Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử

Phạm Lục| 29/06/2017 09:12

Đảng bộ tỉnh Đắk Nông luôn xác định công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của địa phương và công tác giáo dục truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Hoạt động này cũng nhằm tổng kết thực tiễn, nêu bật những thành tựu và cả những sai lầm, khuyết điểm, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới.

Ngay sau khi tái thành lập tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm, chỉ đạo tập trung tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh quán triệt những văn bản trên, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng.

Đảng ủy các cấp đã từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện tốt cho công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Hầu hết các cấp ủy đảng đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nội dung Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ở cấp tỉnh, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đã có kết quả nhất định. Tỉnh đã biên soạn và phát hành các cuốn sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 1930 - 2005, Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 - 1936), Lịch sử Di tích cách mạng Nhà ngục Đắk Mil (1941 - 1943); Lịch sử căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1959 - 1975); Kỷ yếu 10 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (2004-2014)… Các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tích cực triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Nghiên cứu, biên soạn lịch sử của ngành.

Ở cấp huyện, tuy không có cán bộ chuyên trách làm công tác lịch sử đảng nhưng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, công tác nghiên cứu, biên soạn việc lịch sử cũng đã tổ chức triển khai thực hiện tốt. Đến nay, cơ bản ở cấp huyện đã triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

10/13 địa phương, đơn vị biên soạn và phát hành cuốn lịch sử, lược sử của đơn vị, địa phương mình gồm: Krông Nô, Đắk Mil, Đắk R’lấp, thị xã Gia Nghĩa, Chư Jút, Đắk Song, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh…; 3/13 địa phương, đơn vị biên soạn và phát hành cuốn kỷ yếu; 4/71 xã, phường, thị trấn triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, như: Lịch sử Đảng bộ xã Nâm Nung, giai đoạn 1945 - 2010, Lịch sử Đảng bộ xã Đạo Nghĩa (1930 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Sơn (1959 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Đắk N’Drung (1977 - 2015).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử của tỉnh còn một số hạn chế. Đó là số lượng các công trình lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của các sở, ban, ngành, đoàn thể xuất bản chưa nhiều. Nhiều sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh mới chỉ triển khai biên tập kỷ yếu của ngành, có đơn vị chưa quan tâm công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử truyền thống. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn kịp thời lịch sử truyền thống của đảng bộ, địa phương, ngành mình…

Để tiếp tục thực hiện công tác biên soạn lịch sử, trong thời gian tới ở mỗi cấp cần đẩy mạnh các kế hoạch cụ thể. Cấp tỉnh, chỉnh sửa, hoàn chỉnh, phát hành 2 cuốn sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (1930 - 2015), Lịch sử Đường hành lang chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (1954 - 1975).

Cấp tỉnh cũng triển khai kế hoạch sưu tầm, biên soạn các đề tài: Lịch sử phong trào chống FULRO trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Kỷ yếu ảnh tỉnh Đắk Nông qua các thời kỳ lịch sử, “Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ”, biên niên “Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (1930 - 2020)”.

Ở cấp huyện, các địa phương tiếp tục hoàn chỉnh, xuất bản các đề tài đang triển khai. Các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã biên tập, xuất bản thành nhiều tập theo từng giai đoạn cần bổ sung, chỉnh lý, nâng cao chất lượng, gộp thành một tập thống nhất từ khi đảng bộ thành lập đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tiếp tục triển khai kế hoạch biên soạn lịch sử, lược sử truyền thống của đơn vị mình đến năm 2015 hoặc năm 2020. Cấp xã triển khai kế hoạch biên soạn lịch sử các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu, đến năm 2020, mỗi huyện, thị xã có ít nhất 5 xã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO