Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trước “làn sóng” hội nhập

Ông Trương Công Toàn| 12/05/2016 09:56

Nói “làn sóng” vì hội nhập có thể là cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng có thể bị “nhấn chìm” nếu các đơn vị, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ khả năng cạnh tranh với đối tác.

ADQuảng cáo

Trên địa bàn Đắk Nông, đa phần các doanh nghiệp đang hoạt động với quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Việc quan tâm đến “sức khỏe” của nhóm doanh nghiệp này đang là vấn đề quan trọng để phát triển, cũng như tạo tiền đề cho sự xuất hiện những doanh nghiệp lớn có tính “đầu tàu”.

Một số chính sách Nhà nước ban hành thời gian qua đã tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. (Trong ảnh: Doanh nghiệp tư nhân sắt thép Văn Dung, phường Nghĩa Thành, Gia Nghĩa). Ảnh: Đức Diệu

Yếu về nhiều mặt

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có 2.700 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 22 doanh nghiệp nhà nước, 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Điều đáng nói là trong số doanh nghiệp trên thì doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 99,23%. Mặc dù phân bố khá đồng đều ở các lĩnh vực nhưng chất lượng các doanh nghiệp này đang yếu ở nhiều mặt.

Cụ thể là chất lượng nguồn nhân lực, tài chính, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn thấp. Thống kê cho thấy, nguồn nhân lực có trình độ thạc sỹ chỉ chiếm 0,05%, lao động có trình độ đại học chỉ chiếm trên 8%, cao đẳng chiếm trên 6%, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 12%, sơ cấp chiếm 3,3% và lao động phổ thông, dưới phổ thông chiếm tỷ lệ trên 70%. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động ở các loại hình khai thác, chế biến nông, lâm sản, khoáng sản, kinh doanh dịch vụ…

Tuy nhiên, hoạt động chế biến, sản xuất chủ yếu mới dừng lại ở chế biến thô, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, kết nối thị trường để chế biến chuyên sâu. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn có vốn đầu tư “khiêm tốn”, trình độ nguồn nhân lực thấp nên chưa mạnh dạn tiên phong trong đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất chuyên sâu.

Khảo sát cho thấy, toàn tỉnh có tới 76% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950-1960, trong đó 73% thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị đã qua tân trang, sửa chữa. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao mới xấp xỉ 2%.

Vì hạn chế về nguồn lực nên đa phần doanh nghiệp đang hoạt động theo dạng “ăn xổi”, phát triển chiều rộng nên tính bền vững chưa cao, nhất là trong điều kiện nền kinh tế hội nhập sâu như hiện nay. Chi phí mà các doanh nghiệp dành cho việc đổi mới công nghệ hằng năm chỉ ở mức 0,2 đến 0,3% doanh thu.

Do quy mô, “tầm vóc” chưa đủ lớn nên dẫu biết phát triển chiều sâu là hướng đi mang tính “sống còn” trong thời kỳ hội nhập nhưng nhiều doanh nghiệp “lực bất, tòng tâm” vì thiếu nguồn lực. Từ đây, chính trong cuộc cạnh tranh trên thương trường, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị hạn chế nhiều về các cơ hội tiếp cận chính sách, gia nhập thị trường.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Sản xuất than sạch tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nguyễn Toàn (Gia Nghĩa). Ảnh: Lê Dung

Tăng “sức đề kháng”

Một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay đều có khởi nghiệp từ quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Quá trình hoạt động, họ có chiến lược kinh doanh rõ ràng, khả năng tiếp cận thị trường tốt nên không ngừng tăng về quy mô, chất lượng hoạt động.

Để làm được điều này, quan trọng nhất đó là các doanh nghiệp phải sở hữu một đội ngũ nhân lực có chất lượng, với tư duy đổi mới, sáng tạo. Cộng với đó, điều kiện tiếp cận nguồn tài chính thuận lợi cùng với một số yếu tố khác đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát triển.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã và đang tự “làm lớn mình” bằng việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để sản xuất chuyên sâu, nâng cao giá trị, hạ giá thành sản phẩm. Thế nhưng, con số này cũng chưa nhiều và dường như vẫn mới chỉ dừng lại ở dạng manh nha chứ chưa rõ nét trong chiến lược hoạt động mang tính khả thi.

Tại các cuộc đối thoại giữa UBND tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết bản thân họ cũng đang thiếu tự tin trong điều kiện nền kinh tế hội nhập. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khó khăn, lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao hạn chế và quy hoạch vùng nguyên liệu chưa rõ ràng đã khiến các doanh nghiệp phải tự “bó mình”, hoạt động theo kiểu “ăn xổi”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, những thủ tục hành chính khởi nghiệp còn rườm rà… Đây chính là những trở ngại làm giảm “sức đề kháng” của chính các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đối với doanh nghiệp lớn, vai trò của họ là tạo ra động lực mang tính đầu tàu cho phát triển. Còn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đóng vai trò như những mắt xích quan trọng trong chuỗi lưu thông, nhất là với những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp. Vậy, việc tạo ra một môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng là cần thiết và cấp bách.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì mới đây, đơn vị vừa trình UBND tỉnh dự thảo đề án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Khi được phê duyệt, đây chính là hành lang pháp lý để các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp giúp các doanh nghiệp từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận các nguồn vốn cũng như môi trường đầu tư tốt hơn cho phát triển.

Được biết, trước mắt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh thành lập quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây được xem như những động thái tích cực từ phía chính quyền, mở ra cơ hội, triển vọng mới cho nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ lớn dần. Cái lớn ở đây phải nói rõ là không chỉ riêng quy mô mà cả về khả năng thích ứng, năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập.

Liên kết với nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Ông Trương Công Toàn

Giám đốc DNTN Toàn Hằng, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp)

Là doanh nghiệp thu mua, sản xuất, sơ chế cà phê xuất khẩu, chúng tôi sẽ phải thường xuyên nắm bắt thông tin về ngành nghề của mình, nhất là sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. 

Để hội nhập quốc tế, chúng tôi đã liên kết với nông dân và hỗ trợ về kỹ thuật, trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước như Nhật Bản và Mỹ.

Cà phê phải đạt các tiêu chuẩn như thử nếm, độ đen vỡ, tạp chất, độ ẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu để  tạo chữ tín với đối tác. Chúng tôi đã chọn công nghệ chế biến cà phê tốt nhất, hiện đại nhất hiện nay, mời những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về đào tạo cho nhân viên mình để chuyển giao công nghệ.

Với công suất chế biến cà phê nhân xuất khẩu mỗi ngày khoảng 300 tấn, hiện công ty có từ 30 - 50 công nhân, trong đó 90% đã nắm vững kỹ thuật. Với sự đầu tư bước đầu này, chúng tôi mong muốn nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp để chúng tôi thuận lợi trong hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn trong thị trường.

Đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng tính cạnh tranh

Nguyễn Quang Huy

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất phân bón Hùng Quang, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

“Sinh ra” trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, công ty đã xác định đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm là chiến lược được ưu tiên. Hiện nay, công ty đã đầu tư công nghệ Nhật Bản, dây chuyền Cộng hòa liên bang Đức để sản xuất phân bón, trong đó chú trọng sản xuất phân hữu cơ, vi sinh với công suất ban đầu 20.000 tấn/năm.

Để đáp ứng được yêu cầu phát triển, bên cạnh đầu tư công nghệ, công ty cũng đã tổ chức học tập kinh nghiệp tại Israel, quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, công ty đang cử 1 cán bộ kỹ thuật sang học tập kinh nghiệm 5 năm tại quốc gia Israel về sản xuất nông nghiệp, phân bón để năm 2017 về áp dụng vào thực tiễn.

Mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ hợp tác xã phát triển

Ông Võ Đình Danh

Giám đốc Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Đắk Mil

Trong môi trường hội nhập, đối với các hợp tác xã thì sức ép lớn nhất vẫn là công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng như cà phê, các loại cây ăn trái và sản xuất rau an toàn.

Hiện nay, nhiều giống cây chất lượng phần lớn được nhập từ nước ngoài như bơ, mít, vì thế đây đang là một thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, hợp tác xã đã sản xuất những giống cây như cà phê, bơ HAS và bơ Booth, sầu riêng Thái… có chất lượng tốt, năng suất cao để người trồng giảm chi phí đầu tư, tăng tính cạnh tranh trên thị trường đối với đầu ra sản phẩm. Hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân để sản xuất cà phê đạt chất lượng theo quy trình 4C, UTZ…

Chúng tôi mong muốn trong điều kiện hội nhập, nhà nước sẽ quan tâm hơn đến các hợp tác xã trong tiếp cận tín dụng, đầu tư nhân lực quản lý, nâng cao trình độ canh tác của nông dân, nhất là các xã viên.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trước “làn sóng” hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO