Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Nguồn SGGP| 14/11/2014 21:55

Chiều nay, 14/11, thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hầu hết các ĐBQH đều đồng tình cần phải xây dựng sân bay Long Thành để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tuy nhiên, các ĐBQH lại lo ngại về khả năng huy động vốn, năng lực điều hành sân bay quốc tế của ngành giao thông - vận tải (GT-VT), phân kỳ đầu tư chưa hợp lý, khả năng khai thác sân bay Long Thành chưa thuyết phục. Vì vậy, các ĐBQH đề nghị Chính phủ phải tiếp tục báo cáo, giải trình làm rõ thêm để Quốc hội, nhân dân yên tâm.

Hầu hết ĐB đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo khả thi kèm theo phương án huy động vốn để trình Quốc hội vào kỳ họp sau.

Ở nhóm ĐBQH ủng hộ làm ngay dự án này, ĐB  Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cho rằng, sân bay Long Thành là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành không Việt Nam cũng như có sự lan tỏa đến sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, kinh tế của cả nước. “Khả năng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi vì tốn kém, cần tới khoảng 9 tỷ USD để giải tỏa, trong khi chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vị trí Long Thành có thể coi là đắc địa để xây dựng sân bay vì giải tỏa không tốn kém lắm (đất đai, bồi thường cho diện tích cây cao su đã đến hạn thoái trào..). Đa số ý kiến ĐBQH đều cho rằng cần thiết phải làm”, ĐB Tố Nga nói.

Về vấn đề vốn, ĐB Tố Nga cho rằng, Chính phủ đã giải trình khá khả thi... Vì vậy, ĐB cho rằng, dự án là cần thiết, quy mô đầu tư quá lớn nhưng nếu quyết tâm cao thì có thể làm được, để chậm sẽ làm lỡ cơ hội của đất nước. 

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cảng hàng không quốc tế là rất quan trọng. Đầu tư cho sân bay Long Thành là đầu tư sinh lời để tạo cơ hội cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, nhất là du lịch.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng, vấn đề là tính phương án làm thế nào, huy động lực lượng xã hội hóa để hạn chế ngân sách Nhà nước vì đây là sân bay dân dụng. “Nếu ngân sách Nhà nước đầu tư 100% thì không ai chấp nhận. Nhưng cho chủ trương bây giờ, để từ nay đến năm 2018 Bộ GT-VT tìm các nguồn lực xã hội hóa là phù hợp. Bộ GT-VT cần tiếp tục giải trình những vấn đề mà ĐBQH còn thắc mắc”, ông Phương nói. 

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng đồng ý việc Quốc hội có chủ trương xây dựng sân bay Long Thành vì sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay khó mở rộng, nếu mở rộng thì cũng không đạt được các mục tiêu như kết nối giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường… Vấn đề vốn đầu tư là đáng quan tâm nhất hiện nay, nhất là khi nợ công đang gia tăng. Giai đoạn 1 khoảng 8 tỷ USD. Trong khi ngân sách Nhà nước khoảng trên 21.000 tỷ đồng thì không quá lớn, có thể sắp xếp được. “Thời gian chuẩn bị cần dài, vì vậy nếu bây giờ Quốc hội cho chủ trương đầu tư thì có 3-4 năm để chuẩn bị, 2018 khởi công thì kịp phục vụ từ năm 2025 - khi sân  bay Tân Sơn Nhất trở lên quá tải”, ĐB Nguyễn Lâm Thành nói.

Lấy tiền đâu để làm?

Ở nhóm ĐBQH không đồng ý làm ngay dự án này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu, không ai không thấy trăn trở khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài vì quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp, chất lượng “đáng xấu hổ”, nhìn sang sân bay các nước trong khu vực mà thấy chạnh lòng. “Vì vậy, đầu tư sân bay quốc tế Long Thành là cần thiết phải tiến hành để thỏa mãn niềm tự hào của nhân dân”, ông Huỳnh Nghĩa nói.

Tuy nhiên, theo ĐB Huỳnh Nghĩa, vấn đề lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. “Số tiền gần 18 tỷ USD để làm toàn bộ dự án là lớn, lấy tiền đâu để làm? Nợ công đang gia tăng, bình quân mỗi người Việt Nam đang gánh 900 USD nợ công. Nợ công đang là vấn đề cốt tử đòi hỏi hết sức cân nhắc khi đầu tư một dự án lớn. Hoàn cảnh hiện nay chưa cho phép chúng ta làm một dự án lớn như vậy. Trong lúc này cần phải đầu tư làm hạ tầng, nhất là ở nông thôn; chăm lo cho con người, tăng lương cho người lao động. Khi chưa có tiền tăng lương thì chưa nên làm sân bay Long Thành”, ông Huỳnh Nghĩa nói.

Theo ĐB Nghĩa, đã có nhiều dự án vì tính toán không kỹ mà để xảy ra hậu quả không như mong đợi, vì thế phải tính toán kỹ càng. Ngoài ra, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Bộ GT-VT cần có lý giải thuyết phục hơn về công năng của sân bay Long Thành. “Cần trả lời rõ vì sao sân bay Tân Sơn nhất thiếu đất nhưng vẫn lấy 160 ha trong sân bay này để làm sân golf?  Nhiều cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đến dùng thử các dịch vụ ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, rất tệ. Sân bay có thể chưa 5 sao nhưng chất lượng phải 5 sao. Trong khi chờ sân bay Long Thành, cần có một chuyển biến về chất lượng ở các sân bay này. Mặt khác, ĐB Huỳnh Nghĩa cũng cho rằng, về phân kỳ đầu tư, cần làm tốt khâu chuẩn bị, khả năng kêu gọi đầu tư. “15-10 năm nữa không phải là thời gian quá dài để chuẩn bị các điều kiện xây dựng sân bay Long Thành. Xây dựng sân bay Long Thành cần thiết nhưng chưa cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay”, ĐB Huỳnh Nghĩa chốt lại.

Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), dự án này vừa cần thiết, vừa cấp thiết, có thể tạo được đột phá cho sự phát triển chung. Nhưng tại sao dự án này lại gây hoài nghi? “Vì vẫn còn sân golf, vì vẫn còn tiêu cực trong đầu tư công, vì chất lượng sân bay ở các sân bay hiện nay quá kém. Nhưng không vì thế mà không đầu tư dự án có sức lan tỏa như vậy. Vì vậy, để tạo lòng tin cho người dân, Chính phủ cần có báo cáo khả thi để Quốc hội, nhân dân hiểu rõ hơn. Trong đó, vấn đề nguồn vốn là khó nhất. Xã hội hóa nhưng chắc chắn không thể hoàn toàn, vay ODA nhưng Nhà nước vẫn phải đứng ra bảo lãnh, Nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra. Vì vậy, phải tính toán rất kỹ phương án về vốn. Ngoài ra, phương án khai thác sân bay Long Thành của Chính phủ quá mờ nhạt, không thuyết phục. Chưa thể khẳng định sân bay Long Thành sẽ “lấy khách” được từ các sân bay trong khu vực. Các sân bay quốc tế được xếp hạng cao là nhờ chất lượng dịch vụ tốt chứ không phải do quy mô”, ĐB Nguyễn Phi Thường nêu.

Phải trả lời thuyết phục việc không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), đồng ý làm sân bay Long Thành ngay hay không là quyết định rất khó khăn của ĐBQH, vì làm mà không hiệu quả, hoặc không làm mà tới đây sân bay Tân Sơn Nhất qúa tải thì ai chịu trách nhiệm. “Về chủ trương quy hoạch, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bắt buộc phải có một sân bay quốc tế Long Thành kết nối toàn bộ hệ thống giao thông cũng như phát triển kinh tế của vùng. Đó là lý do mà UBND TPHCM đồng ý phải làm sân bay Long Thành. Tức dự án là cần thiết” - ông Trần Du Lịch nói.

“Nhưng cấp thiết chưa, vì hiện nay đang có quá nhiều thứ cấp thiết khác. Vấn đề đầu tiên là khả năng Tân Sơn Nhất có khả năng nâng lên 35-40 triệu hành khách hay không? Nhiều ý kiến cho rằng với diện tích mặt đất khoảng 1.000 ha, kể cả đất quân sự với 2 đường băng thì có thể nâng lên 35-40 triệu khách. Nhưng 2 đường bay này lại không thể cất cánh cùng lúc được. Vẫn có 2 ý kiến về giới hạn của 2 đường bay này, về mặt không lưu có khả năng để tăng hay không tăng lên công suất 35-40 triệu. Nếu làm rõ được điều này và khẳng định rằng Tân Sơn Nhất không thể nâng công suất một cách thuyết phục, minh bạch thì lúc đó, việc xây dựng sân bay Long Thành là điều bất khả kháng. Vì nếu không làm thì gây tắc nghẽn hàng không. Đây là vấn đề phải bàn cho kỹ.

Theo ĐB Trần Du Lịch, nếu có chủ trương thì dự án khả thi phải nêu ra được cách làm tốt nhất. “Đề án này nói nhiều đến sân bay trung chuyển quốc tế  trong tương lai, đó là mơ ước. Nhưng phải tính toán quy mô trong báo cáo khả thi. Vì sau khi Quốc hội cho chủ trương, Chính phủ sẽ phải trình báo cáo khả thi, lúc đó Quốc hội mới quyết là có làm không, chứ không phải đồng ý chủ trương là cứ thế làm. Tôi ủng hộ Quốc hội có chủ tương để lập báo cáo khả thi. Vì chỉ có báo cáo khả thi thì mới trả lời được tất cả các vấn đề mà hiện nay dư luận đang quan tâm”, ĐB Trần Du Lịch phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO