Nhiều chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp

Văn Tâm| 01/11/2021 09:22

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng hiện đại, quy mô hàng hóa, bền vững. Nhiều mô hình sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, các địa phương đã thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ đó, góp phần cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, với nhiều loại cây trồng chủ lực như: cánh đồng mẫu trồng lúa, vùng sản xuất ngô công nghệ cao (CNC) ở Krông Nô; vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC, vùng sản xuất xoài VietGAP ở Đắk Mil; vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC Đắk Song…

Cánh đồng mẫu sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở xã Buôn Choáh (Krông Nô)

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã để tập hợp sản xuất, làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ đó, nhiều loại cây trồng chiến lược như cà phê, hồ tiêu… được tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững.

Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều chuỗi liên kết sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến 32 chuỗi chăn nuôi, sản xuất heo thịt, gia cầm được liên kết giữa người dân với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.

Ngoài ra, còn có các chuỗi như: chuỗi sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu của Công ty CP Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu; chuỗi sản xuất của Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu An Phong; chuỗi liên kết của Công ty Cổ phần Sam nông nghiệp CNC; chuỗi sản xuất Công ty Gia vị Hương Sơn Hà; chuỗi sản xuất Công ty CP Haprosimex…

ADQuảng cáo

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm. Từ đó, tạo nên những sản phẩm có tên tuổi trên thị trường. Cụ thể như, “Măng cụt Gia Ân”; “Sầu riêng Gia Trung”; “Khoai lang Tuy Đức”, “Tiêu Đắk Song”; "Lúa gạo Krông Nô"…

"Măng cụt Gia Ân" là sản phẩm nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, cơ cấu nông nghiệp của tỉnh hiện nay cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây trồng chủ lực như: cà phê 137.000 ha, cao su 26.882 ha, hồ tiêu 32.789 ha, điều 15.726 ha và cây ăn trái hơn 12.000 ha.

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng loại cây trồng, ngành Nông nghiệp sẽ áp dụng sản xuất theo hướng ứng dụng CNC một cách phù hợp. Ngoài xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng CNC, việc sản xuất đại trà cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi; tưới nước tiết kiệm…

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài.

Do đó, ngoài việc phát triển chiến lược, các địa phương cũng cần khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất để bảo đảm nguồn cung hàng hóa hằng năm. Sau đó, từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi và hướng tới quy mô, hiện đại.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 22.000 ha cây trồng các loại được sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ, OCOP, VietGAP…, với sản lượng đạt khoảng 92.000 tấn/năm. Hầu hết các sản phẩm đều đủ điều kiện để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO