Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng thủy lợi

Đức Diệu| 18/06/2014 09:59

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ-TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” (Nghị quyết 13), trong những năm qua, tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng từ nông thôn đến đô thị. Tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu đầu tư cho hạ tầng thủy lợi đảm bảo đáp ứng tưới tiêu cho 80% diện tích nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 13, toàn tỉnh đã đầu tư mở mới 40 dự án để xây dựng các công trình thủy lợi với tổng kinh phí phân bổ 780 tỷ đồng; trong đó hiện đã có 33 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo tưới thêm cho 972 ha lúa nước và 4.458 ha cây trồng khác.

Công trình thủy lợi Đắk Cai, xã Trường Xuân (Đắk Song) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Mai Anh

Riêng 7 công trình còn lại dự kiến kiến hết năm 2014, tỉnh sẽ hoàn thành và đảm bảo tưới thêm cho 716 ha lúa nước và 2.570 ha cây trồng các loại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tiến hành đầu tư, nâng cấp sửa chữa 11 công trình thủy lợi nhằm nâng cao năng lực phục vụ, đảm bảo an toàn cho các công trình vào mùa mưa lũ.

Các công trình được nâng cấp góp phần đảm bảo phục vụ tưới thêm cho 790 ha lúa nước và 1.110 ha cây trồng khác. Các công trình thủy lợi được đầu tư mới, nâng cấp trong giai đoạn 2011 đến nay cùng với các công trình thủy lợi trước đó không chỉ đáp ứng tưới tiêu cho khoảng gần 60% diện tích nông nghiệp toàn tỉnh mà còn góp phần tăng nhanh diện tích đất sản xuất và sản lượng lương thực hàng năm.

Theo thống kê, đầu năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 295.281 ha đất trồng các loại cây, tăng 48.589 ha so với năm 2009. Sản lượng lương thực tăng bình quân hàng năm trên 17%; bình quân lương thực trên đầu người đạt 550 kg. Riêng diện tích cây cà phê hiện có khoảng 114.725 ha, với sản lượng khoảng 210.000 tấn, đóng góp lớn nhất cho giá trị ngành nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 60%.

Việc đầu tư mở mới, nâng cấp các công trình thủy lợi cũng đã tạo điều kiện để tỉnh ta phát triển ngành nuôi trồng thủy sản với mức tăng bình quân 16%/năm; góp phần trong việc cải tạo môi trường, môi sinh trên địa bàn, đặc biệt là mực nước ngầm tăng lên đáng kể đã giúp nhân dân thuận lợi hơn trong việc khai thác nước ngầm sử dụng sinh hoạt và sản xuất.

ADQuảng cáo

Ngoài việc chú trọng đầu tư mở mới, nâng cấp các công trình thủy lợi, trong giai đoạn 2011 đến nay, tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành triển khai điều tra, đo đạc, thu thập số liệu, ứng dụng mô hình kiểm soát và dự báo nguồn nước  mặt từ lượng mưa thực đo trên địa bàn tỉnh; lập bản đồ cắm mốc cảnh báo các vùng thường xuyên bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh, nhất là những khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt để làm cơ sở phòng ngừa thiên tai, chủ động ứng phó với sự biến đổi của khí hậu.

Việc đầu tư các công trình thủy lợi để nâng tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được bảo đảm nguồn nước tưới, làm tăng năng suất cây trồng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân là hết sức cần thiết và mang tính quyết định.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, đến nay, các công trình thủy lợi hiện có của tỉnh mới đáp ứng được khoảng 60% diện tích có nhu cầu tưới; trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2015 là 80%. Đó là chưa kể đến hàng loạt công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng trước đây hiện đang trong giai đoạn xuống cấp, nhu cầu duy tu, sửa chữa là khá lớn; diện tích đất nông nghiệp cần nhu cầu tưới tiêu cũng đang tăng nhanh do tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng của người dân phục vụ cho mục tiêu trồng trọt.

Trong khi đó, trên thực tế, nguồn vốn đầu tư hàng năm cho hạ tầng cơ sở nói chung, hạ tầng thủy lợi nói riêng từ ngân sách tỉnh hiện nay chỉ bố trí được rất ít do nguồn thu mới đáp ứng được khoảng 1/3 nguồn chi. Việc huy động các nguồn lực khác theo chủ trương xã hội hóa cho lĩnh vực này cũng rất khiêm tốn vì nguồn vốn đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm.

Việc huy động vốn đóng góp từ phía người dân cũng chỉ đảm bảo một phần cho công tác duy tu, sửa chữa những công trình hiện có với quy mô nhỏ. Vì thế, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Trung ương, sự quyết liệt triển khai các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư đồng bộ thì mục tiêu về hạ tầng thủy lợi của tỉnh đến năm 2015 là rất khó thực hiện.

Trước thực trạng đó, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tăng cường hỗ trợ cho tỉnh Đắk Nông xây dựng các công trình thủy lợi giai đoạn 2014-2015 với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Mặt khác, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hiệu quả cho phát triển hạ tầng thủy lợi.

Cụ thể, trong thời gian tới, bên cạnh việc tận dụng triệt để, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Trung ương, các cấp, ngành cũng sẽ chú trọng phát huy các nguồn lực trong xã hội để thu hút các nguồn lực bằng việc cải thiện cơ chế, chính sách, đề ra các giải pháp huy động các nguồn vốn. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng thủy lợi để có lộ trình đầu tư hợp lý, hiệu quả, mang tính thiết thực cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO