Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”

Phan Tân| 25/11/2016 19:34

Chiều 25/11, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258).

* Xác định giám định tư pháp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong cải cách tư pháp

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 258 chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Cao Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 258 tỉnh, cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy cùng  lãnh đạo các sở ngành liên quan tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đắk  Nông

Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay Đề án 258 đã được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Qua 5 năm thực hiện Đề án 258 đã và đang tạo ra sự phát triển có tính bước ngoặt về tổ chức, hoạt động, quản lý và nâng cao chất lượng giám định tư pháp, phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp.

Nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng chuyển biến sâu sắc. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan tích cực thực hiện. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập và hoạt động giám định chuyên trách trong 3 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự được củng cố, hoàn thiện một bước rất quan trọng.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định được các bộ chủ quản lĩnh vực giám định quan tâm đầu tư. Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có  6.154 giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực và 1.630 giám định tư pháp theo vụ việc. Trung bình mỗi năm, các tổ chức giám định trong toàn quốc thực hiện giám định hơn 150.000 vụ việc, chủ yếu ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố cũng đã phát biểu làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án như: Việc hướng dẫn thực hiện luật Giám định tư pháp ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám định; quy định về chi phí giám định chưa được triển khai thực hiện phù hợp với thực tế; cơ sở vật chất của các tổ chức giám định tư pháp còn rất thiếu thốn và lạc hậu về công nghệ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ....

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, trên cơ sở tinh thần thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, cấp ủy đảng, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương phải xác định giám định tư pháp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong cải cách tư pháp, từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội. Các bộ, ngành hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật về giám định tư pháp để có cơ sở tập trung nguồn lực phát triển, nhất là kêu gọi xã hội hóa trong thực hiện giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu giám định của cá nhân, tổ chức trong các quan hệ dân sự, hành chính. Các bộ, ngành tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao về giám định tư pháp; củng cố cả về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ tổ chức, cá nhân làm giám định; có chính sách khuyến khích, động viên và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho tổ chức giám định, người làm giám định...

Nhân dịp này, Bộ Tư pháp đã tặng Bằng khen cho 38 tập thể, 36 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện Đề án 258.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO