Văn học - Nghệ thuật

Lời hẹn tinh khôi

Việt Thu 25/02/2024 11:12

Hằng phải ngoắc tay hứa với nó chắc chắn ra tết mình sẽ vào nó mới chịu quay về. Điểu Nam quý Hằng lắm. Nó bảo nhờ có Hằng nó mới sống được.

ADQuảng cáo

Thấy Hằng sắp xếp quần áo cho vào ba lô để ngày mai quay lại bệnh viện làm việc, bà nội nhắc nhở:

- Cháu để sẵn mấy hộp bánh, kẹo làm quà cùng chỗ với ba lô quần áo không sáng mai vội vội vàng vàng đi lại quên đấy.

Hằng kéo khóa ba lô lại, đặt gọn gàng vào một chỗ rồi bước tới ôm vai bà:

- Cháu chuẩn bị xong hết rồi bà ạ. Bọn trẻ con chắc thích lắm bà ạ. Hôm qua chị Nguyệt còn cho cháu một ít quần áo cũ của Tí, Na với con các anh chị làm cùng cơ quan chị Nguyệt nữa. Cứ phải nói là tha hồ quà luôn ấy bà.

Hằng dụi đầu vào vai bà nội như ngày còn bé, hít hà mùi thảo dược, mùi thuốc nam dìu dịu, ấm áp tỏa ra từ quần áo, từ tấm khăn trùm đầu của bà. Hằng nũng nịu:

- Sao mà tết nhanh hết thế bà nhỉ. Cháu chỉ ước hôm nay lại là hai mươi chín tết. Vừa về rúc nách bà được mấy hôm thôi đã hết tết rồi.

Bà mắng yêu cô:

- Cha bố cô, bằng tuổi cô người ta đã chồng con rồi mà cô còn cứ như trẻ con ấy.

Mấy năm rồi Hằng mới được về ăn tết với bà, với anh chị. Tốt nghiệp Đại học Y với tấm bằng loại giỏi, ai cũng nghĩ Hằng sẽ làm việc tại một bệnh viện lớn, danh tiếng. Một vài bệnh viện tư ở thành phố cũng mời cô về với mức lương hấp dẫn. Nhưng cả anh trai, chị dâu và bạn bè đều bất ngờ khi Hằng viết đơn xin đăng ký vào dự án thí điểm đưa bác sĩ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Anh trai là người phản đối quyết liệt nhất. Nhà chỉ có bà nội và hai anh em nương tựa vào nhau, Hằng lại là con gái. Anh chỉ mong Hằng làm việc gần nhà, tìm được một người chồng phù hợp và yêu thương Hằng. Từ nhỏ đến lớn, anh luôn cố gắng thay cha mẹ để chăm sóc, lo lắng cho Hằng, không để Hằng phải cảm thấy buồn tủi, thiệt thòi so với chúng bạn. Hằng thương anh, tôn trọng anh nhưng cô cũng có ước mơ và hoài bão của riêng mình. Hằng bảo, dù ít dù nhiều, em muốn được thực hiện một phần mong ước của cha mẹ, tiếp nối một đoạn hành trình mà cha mẹ đã từng làm, từng cống hiến. Anh nghe Hằng nói, im lặng suốt mấy ngày liền rồi đồng ý.

Cha mẹ Hằng cũng là những bác sĩ được nhiều người biết tới. Ngoài chuyên môn, cha mẹ còn được nhắc tới bởi lòng nhân ái, những chuyến thiện nguyện. Không một hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho bà con Nhân dân nào do bệnh viện tổ chức vắng mặt cha mẹ Hằng. Mẹ còn tranh thủ thời gian đi xin quần áo cũ, bánh kẹo, gạo, mì tôm để làm quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong những chuyến công tác về vùng sâu, vùng xa ấy. Từ ngày bé, Hằng đã biết gom sách báo cũ, vỏ chai nhựa bán lấy tiền nuôi heo đất gửi mẹ mua quà. Dẫu cha mẹ hay phải đi trực, ít có thời gian dành cho hai anh em Hằng nhưng Hằng vẫn yêu và ngưỡng mộ cha mẹ. Thi thoảng, Hằng lấy áo blouse của mẹ mặc lên, đóng giả làm bác sĩ, bắt anh trai giả làm bệnh nhân để mình khám bệnh. Gia đình Hằng những ngày ấy ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Nhưng rồi một tai nạn bất ngờ đã cướp cha mẹ khỏi anh em Hằng mãi mãi. Chuyến xe chở cha mẹ cùng đồng nghiệp đi công tác gặp tai nạn. Ngày tiễn đưa cha mẹ Hằng, người thân, đồng nghiệp, bạn bè và những người từng được cha mẹ giúp đỡ xếp thành hàng dài cúi đầu tiễn biệt. Từ ấy, anh em Hằng dựa vào bà nội. Bà nội vừa làm cha, vừa làm mẹ, anh trai Hằng tập làm người lớn gánh vác việc nhà.

Hằng nhớ cha, nhớ mẹ trong từng giấc ngủ, bữa ăn. Hằng tập làm việc nhà để đỡ đần bà, cố gắng học giỏi để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ giống cha mẹ. Hằng giúp bà chăm sóc vườn cây thuốc nam như hồi cha còn bé, mỗi khi nhớ tên một loại cây, Hằng lại thầm khoe với cha ở trong lòng. Những nhớ thương, buồn bã, Hằng gửi gắm vào những lời tâm sự trong cuốn nhật ký. Mỗi ngày, Hằng lại ước mình lớn nhanh để bà nội và anh đỡ vất vả. Đêm ngủ với bà, Hằng kể huyên thuyên đủ chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè để bà khuây khỏa. Hằng biết bà cũng như mình, cố nén nỗi đau để các cháu khỏi tủi thân, chạnh lòng.

Ngày Hằng xung phong về nơi khó khăn, bà nội không ngăn cản. Bà chỉ bảo Hằng là đứa mạnh mẽ, dứt khoát từ nhỏ. Cứ để cho Hằng được thực hiện ước mong của mình, đừng ngăn cản. Bà tin bố mẹ hai đứa trên trời có linh thiêng cũng sẽ tin tưởng Hằng.

Hằng đứng dậy thắp hương cho cha mẹ. Mùi nhang trầm như kết nối những nhớ thương với ký ức. Bà nội chợt nhớ ra, khẽ hỏi:

- Đã cất túi hạt giống vào ba lô chưa cháu.

Hằng nén nỗi xúc động, khẽ đáp:

ADQuảng cáo

- Cháu cất rồi bà ạ. Việc quan trọng phải làm đầu tiên chứ bà.

Nơi Hằng công tác là bệnh viện đa khoa huyện biên giới một tỉnh Tây Nguyên. Đường sá đi lại khó khăn, trang thiết bị thiếu thốn, bà con đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc mới nhận công tác, nhìn Hằng trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ, chẳng ai tin Hằng sẽ thích nghi và gắn bó lâu dài với mảnh đất khó khăn, đầy nắng gió ấy. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn, Hằng đã được bà con Nhân dân yêu mến, tin tưởng. Hằng nhớ lời bà dặn, vừa khám chữa bệnh, vừa nắm bắt tâm lý bệnh nhân, trò chuyện với bệnh nhân để họ yên tâm, tin tưởng. Hằng nhớ tên tuổi, nắm được từng hoàn cảnh bệnh nhân của mình. Những ngày cuối tuần không trực, Hằng lại đi xuống từng bon, bản tuyên truyền cho người dân cách giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh.

Từ những ngày chăm sóc vườn cây thuốc nam cùng bà, Hằng tận dụng đất trống ở khu tập thể trồng ít cây trị bệnh ho, cảm cúm, tăng sức đề kháng cho trẻ con. Những đứa trẻ trong bon hay gọi Hằng là “cô bác sĩ”. Mỗi lần thấy Hằng đeo túi thuốc vào bon, chúng lại ùa ra tíu tít. Nhà trồng được ít ngô, ít đậu, chúng cũng dặn cha mẹ để dành cho “cô bác sĩ” Hằng.

Hôm Hằng vào bon tặng quà để chuẩn bị về quê ăn tết, Điểu Nam theo Hằng ra tận đầu bon. Nó cứ hỏi đi hỏi lại Hằng về quê rồi có vào lại không. Ngày trước ở xã có cô giáo xung phong lên dạy học, có y tá xung phong lên trạm y tế nhưng sau đó về quê không vào lại nữa. Hằng phải ngoắc tay hứa với nó chắc chắn ra tết mình sẽ vào nó mới chịu quay về. Điểu Nam quý Hằng lắm. Nó bảo nhờ có Hằng nó mới sống được. Ngày ấy nó bị bệnh, bố mẹ nó lại nghe theo lời hội nhóm rủ rê, dụ dỗ định không chữa trị cho nó mà chỉ cần cúng bái nó sẽ khỏe. Hằng vừa tỉ tê khuyên nhủ, vừa nhờ đến các anh bộ đội biên phòng giúp cõng nó chạy ra đón xe lên bệnh viện tỉnh mới kịp thời cứu được Điểu Nam. Cha mẹ nó nhận Hằng làm con nuôi. Mỗi lần Hằng vào bon tuyên truyền, nó đi theo Hằng. Ai tỏ vẻ nghi ngờ lời Hằng nói, nó đứng dậy, ưỡn ngực:

- Không tin thì nhìn tui đây nè. Bây giờ tui khỏe mạnh, chạy nhảy suốt ngày là nhờ chị Hằng chứ ai.

Hằng ôm vai bà nội, kể chuyện về Điểu Nam cho bà nghe. Chưa bao giờ Hằng thấy hối hận vì quyết định của mình. Hằng tin, bố mẹ cũng sẽ tự hào về những điều Hằng đang làm, dẫu chỉ là những việc nhỏ bé.

Câu chuyện của hai bà cháu đang rôm rả thì nhà có khách. Hằng đứng dậy ra mở cổng. Người thanh niên dìu một ông cụ chống nạng bước vào. Ông cụ cất tiếng hỏi:

- Cháu cho ông hỏi, đây có phải nhà bà Minh không?

- Cháu chào ông, chào anh ạ. Dạ đúng rồi ông ạ. Bà cháu đang ở trong nhà, mời ông và anh vào ạ.

Cô ngạc nhiên khi nhận ra người quen:

- Ơ, anh Tuấn…

Người thanh niên tên Tuấn cũng vui mừng khi nhận ra Hằng. Anh dìu ông vào, chào bà rồi nói chuyện với Hằng.

- Không ngờ anh em mình lại là đồng hương. Đây là quê ngoại anh. Năm nay anh cũng được nghỉ phép nên đưa mẹ về quê ăn tết.

Tuấn đóng quân ở đồn biên phòng nơi Hằng công tác. Anh và Hằng có dịp gặp gỡ khi hai chi đoàn giao lưu, tổ chức các hoạt động tình nguyện. Chính anh cũng là người cõng Điểu Nam đi cấp cứu khi Hằng nhờ. Hai chi đoàn nhiều lần ghép đôi khi anh và cô cùng biểu diễn các tiết mục song ca khá ăn ý nhưng cả anh và cô vẫn đang coi nhau như bè bạn dù cũng có ý cảm mến nhau. Đúng thật trái đất tròn khi ông ngoại anh và bà nội cô là người quen cũ. Ngày ấy, bà nội Hằng là y tá tại một trạm quân y. Chính bà đã chăm sóc ông ngoại Tuấn khi ông bị thương sau một trận đánh. Trên đường đưa ông cùng các thương binh khác ra tuyến sau, gặp máy bay địch bắn phá, bà cùng các y, bác sĩ đã nằm đè lên để che chở cho thương binh. Ông ngoại anh không bao giờ quên được người nữ y tá nhỏ nhắn, dịu dàng đã ân cần chăm sóc mình trong những năm tháng đạn bom ác liệt. Vậy mà hết chiến tranh, cùng sống ở một tỉnh, chỉ khác huyện mà mãi ông mới tìm thăm được ân nhân của mình…

Hằng lắng nghe câu chuyện của bà nội, của ông ngoại Tuấn. Cô khẽ đỏ mặt khi nghe Tuấn hỏi:

- Mai em cũng đón xe vào đúng không. Để mai anh xuống sớm, phụ em mang đồ ra đón xe nhé. Mình đi cùng cho vui.

Đang định bảo đằng nào xe cũng đi qua nhà anh, anh chạy ngược đường làm gì cho mệt, nhưng nhìn thấy ánh mắt dịu dàng của Tuấn, chẳng hiểu sao Hằng lại gật đầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời hẹn tinh khôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO