Đồng bào Công giáo thi đua phát triển kinh tế, sống tốt đời đẹp đạo

Hoàng Hoài| 24/12/2015 09:49

Toàn tỉnh hiện có 118.000 giáo dân đạo Công giáo, chiếm 22,85% dân số. Thời gian qua, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, giáo dân trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực trong giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn với công tác nhân đạo, từ thiện.

ADQuảng cáo

tại nhiều địa phương trong tỉnh, giáo dân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bà con đã trồng lại bằng giống mới hoặc ghép chồi để cải tạo vườn cây.

Sáng kiến động cơ hai thì của giáo dân Ngô Viết Hường ở thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã giúp người nông dân dễ dàng hơn trong vận chuyển nông sản qua địa hình đồi dốc

Đơn cử như ở xã Đức Minh (Đắk Mil), nơi có phần lớn giáo dân sinh sống đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nhất là đẩy mạnh việc tái canh cà phê. Hiện nay, toàn xã có 3.200 ha cà phê thì  bà con đăng ký tái canh 1.278 ha thuộc diện già cỗi, kém hiệu quả. Chỉ tính trong năm 2014, xã đã triển khai tái canh được khoảng 540 ha cà phê và kết quả có trên 95% diện tích tái canh đạt kết quả tốt. Năm 2015, xã tiếp tục tái canh 208 ha.

Ông Võ Phan Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Minh cho biết: “Việc tái canh cà phê đã giúp nhiều hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giống cà phê mới được nông dân ưa chuộng là TR4, vì có khả năng sinh trưởng, phân cành mạnh, kháng bệnh gỉ sắt cao, nên năng suất cũng cao hơn, trung bình đạt từ 5-7 tấn nhân/ha”.  

Nhiều giáo dân còn kết hợp giữa sản xuất với ươm giống cây trồng mới, có chất lượng, năng suất cao phục vụ sản xuất trong vùng, vừa tăng thu nhập. Như gia đình các ông Nguyễn Đình Luận, Nguyễn Văn Ngữ ở Giáo xứ Bác Ái, xã Đức Mạnh (Đắk Mil), ngoài trồng bơ Booth thì còn sản xuất cây giống, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Hay ông Nguyễn Văn Sơn, Giáo họ Vinh Đức, xã Đức Minh (Đắk Mil), mỗi năm sản xuất hàng chục nghìn cây cà phê giống mới để phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài vùng. Bên cạnh sản xuất trồng trọt thì hiện nay, phần lớn bà con tại các giáo xứ còn phát triển chăn nuôi để tăng nguồn thu và cải thiện cuộc sống. Hộ ít thì vài con, nhưng có hộ thì lên tới cả ngàn con gia súc, gia cầm.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Như ông Vũ Văn Sỹ ở thôn Thuận Tình, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đã xây dựng trang trại nuôi heo lớn với quy mô 1.000 con. Mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng 2 đợt và thu về khoảng 700 triệu đồng. Còn ở huyện Chư Jút, đến nay, đàn bò do bà con giáo dân nuôi lên đến 1.000 con, gia cầm trên 40.000 con.

Với tinh thần “bác ái, yêu thương”, đồng bào công giáo cũng thực hiện nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội. Từ năm 2010-2015, giáo dân trong tỉnh đã giúp đỡ cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 5,2 tỷ đồng và 41 tấn lương thực.

Cụ thể như Công ty TNHH MTV Hồng Ngọc ở thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) đã hỗ trợ 100 triệu đồng để xây nhà cho người khiếm thị của huyện cũng như  thường xuyên tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách vào các dịp lễ, tết...

Ông Trần Thế Dũng, chủ Doanh nghiệp chế biến lâm sản Khánh Công ở thị trấn Ea T’ling mỗi năm đóng góp 100 triệu đồng để giúp người nghèo làm nhà. Hội Các bà mẹ Công giáo Giáo xứ Phúc Lộc ở xã Tâm Thắng (Chư Jút), ủng hộ hàng trăm triệu đồng để tổ chức nồi cháo tình thương tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chư Jút chuyên phục vụ bệnh nhân vào sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng được 20 căn nhà tình nghĩa trị giá 1 tỷ đồng. Giáo xứ Xã Đoài ở xã Đức Minh (Đắk Mil) tổ chức giúp bệnh nhân nghèo Bệnh viện Đa khoa huyện mỗi ngày 3 suất ăn.

Giáo xứ Quảng Đà, xã Nam Đà (Krông Nô) thì giúp đồng bào Mông ở xã Quảng Phú 12 tấn lương thực, 1.000 phần quà trị giá 200 triệu đồng và hàng ngàn bộ quần áo. Dòng Nữ vương Hòa Bình ở Giáo xứ Gia Nghĩa thì giúp các em học sinh nghèo tại xã Trường Xuân (Đắk Song) hàng ngàn suất ăn trưa; đồng thời vận động giáo dân giúp 8 hộ có người bị khiếm thị, bại liệt 137 triệu đồng để xây dựng nhà và mua lương thực.

Ngoài ra, các nữ tu còn mở các lớp dạy may, nữ công gia chánh, đánh đàn và học chữ cho 20 em nữ dân tộc thiểu số. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh hỗ trợ Bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh…

Những hoạt động từ thiện xã hội của giáo dân, tổ chức Công giáo thể hiện và lan tỏa tinh thần bác ái, “sống tốt đời đẹp đạo”, tạo thêm sự gắn kết và đoàn kết xã hội.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào Công giáo thi đua phát triển kinh tế, sống tốt đời đẹp đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO