Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông

Kim Ngân| 04/04/2022 14:44

Công tác khuyến nông đã tác động tích cực đối với đời sống sản xuất của người dân, nhất là các kỹ thuật về chăm sóc cây trồng. Trong giai đoạn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiện nay, khuyến nông càng có vai trò quan trọng hơn.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện Dự án Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị.

Dự án được triển khai tại xã các Tân Thành, Nam Nung (Krông Nô), có quy mô 10 ha, với 10 hộ dân tham gia. Các hộ tham gia dự án đã được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cà phê theo hướng hiện đại, chất lượng cao.

Các hộ cũng tuân thủ quy trình sản xuất cà phê an toàn sinh học, không sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu. Bà con ưu tiên sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ, sinh học… để chăm sóc vườn cây.

Kết quả, đến nay, năng suất cà phê của 10 hộ dân đạt trung bình 3,5 tấn/ha, lợi nhuận 75 triệu đồng/ha, tăng 15,6% so với trước. Sản phẩm cà phê của bà con được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 12.000 đồng/kg...

Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ tại xã Nam Nung (Krông Nô) đạt kết quả cao

Trước đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng triển khai mô hình thâm canh lúa ST24 theo hướng hữu cơ tại huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Glong. Mô hình có quy mô 30 ha, với 112 hộ dân tham gia.

Toàn bộ diện tích lúa ST24 thuộc mô hình khuyến nông này đều phát triển tốt. Cây lúa chắc khỏe, kháng sâu bệnh, dễ chăm sóc. Năng suất lúa khô đạt trung bình 7,17 tấn/ha. Với giá bán hiện tại từ 7.500 – 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha lúa ST24 người dân có lợi nhuận gần 30 triệu đồng.

Ngoài ra, thời gian qua, ngành Khuyến nông tỉnh còn triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như mô hình tưới nước tiên tiến; thâm canh bí xanh; nuôi gà thả vườn an toàn sinh học; thâm canh cây mắc ca; liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn…

ADQuảng cáo

Trong đó, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình tưới tiên tiến đã giúp người dân tiết kiệm từ 50-70% lượng nước tưới, giảm lượng phân bón từ 20-25%, giảm 70-80% chi phí.

Mô hình này cũng giúp tăng năng suất, giá trị sản phẩm từ 25-30%, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm 15-20%, tăng mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng 10%, giảm mức độ thiệt hại sản xuất 25-30%, tăng thu nhập 40%... 

Từ thành công của các mô hình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai cho hàng trăm bà con nông dân học tập, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất đại trà một cách hiệu quả.

Mô hình sản xuất lúa ST24 tại xã Quảng Hòa (Đắk Glong) được đánh giá rất thành công

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT, Đắk Nông đang thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đang được thúc đẩy theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng.

Để thực hiện các mục tiêu này, ngành Khuyến nông có vai trò rất quan trọng, nhất là việc tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho bà con nông dân.

Đắk Nông là một trong những tỉnh được Bộ NN-PTNT phê duyệt là vùng nguyên liệu lớn của cả nước. Điều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang hội nhập sâu vào nền sản xuất của cả nước.

Do vậy, ngành Nông nghiệp xác định, lực lượng khuyến nông cần phải tiếp tục đổi mới để thích ứng với tình hình mới. Khuyến nông đòi hỏi phải làm tốt khâu chuyển giao công nghệ, tăng năng suất, sản lượng, phòng chống dịch bệnh, tư vấn kỹ thuật cho người dân.

Hệ thống khuyến nông cũng cần quan tâm, hướng dẫn bà con nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO