Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Tập trung phát huy thế mạnh các cây trồng chủ lực

Văn Tâm| 23/05/2014 09:10

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thì hiện nay cơ cấu nông nghiệp của Đắk Nông cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là ngô, hồ tiêu, cà phê, cao su…

ADQuảng cáo

Thời gian qua, các địa phương đang hướng tới mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, các giải pháp cụ thể được tập trung vào quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch cây trồng, kèm theo những quy định về áp dụng chế độ thâm canh, luân canh; chống xói mòn, bảo vệ đất… Đó chính là những vấn đề cấp bách để ngành Nông nghiệp hoạch định chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Mô hình trồng xen hiệu quả cao

Cây hồ tiêu và cà phê là hai giống cây trồng chủ lực của các huyện trong tỉnh đang được người dân tập trung đầu tư phát triển. Vài năm trở lại đây, để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích đất sản xuất, một số hộ nông dân đã tiến hành trồng xen canh cây tiêu trong vườn cà phê và mang lại kết quả nhất định.

Cao su  - cây trồng có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế cho người dân trong tỉnh. Ảnh: Ngọc Tâm

Gia đình ông Nguyễn Khắc Tấn ở xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) là một trong số hộ trồng xen canh cây hồ tiêu trong vườn cà phê đạt hiệu quả cao. Theo ông Tấn thì trước thực tế nhiều vườn hồ tiêu trồng bị bệnh, gia đình ông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi về phương pháp trồng xen canh cây hồ tiêu.

Sau một thời gian xuống giống, trên 1.000 trụ tiêu của gia đình ông phát triển và cho thu hoạch tương đối khả quan. Ngoài diện tích trồng thuần khoảng 400 trụ tiêu, ông Tấn còn trồng xen canh trong vườn cây cà phê với số lượng hơn 600 trụ.

Ông Tấn cho biết: “Việc trồng xen lô, xen canh cây hồ tiêu trong vườn cà phê đã mang lại nhiều ưu điểm, giúp cây hồ tiêu có môi trường sinh trưởng và tạo bóng râm thích hợp cho vườn cà phê. Vì toàn bộ với 600 trụ tiêu của tôi được sử dụng trụ sống cho tiêu leo bám, còn với 400 trụ tiêu trồng thuần thì sử dụng trụ cây khô cho tiêu leo bám. Những cây tiêu leo bám trên trụ bằng cây khô giai đoạn đầu cho năng suất cao và dễ chăm sóc nhưng độ rủi ro cao. Còn những dây tiêu leo bám trên trụ sống thì những năm đầu cho năng suất thấp nhưng dần tăng sản lượng theo từng năm”.

Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của người dân trong tỉnh

Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình ông đã thu được trên 5,5 tấn hồ tiêu, với năng suất trung bình của các tiêu leo bám trên trụ sống là 5 kg/trụ và tiêu leo bám trên trụ chết là 3 kg/trụ. Cũng theo ông Tấn thì việc quan trọng nhất khi chăm sóc cây cà phê là nuôi cành và tạo tán cho cây, bón phân, tưới nước đúng cách.

ADQuảng cáo

Với hồ tiêu, quá trình rong cành, chăm sóc cần phải hạn chế tác động đến dây tiêu. Với cách làm đó, hàng năm tổng thu nhập của gia đình ông Tấn là 750 triệu đồng trừ chi phí khoảng 300 triệu đồ ng, thu lợi nhuận 450 triệu đồng/năm.

Định hình giá trị cây chủ lực

Với lợi thế về đất đai, Đắk Nông có đến trên 535.000 ha đất đỏ vàng, chiếm 82,14% diện tích tự nhiên, trong đó nhóm đất nâu đỏ trên đá macma có 315.000 ha, chiếm 48,46% diện tích tự nhiên, phù hợp cho sự phát triển của các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su… Đây là các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn cho tỷ trọng ngành nông nghiệp của tỉnh.

Cây cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Với diện tích 117.000 ha, sản lượng khoảng gần 290.000 tấn/năm, cây cà phê đang là cây trồng hiệu quả, chiếm đến trên 50% giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của tỉnh.

Bằng việc áp dụng quy trình kỹ thuật vào canh tác, cây cà phê đã mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân

Trong những năm gần đây, diện tích cà phê không ngừng tăng lên, ngay cả những nơi không đủ điều kiện như thiếu nước tưới, đất có độ dốc lớn, đất bạc màu, tầng canh tác mỏng chiếm tỷ lệ trên 84%. Trong đó hơn 80% diện tích cà phê nông dân sử dụng hầu hết là giống thực sinh, năng suất thấp, chất lượng kém. T

ình trạng bệnh rỉ sắt, trái ít, quả nhỏ, đốt cành thưa, chín không đều, chín không tập trung…chiếm tỷ lệ 25% đến 30% số cây trên diện tích vườn cà phê. Để sản xuất cà phê bền vững, tỉnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng giống đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận; áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch, sơ chế quả chín từ 90% trở lên... nhằm đảm bảo chất lượng giá trị sản phẩm.

Đồng thời, việc khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước sao cho hợp lý để đảm bảo cho việc tưới tiêu trong mùa khô, khuyến khích xây dựng các ao, hồ, đập riêng lẻ cũng được các ngành chuyên môn thực hiện. Tiếp đến là cây cao su hiện có 24.000 ha, sản lượng gần 9.000 tấn mủ trên diện tích cho thu hoạch 6.000 ha cao su kinh doanh.

Dự báo đến 2015, diện tích cao su trên địa bàn tỉnh khoảng 32.000 ha, sản lượng 22.000 tấn sẽ là đóng góp không nhỏ cho GDP của tỉnh. Trong nhóm cây công nghiệp ngắn ngày, cây ngô là cây chủ lực do chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu nước tưới ít. Những năm qua, do thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích lúa nước bấp bênh sang trồng ngô nên diện tích và sản lượng ngô liên tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng lương thực của tỉnh.

Với thế mạnh của các loại cây trồng phổ biến của tỉnh, cũng theo ông Nguyễn Quang Tuấn thì định hướng chung của tỉnh là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở các cây trồng chủ lực phù hợp. Theo đó, trong thời gian tới, Đắk Nông sẽ xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, công tác này sẽ góp phần giúp các vùng nông thôn của tỉnh phát triển kinh tế ổn định, bền vững và không ngừng nâng cao đời sống người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Tập trung phát huy thế mạnh các cây trồng chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO