khu vực canh tác của gia đình nằm ở mái đồi có độ dốc thoai thoải, phía dưới là sình lầy. Khu rừng nhỏ của ông lại nằm phía trên đỉnh dốc. Do đó, việc giữ được khu rừng này sẽ giúp đất không bị xói mòn, bảo vệ nguồn nước. Cây trồng cũng được đám rừng chắn gió, môi trường được điều hòa.

"Trong tình hình đất đang tăng giá như hiện nay, nhiều người khuyên tôi nên phát dọn khu rừng để tăng diện tích sản xuất. Một số người còn muốn mua lại khu rừng, nhưng tôi vẫn quyết tâm bảo vệ nó", ông Vững cho biết.

Khóm rừng tự nhiên được ông Vững duy trì từ nhiều năm qua

Hiện nay, gia đình ông Vững đã hình thành mô hình sản xuất theo hình thức nông lâm kết hợp. Trên 1,7 ha đất còn lại, ông trồng 800 cây cà phê, 200 cây bơ, 170 cây sầu riêng Monthong, 1.200 trụ tiêu.

ADQuảng cáo

Trong đó, bơ và sầu riêng có chức năng chắn gió cho cà phê phát triển. Các loại cây tương hỗ lẫn nhau, tạo nên hệ sinh thái bền vững. Vườn cà phê của ông Vững được trồng bằng giống xanh lùn. Còn sầu riêng, bơ... cũng được trồng bằng các giống mới, cho năng suất, hiệu quả cao. Các loại cây trồng này đều đang cho thu hoạch.

Ngoài giống mới, ông Vững cũng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững. Ông chỉ cắt cỏ định kỳ để giữ độ phì nhiêu cho đất. Ông lắp đặt hệ thống béc để tưới nước cho cây trồng và bón phân hữu cơ, sinh học.

Ông Vững chia sẻ: "Trồng nhiều loại cây thì phải hiểu được tập tính của từng loại để có cách chăm sóc phù hợp. Trồng cây kết hợp sẽ khó chăm sóc hơn trồng thuần, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn, mùa nào cũng có thu nhập".

Mô hình sản xuất nông lâm kết hợp đã mang lại thu nhập cao cho ông Vững

Với cách sản xuất tiến bộ và hiệu quả, mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình ông Vững đạt hơn 500 triệu đồng trừ chi phí. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, mô hình sản xuất nông lâm kết hợp của ông Vững đem lại nhiều lợi ích lâu dài về môi trường, cải thiện thu nhập.

Mô hình đã tạo sự đa dạng các loại cây trồng trong một đơn vị diện tích, giúp giảm thiểu những rủi ro của thị trường, giá cả. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, mô hình phát triển sản xuất của ông Vững càng có ý nghĩa hơn.

Theo lãnh đạo UBND xã Thuận Hạnh, thời gian tới, địa phương sẽ triển khai mô hình này để người dân học tập, nhân rộng, giúp phát triển kinh tế tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu 500 triệu đồng từ sản xuất nông lâm kết hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO