Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững (Kỳ 3): Giải pháp nào để quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững?

Văn Tâm| 15/08/2016 15:29

Những năm qua, cùng với diện tích rừng bị suy giảm, cơ sở hạ tầng thủy lợi hạn chế, việc nông dân ồ ạt mở rộng diện tích không theo quy hoạch đã khiến cho nông nghiệp của tỉnh đứng trước nguy cơ thiếu bền vững do suy thoái nguồn tài nguyên nước. Vì thế, việc khôi phục phát triển rừng, xây dựng công trình thủy nông cũng như lựa chọn các loại cây phù hợp với tình hình khan hiếm nước như hiện nay có vai trò rất quan trọng.

ADQuảng cáo

Tập trung nhóm cây trồng chủ lực

Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có trên 300.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thì đến đầu năm 2015, theo kết quả kiểm kê đất đai, diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh có khoảng 360.000 ha, tăng 58.000 ha so với năm 2010.

Trong đó, có nhiều diện tích cây trồng tăng trưởng “nóng” như: hồ tiêu, cà phê và một số loại cây tăng nhanh diện tích do tác động thị trường là sắn, khoai lang, chanh dây… Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển cây hồ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 12.951 ha hồ tiêu nhưng thực tế đến nay diện tích đã lên đến trên 17.000 ha. Còn đối với cây cà phê theo quy hoạch chung của tỉnh thì diện tích cà phê là 66.000 ha nhưng thực tế hiện nay đã lên đến 119.000 ha.

Có thể nói, điều dễ nhận thấy là sau thời gian phát triển nhanh, ngành nông nghiệp của tỉnh đã nảy sinh các yếu tố thiếu bền vững như: Diện tích rừng suy giảm, nguồn nước mặt, nước ngầm bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt…

Vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Thanh Hai ở thôn Thanh Sơn, xã Ea Pô (Chư Jút) trồng theo mô hình bền vững trên diện tích đất đủ điều kiện về nước tưới, mỗi năm cho thu nhập hơn tỷ đồng/1 ha

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện nay, ngành Nông nghiệp đã có khoảng 48 quy hoạch, trong đó, ngoài quy hoạch chung thì các  ngành, lĩnh vực đều đã tiến hành xây dựng các đề án, quy hoạch riêng lẻ. Điều đáng nói việc các ngành, lĩnh vực nào cũng có quy hoạch riêng, định hướng cho riêng mình đã làm “rối” quy hoạch chung của ngành Nông nghiệp khi triển khai về cấp cơ sở.

Trong khi đó, chất lượng các quy hoạch thấp. Nhiều quy hoạch đã không theo kịp, không đáp ứng với thực tế phát triển. Cụ thể như các quy hoạch về cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, bông vải...

Từ thực tế đó, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung rà soát lại các quy hoạch và điều chỉnh phù hợp. Trong đó, về cơ bản cơ cấu nông nghiệp của Đắk Nông vẫn tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là ngô, hồ tiêu, cà phê, cao su…

Cùng với đó, Sở NN-PTNT đã phê duyệt kế hoạch “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát huy hiệu quả tiềm năng để phát triển bền vững đối với lĩnh vực này. Theo đó, nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích ứng với điều kiện khan hiếm tài nguyên nước và biến đổi khí hậu...

Ngoài ra, việc ban hành chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái canh cà phê, khuyến khích doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn có chứng nhận VietGap GlobalGap, 4C, UTZ,… trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh cũng được được quan tâm hơn.

Giải pháp khôi phục môi trường bền vững

Trước thực trạng nguồn tài nguyên nước của cả khu vực Tây Nguyên đứng trước nguy cơ suy giảm, để giải bài toán khai thác và sử dụng theo hướng bền vững, các nhà khoa học, các địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến gắn thực tế với các giải pháp của hiện nay và về lâu dài.

Công trình thủy lợi Đắk D’rô hoạt động ổn định giúp cho hàng ngàn ha cây trồng bảo đảm nước tưới

ADQuảng cáo

Riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, để giải quyết bài toán về quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách bền vững, ngoài việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì giải pháp cần thiết là xây dựng các phương án về quy hoạch thủy lợi.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 120 sông, suối lớn nhỏ kết hợp với 1.450 đập tạm, đập bồi, 19.582 ao chứa nước và 13.144 giếng khơi, giếng khoan do nhân dân tự làm phục vụ tưới 28.760 ha cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả.

Tuy nhiên, tỷ lệ tưới tiêu phục vụ diện tích cây trồng còn thấp. Do đó, theo ngành chuyên môn, tỉnh Đắk Nông cần đầu tư xây dựng thêm 153 hồ chứa lớn, nhỏ với dung tích gần 300 triệu m3 nước kết hợp với các hồ thủy điện, các ao hồ chứa nước nhỏ, hệ thống giếng đào mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước tưới và nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Được biết, hiện tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều dự án như: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên do (ADB) tài trợ, Dự án an toàn đập WB8, Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước từ các công trình Thủy lợi (ADB8)… với hàng trăm công trình thủy lợi được đầu tư, xây dựng mới. Khi các dự án hoàn thành sẽ góp phần rất lớn làm tăng trữ lượng nguồn nước dự trữ, tăng tỷ lệ tưới tiêu cây trồng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, những năm qua, diện tích rừng của tỉnh bị tàn phá nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Theo kết quả kiểm kê rừng công bố năm 2015, tỉnh Đắk Nông có 253.926 ha rừng, độ che phủ 39%, diện tích rừng giảm trên 69.738 ha so với năm 2008.

Với một vùng đất được ví như “bầu nước” của Tây Nguyên, nhưng độ che phủ của rừng ngày một thưa dần sẽ ảnh hưởng lớn đến các vùng hạ lưu, do đó Đắk Nông cần đẩy mạnh các giải pháp về tái tạo, bảo vệ và quản lý rừng một cách hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị “Bàn các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”, tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 6 vừa qua, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải đề nghị 5 tỉnh Tây Nguyên trong đó có Đắk Nông cần có kế hoạch rà soát, thống kê, đánh giá, đo đạc, điều chỉnh, phân loại quỹ đất rừng thực tế để khôi phục, phát triển rừng tốt hơn.

Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT Đắk Nông, địa phương đã và đang xây dựng phương án huy động tổng lực, tập trung phát triển rừng trước thách thức của biến đổi khí hậu. Trước mắt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Đặc biệt là hoàn thành việc rà soát, lập quy hoạch kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ nhằm góp phần bảo vệ, điều tiết nguồn nước cho các công trình thủy lợi, thủy điện, nguồn nước sinh hoạt, chống xói mòn…

Những diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất bị phá trái pháp luật những năm gần đây sẽ được thống kê lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định, kiên quyết thu hồi giao cho đơn vị chủ rừng thực hiện trồng rừng, phục hồi lại rừng bằng các phương thức như: Trồng rừng tập trung, nông lâm kết hợp, cải tạo rừng nghèo kiệt…

Ngoài ra, tỉnh cũng nỗ lực tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế, trồng rừng nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán nhằm từng bước nâng cao độ che phủ của rừng.

Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển rừng, nhất là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý cho việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường là định hướng cần thiết để hướng đến sự phát triển bền vững của các địa phương.

Để làm được điều đó, tỉnh Đắk Nông cũng như các tỉnh Tây Nguyên cần phải có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp quy hoạch, quản lý diện tích rừng giáp ranh giữa các tỉnh, quản lý nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm, phòng chống thiên tai, duy trì dòng chảy môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm soát và chia sẻ nguồn nước đó chính là vấn đề cốt yếu và cần thiết để quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước chung của khu vực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững (Kỳ 3): Giải pháp nào để quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO