Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu

P.V thực hiện| 14/06/2016 11:14

Trước thực tiễn đặt ra về hội nhập cũng như biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng đến việc sản xuất bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Long Sơn (Đắk Mil) xuống giống đậu nành. Ảnh: Bình Nhi

Tập trung nâng tầm và thực hiện quy hoạch

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện nay, ngành Nông nghiệp đã có khoảng 48 quy hoạch, trong đó, có thể nhấn mạnh đến quy hoạch chung, từng ngành, lĩnh vực cấu thành. Điều đáng nói là chất lượng các quy hoạch này chưa thật sự cao. Nhiều quy hoạch đã không theo kịp, không đáp ứng với thực tế phát triển. Cụ thể như quy hoạch về  sản xuất cà phê, hồ tiêu...

Theo quy hoạch phát triển cây hồ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 12.951 ha hồ tiêu nhưng thực tế đến nay diện tích đã lên đến trên 17.000 ha. Còn đối với cây cà phê theo quy hoạch chung của tỉnh thì diện tích cà phê là 66.000 nhưng thực tế hiện nay đã lên đến 119.000 ha. Vì thế, để tái cơ cấu ngành, vấn đề sẽ được tập trung triển khai đó là nâng tầm các quy hoạch.

Theo đó, ngành sẽ tập trung rà soát lại các quy hoạch và điều chỉnh phù hợp. Cụ thể công bố rộng rãi quy hoạch tại cơ sở để người dân, doanh nghiệp được biết. Từ đây, những nơi nào người dân phát triển sản xuất ngoài quy hoạch sẽ không được hưởng các ưu đãi hay sự hỗ trợ khi gặp những trường hợp thiệt hại.

Ông Đỗ Ngọc Duyên, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh nhấn mạnh: “Từ trước tới nay, tỉnh vẫn quản lý quy hoạch theo mệnh lệnh hành chính, điều  này đã không đem lại hiệu quả, vấn đề này thời gian tới sẽ được khắc phục triệt để”.

ADQuảng cáo

Tổ chức lại sản xuất gắn với biến đổi khí hậu

Thực tế thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ là chủ yếu. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng những cánh đồng mẫu lớn để đưa máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới chỉ dừng lại ở mô hình là nhiều, chưa được nhân rộng. Đáng quan tâm là việc sản xuất chưa gắn với các biến đổi của thời tiết, mà cốt lõi nhất hiện nay là gắn với sự biến đổi của khí hậu.

Thực tế ở Đắk Nông mùa mưa có xu hướng rút ngắn thời gian, cùng với đó là lưu lượng mưa cũng ít đã làm cho lượng nước tích trữ tại các hồ đập, công trình thủy lợi suy giảm. Hơn thế, đến mùa khô thì nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp đã và sẽ gây nên tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng. Điển hình như tại vụ đông xuân vừa qua, sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của khô hạn, trên 23.000 ha cây trồng bị thiếu nước, trong đó có hơn 22.000 ha cà phê, hồ tiêu bị giảm năng suất hoặc mất trắng.

Thực tế này đã đặt ra cho vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh phải tích hợp với việc bảo đảm cân đối, hài hòa với tài nguyên nước. Sâu xa hơn là các giải pháp cả công trình và phi công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu ngành Nông  nghiệp tỉnh cho biết: “Ngành nông nghiệp đã và sẽ có những tham mưu mang tầm chiến lược cho UBND tỉnh trong công tác điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý để tạo đà cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh hội nhập thị trường thế giới. Đặc biệt, phải tính đến yếu tố cốt lõi, đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị chăn nuôi; trong đó, nhấn mạnh đến việc đưa vào sản xuất đại trà các giống mới với khả năng chống chịu sự thay đổi của thời tiết, năng suất chất lượng cao, chống chịu hạn tốt. Việc nghiên cứu, khảo nghiệm, hỗ trợ nhân rộng các công nghệ về tưới nước tiết kiệm cũng sẽ là một lời giải cho bài toán tái cơ cấu. Song hành với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nông nghiệp ở tất cả các khâu nhất là khâu, bảo quản, chế biến, khắc phục tình trạng bán thô".

Cũng theo đồng chí Trương Thành Tùng, để làm được điều này thì toàn tỉnh cần tập trung vào việc khuyến khích, hỗ trợ người dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất theo tổ, nhóm, liên kết với doanh nghiệp để tạo ra sự xâu chuỗi từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng. Làm được như thế sản phẩm nông sản của tỉnh mới mang tính hàng hóa, cạnh tranh, sản lượng, chất lượng ổn định, khi ra thị trường mới có thể không bị lép vế.

Chú trọng đưa hàm lượng khoa học công nghệ vào nông nghiệp

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô

Khoa học công nghệ đóng vai trò hàng đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Krông Nô. Địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình với hàm lượng khoa học công nghệ tương đối cao, qui mô lớn hơn trước như cánh đồng lớn sản xuất ngô, lúa, chương trình cải tạo đàn bò.

Thời gian tới, huyện sẽ vận động nhân dân thực hiện việc dồn điền, đổi thửa để tạo diện tích sản xuất lớn, cơ sở để mở rộng liên kết với doanh nghiệp. Chú trọng triển khai nhân rộng các mô hình về nông nghiệp hữu cơ trong chăn nuôi heo; rau, củ, quả ở những xã có điều kiện.

Xác định lại các thế mạnh, sản phẩm lợi thế nhất

Ông Trần Đình Mạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ

Khi toàn tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu thì các địa phương cần xác định lại thế mạnh của mình là gì, sản phẩm nào có lợi thế nhất để phát triển. Cùng với đó là việc trả lời các câu hỏi về nhu cầu thị trường, nhà đầu tư, sự liên kết theo chuỗi khép kín.

Theo tôi, trong điều kiện hiện nay thì các huyện khuyến khích nhân dân phát triển theo hình thức tổ, nhóm đồng sở thích. Đây có thể nói là mô hình phù hợp nhất với trình độ của nông dân hiện nay, còn hợp tác xã thì nên duy trì, phát triển những nơi nào thực chất, hoạt động đúng theo Luật.

Tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn cho nông dân, các tổ, nhóm, hợp tác xã

Ông Nguyễn Văn Xá, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Muốn đẩy mạnh tái cơ cấu, tỉnh cần phải tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn cho nông dân, các tổ, nhóm, hợp tác xã. Qua tìm hiểu thực tế những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân trong quá trình sản xuất, đa số đều cho rằng, họ gặp khó trong quá trình vay vốn.

Tỉnh cần tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn, trong đó có việc cho vay cả khi không có tài sản bảo đảm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO