Phòng bệnh cho đàn vật nuôi ở Đắk Mil: Người dân đã nâng cao ý thức

Nguyễn Lương| 07/10/2014 10:40

Theo Trạm Thú y huyện Đắk Mil thì địa phương hiện có hơn 48.000 gia súc, gia cầm các loại. Thời gian qua, bên cạnh sự chỉ đạo của ngành chức năng, công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi đã được người dân trên địa bàn chú trọng, góp phần khống chế dịch bệnh, giúp vật nuôi phát triển ổn định.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Trương Công Lưu, ở thôn Đức Lộc, xã Đức Mạnh hiện có đàn bò gần 10 con. Với gia đình ông, ngoài hơn 6 sào rẫy thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu nhập chính. Nhờ chăm sóc cẩn thận, chu đáo nên đàn vật nuôi luôn phát triển ổn định, ít bị bệnh ngay cả trong giai đoạn chuyển mùa.

Thời gian này, cán bộ thú y xã Đức Mạnh tiêm phòng  vắc xin định kỳ cho đàn vật nuôi của người dân

Ông Trương Công Lưu chia sẻ: “Trong quá trình nuôi, gia đình tôi luôn tiêm phòng đầy đủ các lại vắc xin cho đàn vật nuôi, cũng như thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khử trùng ít nhất 1 tuần/lần. Đặc biệt, trong mùa mưa này, sức đề kháng của vật nuôi sẽ yếu hơn nên ngay từ đầu mùa, tôi đã kiểm tra chuồng trại, tu sửa những chỗ hư hỏng, nhằm đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho đàn bò. Bằng cách làm như vậy nên đàn bò của gia đình tôi luôn được đảm bảo sức khỏe, phát triển ổn định”.

Ông Lê Văn Khanh, cán bộ thú y cơ sở xã Đức mạnh cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 10.000 con vật nuôi các loại. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên kết quả đạt được rất khả quan. Đặc biệt, xác định phương châm “Mỗi người chăn nuôi là một nhân viên thú y” nên xã đã tuyên truyền để nâng cao ý thức của từng người dân. Bởi, muốn đàn vật nuôi khỏe mạnh, trước hết, mỗi gia đình phải tự mình phòng dịch bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường và khử trùng chuồng trại chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật”.

Tại thị trấn Đắk Mil, công tác phòng bệnh cũng từng bước được người dân chủ động triển khai cho đàn vật nuôi. Chị Lê Thị Hiên, ở tổ dân phố 2 cho biết: “Muốn gà khỏe mạnh, đề kháng tốt thì khâu tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại cực kỳ quan trọng. Vì thế, theo định kỳ, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nguồn thức ăn cho gà cũng được gia đình chuẩn bị rất cẩn thận”.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Theo UBND thị trấn Đắk Mil thì những năm trước đây, quy mô chăn nuôi của các hộ gia đình nhỏ lẻ, không chú trọng chăn nuôi trang trại tập trung. Một số hộ không có hệ thống để xử lý nước thải nên đã làm ô nhiễm môi trường, từ đó, một số bệnh thông thường thường xuyên xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Trước thực trạng này, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức trong chăn nuôi. Theo đó, các khâu từ nguồn giống, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng định kỳ, tiêm vác xin phòng bệnh… từng bước được bà con áp dụng. Địa phương đã phối hợp với Trạm Thú y huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, hơn 3.500 con vật nuôi các loại trên địa bàn đang phát triển tốt.

Theo Trạm Thú y huyện Đắk Mil thì thời gian gần đây, ý thức của người chăn nuôi đã được nâng lên đáng kể. Theo định kỳ, cán bộ thú y chỉ cần thông báo có lịch tiêm phòng đàn trâu, bò, heo… là người dân đã chủ động tập trung vật nuôi theo đàn để tiêm chứ không cần phải nhắc nhở gì nhiều.

Còn về phía Trạm Thú y, để giúp nhân dân hiểu về những quy định trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đơn vị đã, đang phối hợp với các xã, thị trấn, các thôn, bon vừa tổ chức tiêm phòng, vừa tuyên truyền đến bà con kỹ thuật vệ sinh môi trường xung quanh chuồng trại sạch sẽ.

Trạm đã xuống tận cơ sở hướng dẫn cụ thể cho bà con cách phòng, chống dịch, phun thuốc khử trùng tại các địa điểm chăn nuôi, cũng như theo dõi sát đàn vật nuôi để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường, nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa phương đã vận động bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không được dùng thịt gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân mà phải báo cáo cho nhân viên thú y biết để kịp thời xử lý.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng bệnh cho đàn vật nuôi ở Đắk Mil: Người dân đã nâng cao ý thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO