Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Nguyễn Hiền 19/09/2024 06:00

Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).

ADQuảng cáo

Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà

Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong hiện có hơn 1.300 học sinh, trong đó 96% là học sinh DTTS. Theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Vừ A Dính Phan Thu Huyền, do đặc thù có số lượng học sinh DTTS đông nên trường đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở các khối, lớp. Giáo viên không chỉ tập trung giảng dạy chương trình học mà còn tạo mối quan hệ gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Giáo viên luôn tranh thủ hỗ trợ học sinh yếu qua các giờ ra chơi và sau giờ học để các em theo kịp chương trình.

12333.png
Hàng năm, học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều được cấp phát sách giáo khoa, vở viết đầy đủ

Ngoài ra, nhà trường còn kết hợp các buổi chào cờ hàng tuần, sinh hoạt ngoại khóa để tăng cường kỹ năng cho học sinh. Với đặc thù có nhiều học sinh nhà ở xa, trường đã tổ chức bếp ăn bán trú cho 320 học sinh theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường đã kêu gọi được sự ủng của các nhà hảo tâm để nấu thêm thức ăn với trị giá 10.000 đồng/bữa ăn/em cho từ 220 - 250 học sinh/ngày.

33333.png
Các trường vùng sâu tổ chức các bữa ăn bán trú cho học sinh có nhà ở xa

“Chất lượng giáo dục của trường đang từng bước được nâng lên rõ rệt. Năm học 2023-2024, trường có tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học đạt trên 95%. Riêng học sinh DTTS hoàn thành chương trình đạt trên 90%. Điều đáng mừng nhất là phần lớn học sinh sau một thời gian học đều trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Nhiều học sinh có thể tự tin thể hiện mong muốn, năng khiếu của mình. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà trường hướng tới để giúp các em tự tin, chủ động và tiếp cận bài học hiệu quả hơn”, bà Huyền cho hay.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh

Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường đông học sinh DTTS.

Trường mầm non Họa Mi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa mỗi năm có trên 50% trẻ là người DTTS. Ngoài việc quan tâm bố trí giáo viên người bản địa đối với các lớp trẻ 3-4 tuổi, trường triển khai nhiều giải pháp khác để tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

1234.png
Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong quan tâm tăng cường Tiếng Việt cho học sinh DTTS

Theo đó, khi làm đồ dùng, đồ chơi dạy học, giáo viên làm song ngữ tiếng Việt và tiếng M’nông để trẻ dễ tiếp cận, dễ nhớ. Cô giáo H’Lang, giáo viên Trường mầm non Họa Mi chia sẻ: “Là người DTTS, tôi thường được phân công phụ trách lớp mầm vì các con mới đi học nên rất bỡ ngỡ, thậm chí nhiều trẻ đến trường vẫn chưa biết nói tiếng Việt. Thông qua các hoạt động, sinh hoạt, giáo viên đều tranh thủ giao tiếp tiếng Việt để trẻ nhanh tiếp cận. Các đồ chơi, đồ dùng, biển chỉ dẫn, biển đề tên cây cối, vật dụng trong trường giáo viên đều làm bằng song ngữ tiếng Việt và M’nông để các em dễ nhớ, dễ thuộc hơn”.

Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh. Sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo thực hiện chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng DTTS, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn.

img_4052.jpg
Học sinh Trường tiểu học - THCS Vừ A Dính ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức trong giờ ra chơi

Hàng năm, ngành Giáo dục tổ chức hội thi và giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học. Hội thi đã tạo được sân chơi, không khí phấn khởi cho học sinh DTTS được giao lưu học hỏi về tiếng Việt. Đến nay, 100% các trường mầm non, tiểu học có học sinh DTTS thực hiện tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS, bảo đảm trẻ DTTS nói thành thạo, biết cách giao tiếp và giao tiếp được bằng tiếng Việt, phù hợp với mức độ phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi của trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học. Trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh có trên 95% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình môn tiếng Việt.

Trợ lực cho học sinh DTTS

Hệ thống trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của tỉnh được quan tâm, ưu tiên đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 7 trường PTDTNT và 2 trường PTDT bán trú. Các trường luôn có giáo viên trực 24/24h để quản lý, chăm sóc học sinh. Mạng lưới trường, lớp học từ bậc mầm non đến THPT tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đã được hoàn thiện. Điều này góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục.

img_4042.jpg
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Đắk R'măng ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong được tạo mọi điều kiện về sách vở, hỗ trợ kinh phí đối với những học sinh có nhà ở xa trường từ 4km trở lên

Sự tập trung vào việc củng cố mạng lưới trường, lớp không chỉ giúp duy trì kết quả phổ cập giáo dục mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực tại những vùng khó khăn.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 58.655 học sinh DTTS ở các cấp học. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách của Trung ương đối với trẻ em, học sinh DTTS.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông triển khai có hiệu quả những chính sách đặc thù như: hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh ở các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 của HĐND tỉnh.

Tỷ lệ trẻ em DTTS 5 tuổi huy động đến lớp trong năm học 2023-2024 của tỉnh Đắk Nông đạt 99%. Toàn tỉnh giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. Chất lượng giáo dục học sinh DTTS được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tại các trường nội trú tăng lên 99,9%; tỷ lệ học sinh đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên đạt 90%.

Đắk Nông đã triển khai chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, vùng khó khăn, giai đoạn 2016-2020; kế hoạch nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng đồng bào DTTS... HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh…

Với những chủ trương, chính sách đồng bộ, thiết thực là trợ lực quan trọng cho học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, nhận thức và kỹ năng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO