Đức Xuyên chuyển đổi cây trồng để chống hạn

Nguyễn Lương| 01/04/2021 09:32

Đưa cây mới vào trồng trên những vùng đất thường xuyên thiếu nước, tăng vụ, chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất... là những cách làm mà xã Đức Xuyên (Krông Nô) triển khai để đối phó với hạn hán.

ADQuảng cáo

Thay lúa nước bằng hoa màu

Về cánh đồng thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên, nhiều ruộng khoai lang cuối vụ đang được người dân khẩn trương thu hoạch. Năng suất khoai lang đạt cao, giá cả cũng ổn định, người dân nơi đây vô cùng phấn khởi.

Đứng trước những ruộng khoai lang mang về nguồn lợi lớn, ít ai biết rằng, vài năm trước, đây là những ruộng lúa nước. Vì thiếu nước thường xuyên, lúa nước kém năng suất, nên vài năm gần đây, bà con đã chuyển sang trồng khoai lang.

Trên cánh đồng thôn Xuyên Hải, nhiều ruộng khoai lang đã được thay thế trên diện tích lúa nước kém hiệu quả

Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Xuyên Hà, là một trong những người dân tiên phong mang giống khoai lang về canh tác tại đây. Theo bà Hà, cánh đồng này mỗi năm chỉ trồng lúa được một vụ, còn lại để hoang vì không có nước.

Năm 2018, bà mạnh dạn đưa giống khoai lang về trồng thử vài sào. Sau khi canh tác vài vụ, nhận thấy khoai lang cần ít nước tưới, năng suất cao, nên bà trồng đại trà. “Khoai lang có thể canh tác 3 vụ/năm, tổng thu nhập gấp 3 lần lúa nước. Chi phí và công chăm sóc lại ít hơn nhiều so với lúa”, bà Liên chia sẻ.

Cũng thay lúa nước bằng cây trồng cạn, ông Lê Tiến Hạnh, thôn Xuyên Hà, đã đưa giống bí đỏ vào canh tác trên diện tích 2 sào. Ông Hạnh cho biết, năng suất trung bình của bí đỏ đạt từ 12-14 tạ/sào/vụ.

Trừ chi phí, mỗi vụ bí đỏ ông Hạnh thu về tầm 15 triệu đồng. Bí đỏ ít công chăm sóc, có thể canh tác trên vùng đất khô cằn, tiết kiệm nước tưới. "So với lúa hoặc cà phê, rõ ràng bí đỏ hiệu quả hơn rất nhiều", ông Hạnh phân tích.

Theo UBND xã Đức Xuyên, địa phương hiện có 2.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 150 ha; bắp 250 ha; khoai lang 150 ha; bí đỏ 100 ha, còn lại là các loại cây trồng khác.

ADQuảng cáo

Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, mức thu nhập của người dân từng bước được nâng cao. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người tại địa phương ở mức 30 triệu đồng/người/năm. Đến cuối 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đã nâng lên 45 triệu đồng/người/năm.

Giống ớt cay là loại cây trồng mới đang được người dân xã Đức Xuyên đưa vào trồng thử nghiệm tại những diện tích thường xuyên thiếu nguồn nước tưới

Tích cực chuyển đổi cây trồng

Theo ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, những năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng đến nâng cao hiệu quả kinh tế được người dân thực hiện mạnh mẽ.

Nhiều loại rau màu có giá trị kinh tế cao được địa phương vận động bà con nông dân đưa vào canh tác. Trong đó, những vùng thường xảy ra khô hạn, có nguy cơ thiếu nước cao như cánh đồng thôn Xuyên Hải, Xuyên Hà... .đã được chuyển đổi cây trồng.

Từ năm 2019 đến nay, địa phương đã chuyển đổi gần 100 ha lúa nước sang nhiều loại cây trồng cạn. Hầu hết những cây trồng được chuyển đổi đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao cho bà con nông dân. Đối với lúa nước, phải có hệ thống kênh mương, nước tưới, chăm sóc đầy đủ mới hiệu quả. Thế nhưng, điều kiện tại một số vùng trên địa bàn xã chưa đáp ứng được. Do đó, việc vận động người dân chuyển đổi trồng rau màu là phù hợp. Vì rau màu cần ít nước tưới, cho năng suất, giá trị lại cao hơn nhiều so với lúa.

"Đơn cử như 1 ha lúa nước, sau khi trừ chi phí người dân thu về tầm 17 triệu đồng. Riêng khoai lang, 1 ha bà con thu về 35 triệu đồng”, ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên (Krông Nô) so sánh.

Cũng theo ông Hùng, địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cơ cấu theo hướng bền vững. Nhiều loại giống cây trồng mới như dâu tằm, ớt cay, gai xanh… đang được người dân đưa vào trồng thử nghiệm.

Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng, địa phương sẽ thành lập mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm phát triển sản xuất tập trung, theo chuỗi giá trị. Việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, cũng sẽ được xã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trong, ngoài tỉnh thực hiện.

Dựa vào tình hình thời tiết tại địa phương, xã Đức Xuyên sẽ lựa chọn các phương án để chuyển đổi cây trồng phù hợp. Ở những vùng thấp, trũng, lịch thời vụ sẽ được thực hiện nhanh hơn để tránh ngập úng. Còn những vùng cao, xã sẽ cho sản xuất theo hướng "gối vụ" nhằm tăng năng suất, từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đức Xuyên chuyển đổi cây trồng để chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO