Các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao chất lượng cà phê Đắk Nông không khó, các giải pháp nông dân có thể áp dụng ngay.
Diễn đàn@nông nghiệp bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị ngành hàng cà phê Đắk Nông vừa được sở NN-PTNT Đắk Nông tổ chức. Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng cà phê Đắk Nông.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, Đắk Nông hiện có hơn 142.000ha cà phê, là nguồn thu nhập của khoảng 70.000 hộ dân. Sản lượng cà phê đạt khoảng 400.000 tấn mỗi năm, đóng góp hơn 300.000 tỷ đồng vào giá trị các ngành Nông nghiệp.
Để nâng cao giá trị xuất khẩu, tỉnh đã phát triển vùng sản xuất cà phê công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, với diện tích 335ha.
Trong giai đoạn 2021-2025, người dân Đắk Nông đã tái canh 27.980ha cà phê, thay thế các vườn cà phê già cỗi bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Hiện Đắk Nông có gần 23.500ha cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ, với sản lượng trên 82.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh còn có 225ha cà phê đặc sản, sản lượng đạt 251 tấn.
Tại diễn đàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, ngành Nông nghiệp nhận định, đã đến lúc bàn đến việc cà phê sản xuất ra mang giá trị như thế nào cho người nông dân.
"Cà phê tiêu thụ ở đâu, điều kiện tiêu thụ là gì? Việc nâng cao giá trị cà phê là cần thiết, không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn phải xem xét điều kiện tiêu thụ nhằm phát triển bền vững", ông Phạm Tuấn Anh phân tích.
Tuy nhiên, theo Diễn đàn cà phê toàn cầu, một số vấn đề đang cản trở sự phát triển của cà phê Đắk Nông như người dân lạm dụng vật tư nông nghiệp dẫn đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Sản xuất cà phê chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, hạn hán làm giảm năng suất, chất lượng...
Ông Phạm Quang Trung, Trưởng Đại diện Diễn đàn cà phê toàn cầu tại Việt Nam nhấn mạnh, để phát triển cà phê bền vững, người sản xuất cần sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm. Đặc biệt là trong việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật người dân cần cân đối hợp lý để giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Diễn đàn cà phê toàn cầu sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân thực hiện quy trình sản xuất tiết kiệm chi phí và giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp nâng cao chất lượng cà phê và cải thiện khả năng tiêu thụ.
Người dân cần sử dụng nước tưới cà phê hiệu quả hơn, đặc biệt tại Đắk Nông nguồn nước ngày càng cạn kiệt, vì vậy cần áp dụng các giải pháp trồng xen, trồng cây che bóng, thảm phủ…
Để sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị cà phê, ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Tổ chức chứng nhận Rainforest Alliance Việt Nam cho rằng, đầu tiên người dân phải thay đổi tư duy làm cà phê. Vườn cây phải có bóng che thảm phủ tạo nền tảng cải tạo đất, hình thành hệ sinh thái bền vững.
Tiếp đó, người dân áp dụng nông nghiệp tái sinh và quản lý sâu bệnh hại theo phương pháp IPM sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng. Hiện đã có nhiều nông dân Đắk Nông áp dụng phương pháp này, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn để nhân rộng, đồng bộ trên toàn tỉnh.
Ông Thiết trao đổi thêm, cùng với quy trình thì việc thu hái tỷ lệ quả chín cao, sơ chế, chế biến cà phê đúng cách sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cà phê.
Với các giải pháp chăm sóc vườn cà phê trồng cây che bóng, tạo thảm phủ kết hợp nông nghiệp tái sinh, quản lý sâu bệnh IPM, nông dân Đắk Nông hoàn toàn có thể áp dụng ngay trong vườn rẫy của gia đình mình.
Quản lý dịch hại tổng hợp IPM là một biện pháp kết hợp nhiều phương pháp nhằm kiểm soát sâu bệnh, bảo vệ cây trồng mà không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.