Hiệu quả từ sản xuất nông - lâm kết hợp

Văn Tâm| 10/06/2015 09:55

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông - lâm kết hợp đã phát huy được lợi thế về đất đai, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho bà con.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Trần Văn Thành ở thôn 2, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) hiện có hơn 5 ha đất sản xuất, trong đó hơn một nửa diện tích là đất đồi. Trước đây, toàn bộ diện tích này là đất bạc màu nên gia đình ông chỉ trồng mì, nhưng năng suất thấp...

Sau khi đi tham quan, tìm hiểu thực tế ở một số địa phương, ông đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 1 ha keo lai, 1 ha cây ăn quả với các giống như sầu riêng, bơ, mít… Sau 3 năm chăm sóc, đến nay, vườn cây của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, ông tiếp tục tích cóp vốn để đầu tư vào trồng rừng, cây ăn quả kết hợp với trồng cà phê trên diện tích đất còn lại của gia đình. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông còn trồng xen các loại màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm có thêm thu nhập lo cho cuộc sống hàng ngày và đầu tư trở lại cho vườn cây.

Mô hình keo lai dâm hom tại gia đình ông Trần Văn Thành ở thôn 2, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Ông Thành chia sẻ: Phương châm của gia đình tôi là trồng nhiều cây, nuôi nhiều con vì nếu rủi ro chỗ này lấy chỗ khác bù vào. Với lại, trong quá trình sản xuất, gia đình tôi luôn đảm bảo đúng kỹ thuật nên vườn rẫy lúc nào cũng xanh tốt, ít sâu bệnh. Việc phát triển kinh tế theo hướng nông - lâm kết hợp là rất thuận tiện, không chỉ tiết kiệm được công chăm sóc, chi phí đầu tư mà còn góp phần chống xói mòn, cải tạo đất và bảo vệ môi trường.

Còn gia đình ông Đoàn Ngọc Tuyên ở thôn Đắk Lập, xã Đắk D'rô (Krông Nô) cũng có trên 30 ha đất sản xuất theo hướng nông - lâm kết hợp. Năm 2000, gia đình ông có 2 ha đất trống, ông đã quyết định trồng thử nghiệm 50 cây hương. Khi hương được 5 năm, ông đã tận dụng thân gỗ cây hương để làm trụ sống trồng tiêu. Khi những cây hương đã được 13 năm tuổi và đạt đường kính trung bình 25 cm thì mỗi gốc tiêu cho ông Tuyên thu về từ 3 đến 4 kg quả/năm.

ADQuảng cáo

Từ thành công của cây hương, ông Tuyên trồng xen các loại cây như sưa đỏ, lát hoa, cẩm lai, muồng đen… vào vườn cà phê. Ngoài mục đích lấy gỗ, các loại cây rừng còn là cây chắn gió, che bóng cho cây cà phê.

Đến nay, gia đình ông Tuyên đã có hơn 30 ha đất; trong đó có 5,8 ha cà phê, 11 ha cao su kiến thiết cơ bản, trên 3.000 trụ tiêu, 6.000 gốc sưa đỏ 8 năm tuổi, trên 2.000 gốc lát hoa, cẩm lai cùng hàng trăm gốc xoan, muồng đen. Mỗi năm, gia đình ông thu từ cà phê, tiêu gần 1 tỷ đồng.

Tương tự, gia đình ông Trần Đoán ở thôn 9, xã Đắk Lao (Đắk Mil) cũng khá giả lên từ sản xuất nông lâm kết hợp.  Hiện nay, gia đình ông có 2 ha cà phê kết hợp trồng các loại cây sầu riêng, bơ, cây đai rừng như muồng đen, bời lời…

Ông Đoán cho biết: “Mặc dù diện tích đất sản xuất không nhiều nhưng tôi đã tính toán, bố trí trồng xen các loại cây trồng khác nhau theo tỷ lệ hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất cho gia đình. Tôi trồng cây ăn quả xen với cây cà phê, còn nơi trũng thấp thì đào ao nuôi cá. Nhờ vậy, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập từ các sản phẩm đa dạng trong vườn”.

Có thể nói, sản xuất nông - lâm kết hợp là xu hướng hiện đang được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng. Đây là hướng sản xuất nông nghiệp không những mang hiệu quả kinh tế mà còn giúp đảm bảo canh tác bền vững trên đất dốc ở các địa phương. Theo ông Nguyễn Tiến Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh thì trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ngàn héc ta đất nông nghiệp được người dân canh tác theo hướng nông - lâm kết hợp.

Trong đó, riêng Dự án Flicht đã thực hiện được 3.979 ha, với trên 808.560 cây như sao, mắc ca, tếch, bời lời, muồng đen, mít, bơ, xoài, sầu riêng… Theo đó, diện tích quy đổi từ trồng nông - lâm kết hợp sang trồng rừng tập trung là 678 ha. Còn đối với diện tích trồng cây phân tán sau khi quy đổi sang trồng rừng tập trung, toàn tỉnh cũng đã có là 17,6 ha…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ sản xuất nông - lâm kết hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO